Vay nóng để trả nợ
Năm 2013, anh Nguyễn Minh Công (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) vay 600 triệu đồng từ 2 ngân hàng ở Đồng Nai với cam kết hoàn vốn, lãi trong vòng 2 năm để đầu tư cho trại gà đẻ trứng hơn 10.000 con. Tuy nhiên, năm 2013 là một năm đáng quên của những hộ chăn nuôi gà đẻ trứng ở đây. Giá mỗi quả trứng gà tại trại chỉ còn 800 - 900 đồng/quả. “Quả là một năm tôi khốn khổ với việc chạy tiền để hoàn vốn, lãi ngân hàng đúng hạn khi giá trứng gà rớt thê thảm”- anh Công than thở.
Người dân huyện Châu Thanh, Trà Vinh làm thủ tục vay vốn ngân hàng.
Cuối năm nay, anh Công sẽ phải hoàn vốn, lãi theo đúng cam kết với các ngân hàng. Tuy nhiên, theo anh Công, nghĩa vụ này sẽ không đơn giản cho dù giá trứng gà năm nay được giá hơn năm ngoái. “Bà con nông dân chăn nuôi ở đây lâu nay vẫn rất uy tín với các ngân hàng trong việc hoàn vốn, lãi theo đúng cam kết.
Nếu đến thời điểm cam kết hoàn vốn mà không có tiền họ đành đi vay “nóng” để trả ngân hàng đúng hạn. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng linh động hơn trong việc thu hồi nợ như khoanh nợ, giãn nợ… thì bà con nông dân sẽ không mất một khoản lãi nóng do đi vay bên ngoài”- anh Công cho biết.
Trong khi đó, tại huyện Cẩm Mỹ, trang trại hơn 7ha của bà Đào Thị Là sản xuất khá ổn định với khoảng 4.000 heo thịt, 100 heo nái. Bà Là cho biết, nguồn vốn để đầu tư cho đàn heo này là vay của ngân hàng 3 tỷ đồng. Theo đó, số lượng heo đã tăng từ 500 con lên 4.000 con sau khi bà Là quyết định vay vốn đầu tư. Cuối năm nay là thời điểm bà hoàn vốn cho ngân hàng. Bà Là đau đáu: “Quả thật, nếu không “viện” đến nguồn tín dụng nông thôn thì nông dân khó có thể khuếch trương sản xuất.
Tuy nhiên, tôi nghĩ trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bấp bênh thì ngân hàng nên có những biện pháp thu hồi vốn “dễ thở” hơn với nông dân xem như một cách “giữ mối”, cũng như hỗ trợ nông dân làm ăn. Nếu năm nay được giãn nợ thì tôi mừng lắm vì thật lòng giá heo cũng mới gượng dậy.
Nỗi lo “nợ chồng nợ”
Sắp tới hạn trả nợ ngân hàng nhưng anh Bùi Trung Hiếu ở ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang đứng ngồi không yên vì chưa có đủ tiền trả nợ. Gia đình anh vay của một ngân hàng có chi nhánh tại huyện Bình Chánh 350 triệu đồng để mở rộng trồng thêm 4.000 gốc lan Mokara. Vay trong 3 năm phải trả xong cả gốc và lãi nhưng lan anh trồng phải 4 - 5 năm mới thu hoạch.
“Phải chi ngân hàng giãn nợ hoặc có cơ chế cho vay phù hợp với tình hình sản xuất của nông dân thì đỡ biết mấy. Chứ giờ để có tiền trả nợ, chúng tôi phải ra cắt lan còn non đem bán với giá thấp thì lỗ chết. Hay vay nóng ở ngoài với lãi suất cao trả nợ ngân hàng thì nợ chồng nợ. Đằng nào cũng chết nên gia đình cả tháng nay rầu thúi cả ruột” – anh Hiếu than.
Anh Đoàn Ngọc Ẩn ở ấp 3, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết anh vay của ngân hàng 300 triệu đồng (được hỗ trợ lãi suất vay còn có 6%/năm) để nuôi bò. Tiền xây chuồng trại và máy móc, vật tư đã hết mất 100 triệu đồng. 200 triệu đồng còn lại chỉ đủ mua 4 con bò chửa, vỗ béo trong 5 tháng có bò con để lấy tiền trả ngân hàng. “Tôi phải trả nợ định kỳ 6 tháng 1 lần, đợt đầu bò đẻ thuận lợi, trả nợ ngân hàng cũng dễ dàng. Nhưng đợt sau này bò vô giống không thành công, 7-8 tháng sau mới vô giống lại được, nếu thành công thì 9 tháng sau bò mới đẻ. Thế nên đợt trả nợ lần 2 và 3 sắp tới, tôi không biết xoay đâu tiền trả nợ ngân hàng?” – anh Ẩn lo lắng.
Không riêng gì anh Ẩn, như trường hợp anh Nguyễn Văn K (hàng xóm nhà anh Ẩn) cũng đang vướng phải những khó khăn trong việc đáo nợ. Anh K vay 100 triệu đồng của ngân hàng để nuôi bò sữa, nhưng lại mua nhầm bò dỏm nên cho rất ít sữa. Anh bắt buộc phải bán lỗ 3 con bò sữa đó đi, gom góp thêm mua mấy con bò vàng nhỏ về nuôi. Anh phải vỗ béo bò con ít nhất thêm 8 - 10 tháng nữa mới đem bán được mà thời hạn trả nợ ngân hàng đã tới, không biết làm sao xoay tiền để trả nợ ngân hàng. “Mong muốn tha thiết của gia đình tôi là được ngân hàng giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ qua sang năm để khi bán được bò sẽ trả nợ ngân hàng đầy đủ”- anh K nói.
Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng NaiKiến nghị tăng mức vay cho nhà nông
Cái khó hiện nay là mức cho vay và thời gian cho vay phải thực hiện theo quy chế cho vay chung. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng mức cho vay tín chấp đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, chủ trang trại. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông nghiệp cũng như giấy chứng nhận kinh tế trang trại để nông dân thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng. Hy vọng khi được thông qua, thì đây là lối ra cho nhà nông.
Ông Nguyễn Anh Kiệt - Phó Giám đốc phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Long Phú (Sóc Trăng)Sẽ khoanh nợ cho nhiều trường hợp
Theo đúng trình tự thì khách hàng vay vốn sử dụng đúng mục đích trong hợp đồng tín dụng, bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần vốn hoặc toàn bộ vốn, tài sản; khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ thì sẽ được khoanh nợ. Khách hàng phải làm đơn đề nghị xử lý nợ, có biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản. Lúc đó, ngân hàng mới có cơ sở xem xét.
Chúc Ly - Huỳnh Xây (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.