Nhà Lý sụp đổ
Từ cuối thế kỉ XII, nhà Lý ngày càng suy yếu. Chính quyền không còn chăm lo đến đời sống của nhân dân như trước, hầu hết quan lại lao vào ăn chơi sa đọa.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục:
"Bấy giờ nhà vua vẫn cứ tiến hành mọi việc thổ mộc không ngừng, nghe nói ngoài kinh thành có giặc cướp, cũng giả vờ làm ngơ để bưng bít đi, chỉ ham thích của cải. Các bầy tôi (quan lại) đều bắt chước, tranh nhau bán quan buôn ngục, ngoài ra không còn nghĩ đến việc gì."
Lụt lội, hạn hán, mất mùa liên tiếp xảy ra. Nhiều dân nghèo phải bán vợ, con làm nô tì cho các nhà giàu, một số khác bỏ vào chùa kiếm sống. Dân chúng rất cực khổ.
"Chính sự ngày một đổ nát, đói kém xảy ra luôn luôn. Nhân dân cùng quãn, khốn khổ, giặc cướp nổi lên ở nhiêu nơi".
Ở Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình... dân nghèo nổi dậy đấu tranh. Trong tình hình đó, một số thế lực phong kiến ở các địa phương lại đánh giết lẫn nhau, quấy phá nhân dân và chống lại triều đình. Nhà Lý phải dựa vào thế lực họ Trần để chống lại các lực lượng nổi loạn nên đã tạo điều kiện và thời cơ cho họ Trần buộc Chiêu Hoàng (vua cuối cùng của nhà Lý) phải nhường ngôi cho Trần Cảnh vào tháng 12, năm Ất Dậu (đầu năm 1226).
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Trần Cảnh khi mới lên 8 tuổi,... "có chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, nên được vào hầu trong cung. Chiêu Hoàng thấy vua (Trần Cảnh) thì ưa. Năm Ất Dậu mùa đông, tháng 12 (đầu năm 1226), được Chiêu Hoàng nhường ngôi, lên ngôi Hoàng đế".
Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý (Bắc Ninh)
Nhà Trần củng cố chế độ phong kiến tập quyền
Bộ máy quan lại thời Trần cũng giống như thời Lý, được tổ chức theo chế độ quân chủ trung ương tập quyền, gồm ba cấp : triều đình, các đơn vị hành chính trung gian từ lộ đến phủ, huyện, châu và cấp hành chính cơ sở là xã. Ở triều đình, đứng đầu là vua, thời Trần thực hiện chế độ Thái thượng hoàng. Các vua thường nhường ngôi sớm cho con và tự xưng là Thái thượng hoàng, cùng với vua (con) quản lí đất nước.
Các chức đại thần văn, võ phần lớn do người họ Trần nắm giữ.
Hệ thống quan lại bên dưới vẫn như thời Lý, nhưng được tổ chức có quy củ và đây đủ hơn. Nhà Trần đặt thêm một số cơ quan như Quốc sử viện (đảm nhiệm việc viết sử), Thái y viện (coi việc chữa bệnh trong cung vua), Tôn nhân phủ (nắm sự vụ của họ hàng tôn thất) và một số chức quan như Hà đê sứ, Khuyến nông sứ, Đồn điền sứ... Nhà Trần còn quy định cụ thể thời hạn để xem xét việc thưởng, phạt quan lại.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi:
"Theo thể lệ nhà Trần, cứ 15 năm nếu không có lỗi nặng thì thăng một bậc chức vụ. Việc thăng thưởng, bổ sung được quy định rõ ràng".
Các quý tộc họ Trần được phong vương hầu, ban thái ấp. Quan lại được cấp bổng lộc.
Cả nước được chia lại thành 12 lộ. Đứng đầu lộ có các chức chánh, phó An phủ sứ. Dưới lộ là phủ, do chức tri phủ cai quản; châu, huyện do các chức tri châu, tri huyện trông coi. Dưới cùng là xã, do xã quan đứng đâu.
Pháp luật thời Trần
Nhà nước chú trọng sửa sang luật pháp, ban hành bộ luật mới gọi là Quốc triều hình luật. Hình luật thời Trần cũng giống như thời Lý, nhưng được bổ sung thêm. Pháp luật xác nhận và bảo vệ quyền tư hữu tài sản, quy định cụ thể việc mua bán ruộng đất.
Cơ quan pháp luật thời Trần được tăng cường và hoàn thiện hơn. Nhà Trần đặt cơ quan Thẩm hình viện để xét xử việc kiện cáo. Vua Trần vẫn để chuông lớn ở thềm điện Long Trì cho dân đến kêu oan khi cần. Sự cách biệt giữa vua, quan và dân chúng chưa thực sự sâu sắc.
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.