Nhà nông không chịu đói nghèo: Có kiến thức mới thành công

Thứ năm, ngày 17/05/2012 07:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đưa khách thăm vườn kiểng xương rồng, anh Long tiết lộ bí quyết thành công là phải có kiến thức từ sản xuất, chăm sóc đến đóng gói bao tiêu sản phẩm, biết học cái hay của nông dân các nước khác...
Bình luận 0

LTS:Năng động, dám nghĩ, dám làm, tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ cộng đồng... đó là phương châm sống và làm việc của những nông dân (ND) ưu tú về thủ đô dự Hội nghị ND sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4.

Năm 1991, tốt nghiệp hệ trung cấp kỹ thuật đường thủy, Nguyễn Ngọc Long (ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) làm nghề lái tàu lênh đênh trên các dòng sông, cửa biển. Nhưng chỉ được 3 năm, anh giã từ nghề sông nước, lên bờ xin làm công nhân nhuộm ở Nhà máy Dệt Thành Công.

img
Anh Long chăm sóc vườn cảnh La Hán.

“Sống ở nông thôn ngoại thành nên tôi rất mê hoa-cây kiểng. Sau giờ đi làm, tôi tranh thủ tìm hiểu, học nghề tạo dáng hoa – kiểng của một số nghệ nhân” - anh Long kể. Năm 2001, sau khi lập gia đình, anh thuê 3.000m2 đất trồng lúa năng suất bấp bênh của một nông dân cùng ấp với giá khởi điểm 1 triệu đồng/năm để trồng kiểng xương rồng, trong đó 50% giống nhập ngoại.

Thấy thị trường hoa - cây kiểng có nhu cầu cao, năm 2004 vợ chồng anh thuê tiếp 5.000m2 mở rộng diện tích nhân giống kiểng xương rồng cung cấp cho người trồng hoa và người chơi hoa ở TP.Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác.

Có tiền tích lũy từ bán kiểng xương rồng, năm 2005 vợ chồng anh lên xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) tậu 25.000m2 vùng bưng trũng bị nhiễm phèn nặng rồi huy động gần 600 triệu đồng vốn đầu tư, cải tạo mặt bằng để trồng kiểng La Hán nhập từ Đài Loan. Để có vườn kiểng La Hán 2,5ha như hôm nay, anh phải mang mẫu đất lên Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam thử độ pH và đề nghị nhà khoa học của Viện tư vấn phương pháp cải tạo phèn theo phương pháp sản xuất đến đâu cải tạo đến đấy...

Đưa khách thăm vườn kiểng xương rồng, anh Long tiết lộ bí quyết thành công và cũng là nguyên tắc kinh doanh của mình. Theo anh, trong thời kỳ hội nhập, nông dân cần phải mở rộng kiến thức từ sản xuất, chăm sóc đến đóng gói bao tiêu sản phẩm, học cái hay của nông dân các nước có nền nông nghiệp phát triển. “Mỗi lần đi tham quan, học tập kinh nghiệm nước ngoài, tôi lại mua các loại hoa - cây kiểng trong nước chưa có để nhân giống, tạo sự độc đáo trong làng sản xuất hoa-cây kiểng” - anh Long cho biết.

Bây giờ, nghệ nhân hoa kiểng Nguyễn Ngọc Long đang làm chủ 4 khu vườn hơn 40.000m2 chủ yếu trồng kiểng La Hán và kiểng xương rồng. Vườn kiểng của anh còn tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng, chưa kể hơn chục lao động lúc cao điểm. Hỏi doanh thu, anh tiết lộ là 400 triệu đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem