Nhà máy thức ăn chăn nuôi 28 triệu USD của "ông lớn" đến từ Mỹ hoạt động tại Đông Nam Bộ

Tường Thụy Thứ hai, ngày 25/09/2023 17:26 PM (GMT+7)
Nhà máy thức ăn chăn nuôi trị giá 28 triệu USD của đại gia nông nghiệp Cargill (Mỹ) được khánh thành ngày 25/9, tại Đồng Nai.
Bình luận 0

Theo 'ông lớn' nông nghiệp đến từ Mỹ, đây là nhà máy premix hiện đại nhất của Cargill ở Châu Á. Premix là những loại bột gồm hỗn hợp các chất giàu dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao, được trộn sẵn dùng làm thức ăn vật nuôi.

Nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại nhất châu Á của ông lớn Cargill khai trương tại Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Nhà máy mới của Cargill mang tên Provimi tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai

Nhà máy mới có tên Provimi tại Khu Công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) ra đời nhằm thay thế hoàn toàn cho nhà máy Provimi cũ trước đây tại Biên Hoà, Đồng Nai.

Nhà máy có diện tích 3 ha, lớn gấp 9 lần nhà máy cũ và có công suất 40.000 tấn/năm, gấp đôi so với nhà máy cũ. Cargill hy vọng khoản đầu tư mới sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Công ty cũng hướng đến xuất khẩu, với tỷ lệ theo kế hoạch là 80% tiêu thụ tại Việt Nam, 20% cho các thị trường khác.

Cuối năm 2011, Cargill hoàn tất thương vụ mua lại 100% Công ty Provimi của Hà Lan, với giá 1,5 tỷ euro (2,1 tỷ USD thời điểm đó) để tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu. Sau đó, Provimi Việt Nam cũng trở thành một phần của Cargill Việt Nam.

Lãnh đạo tập đoàn Cargill khẳng định Việt Nam luôn là thị trường trọng điểm của Cargill trên toàn cầu. Việc mở rộng đầu tư sản xuất nằm trong tầm nhìn chiến lược dài hạn của tập đoàn đối với Việt Nam, theo sát các dự báo tăng trưởng về ngành nông nghiệp Việt Nam và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là nhà máy thứ 11 đang hoạt động của Cargill tại Việt Nam, nơi tập đoàn bắt đầu hiện diện năm 1995 với tư cách một trong những doanh nghiệp Mỹ đầu tiên có mặt, sau khi hai nước bình thường hóa qua hệ vào cùng năm.

Bà Melissa Bishop, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết kim ngạch thương mại nông nghiệp Việt Nam – Mỹ năm 2022 đạt đến 9,8 tỷ USD. Việt Nam đang là nhà nhập khẩu nông sản Mỹ lớn thứ 9, và Mỹ là nước nhập khẩu rất nhiều nông sản Việt.

"Đạt được kết quả trên là nhờ vào mối quan hệ đối tác, hợp tác bền vững, và cam kết đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam từ những tập đoàn như Cargill", bà Bishop nói.

Nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh của Cargill ở Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, tập đoàn C.P. (C.P. Group) là đối thủ cạnh tranh lớn hơn Cargill. Báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của C.P. Group cho thấy doanh thu của C.P. Việt Nam là 58.226 triệu baht (hơn 39.000 tỷ đồng), giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong các nhóm kinh doanh, chăn nuôi đạt doanh thu lớn nhất, với 24.831 tỷ đồng. Theo sau là thức ăn chăn nuôi đạt 12.507 tỷ đồng, thực phẩm với 2.645 tỷ đồng.

Báo cáo cũng thể hiện Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 toàn cầu của C.P. Group sau Thái Lan. Nửa đầu năm, sân nhà của ông lớn này đem về doanh thu 112.703 triệu baht (77.300 tỷ đồng).

Nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại nhất châu Á của ông lớn Cargill khai trương tại Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 toàn cầu của C.P. Group sau Thái Lan. Tại Việt Nam, ông lớn này đầu tư nhiều nhà máy, trong đó có nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại nhất thế giới đặt tại Bình Phước. Ảnh: C.P.

Japfa của Indonesia cũng là một đối thủ mà Cargill phải dè chừng. Tháng 5/2023, Japfa Việt Nam khai trương 2 nhà máy (nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ gia cầm) tại Khu Công nghiệp Minh Hưng – Sikico, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện chuỗi cung ứng Feed - Farm – Food của Japfa (Feed: hạt giống và thức ăn vật nuôi; Farm: con giống và trang trại chăn nuôi; Food: chế biến và phân phối thực phẩm).

Với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Japfa Việt Nam giai đoạn 1 đạt công suất 240.000 tấn/năm, giai đoạn 2 là 480.000 tấn/năm. Riêng trong chuỗi dự án chăn nuôi, Japfa cam kết vốn đầu tư là 230 triệu USD.

Trong giai đoạn 2, nhà máy sẽ tăng công suất lên đến 480.000 tấn/năm, đảm bảo cung ứng thức ăn chăn nuôi chất lượng cho thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại nhất châu Á của ông lớn Cargill khai trương tại Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Japfa tại Bình Phước. Ảnh: Japfa

Nhà máy giết mổ gia cầm của Japfa tại tỉnh Bình Phước có diện tích gần 15 ha, đạt công suất 60.000 con/ngày với số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Năm 2022, Japfa Việt Nam đầu tư hơn 160 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn thủy sản tại Long An, cung cấp các dòng thức ăn dành cá lóc, cá điêu hồng, cá rô, ếch… mang thương hiệu STP. Được thiết kế với tổng công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm, giai đoạn 1 hiện nay hoạt động với công suất 30.000 tấn/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem