Nhà nông mất hàng vạn gia súc

Thứ hai, ngày 18/11/2013 06:39 AM (GMT+7)
Lũ xảy ra trong 2 ngày cuối tuần qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Đặc biệt tại Quảng Ngãi, cảnh tượng kinh hoàng nhất là xác gia súc chết trôi, tấp la liệt trên đường và trên sông.
Bình luận 0
Mất hàng vạn bò, lợn

Ngày 17.11, Trên con đường về xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng hàng chục con lợn nằm chết bên vệ đường, xác đã trương phềnh mà người dân chưa kịp dọn. Còn người dân ở đây, hầu như gia đình nào cũng có bò, gà, lợn bị cuốn trôi.

Bà Trần Thị Bông (45 tuổi, ở xã Hành Tín Tây) buồn rầu: “Nước lên quá nhanh nên tôi chỉ kịp dọn vài đồ đạc lên cao, còn lại gạo, lúa bị nước lũ ngâm ướt hết. Tiếc nhất là đàn lợn 4 con chuẩn bị xuất chuồng đã bị cuốn trôi đi mất”.

Ông Võ Thành Vân (35 tuổi, ở xã Hành Tín Đông) thì thở dài: “Cả đàn gà 120 con bị lũ cuốn trôi sạch, bao tiền bạc dành dụm cho đàn gà coi như mất hết. Chắc cuối năm khỏi tết nhất luôn”.

Sau khi lũ rút, xác súc vật nằm rải rác trên đường ở xã Hành Tín Tây (Quảng Ngãi), ảnh chụp sáng 17.11.
Sau khi lũ rút, xác súc vật nằm rải rác trên đường ở xã Hành Tín Tây (Quảng Ngãi), ảnh chụp sáng 17.11.

Anh Phạm Văn Sanh (Hành Tín Đông) cũng bị cuốn trôi tới 7 con lợn. Trưa 15.11, anh có việc gấp nên đi vắng, chỉ còn vợ là chị Lê Thị Huyền ở nhà. Lũ đột ngột lên, mình chị Huyền không xoay xở kịp. Đến khi anh Sanh về được đến nhà thì ngoài 6 tạ lúa, gạo, đàn lợn 7 con đều bị lũ cuốn trôi. Được biết, tại Hành Tín Đông có hàng trăm gia súc bị cuốn trôi và chết.

Huyện Sơn Tịnh cũng là địa phương lũ càn quét kinh khủng. Bà Nguyễn Thị Bông (thôn An Phú, xã Tịnh An) kể: “Ở đây là ốc đảo nên chúng tôi rất quen với chuyện lũ. Thế nhưng lũ tràn vào nhanh đến mức này thì thật chưa thấy bao giờ. Hàng trăm gia đình trong thôn không ai trở tay kịp. Người còn chạy không kịp huống gì gia súc. Ôi thôi, trôi nhiều lắm, trâu, bò rồi heo, gà...”. Được biết, hơn 400 con trâu, bò, lợn, gà của xã này bị cuốn trôi.

Đến ngày 17.11, tỉnh Quảng Ngãi có 10.849 con gia súc của tỉnh bị chết do lũ, trong đó, chết nhiều nhất là ở huyện Tư Nghĩa - 10.750 con. Ngoài gia súc chết, Quảng Ngãi cũng bị mất trắng hàng trăm ha lúa, hàng ngàn tấn hạt giống bị ướt. Riêng lương thực bị ướt, hư hỏng: 9.500 tấn.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Lũ về đột ngột không chạy kịp, trâu bò chết la liệt, trong khi vụ lúa đông xuân 2013-2014 đang cận kề. Nguy cơ thiếu sức kéo trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất lo lắng về tình hình dịch bệnh do ô nhiễm môi trường mà xác gia súc gây ra”.

Lũ rút, dân vẫn đi thuyền trên... đường

Đến 17.11, lũ trên địa bàn Quảng Nam đã xuống nhưng nhiều nơi vẫn còn ngập nặng. Trong đó, TP.Tam Kỳ có nơi vẫn còn ngập đến 2m do hồ thủy lợi Phú Ninh xả lũ (lưu lượng xả là 251m3/s). Cồn Thị, thuộc phường Phước Hòa (Tam Kỳ), còn chìm trong biển nước, nhiều nơi ngập sâu từ 1,5- 2m, việc đi lại của người dân rất khó khăn.

Anh Phan Văn Liền (35 tuổi, trú Cồn Thị) cho biết: “Đến trưa 17.11, trời đã nắng, nhưng nhà tôi nước vẫn còn ngập cả mét. Mà không riêng gì nhà tôi, cả xóm đều vậy. Chúng tôi phải dùng ghe đi lại trong xóm”.

Nghiêm trọng nhất là ở các xã vùng ven Tam Kỳ, như phường Hòa Hương, phường Tân Thạnh, xã Tam Thăng, xã Tam Phú. Những nơi này đến ngày 17.11 vẫn còn hàng trăm ngôi nhà bị ngập từ 0,5 - 1m. Tại khối phố Hương Trà Đông, phường Hòa Hương, hơn 200 mái nhà đã bị nước sông dâng cao, cô lập, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, phương tiện duy nhất hoạt động được là những chiếc thuyền thúng nhỏ, len lỏi theo các con đường bê tông nông thôn đã ngập sâu trong nước.

Theo tổng hợp sơ bộ từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh miền Trung, đợt lũ lụt này đã làm chết 38 người (Quảng Nam 6, Quảng Ngãi 13, Bình Định 16, Phú Yên 1, Gia Lai 1, Kon Tum 1), mất tích 5 người (Quảng Nam 1, Quảng Ngãi 1, Bình Định 2, Gia Lai 1).

Các con sông nhỏ ở Quảng Nam nước cũng dâng cao, cuốn trôi ít nhất 5 người dân trên đường đi làm.

Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, đến ngày 17.11, lũ trên các sông ở tỉnh đang xuống nhưng mực nước ở các vùng hạ lưu vẫn ở mức cao. Mưa lũ đã khiến khoảng 12.000 nhà dân bị nước lũ nhấn chìm. Nặng nhất là huyện Quảng Điền với hơn 3.500 ngôi nhà bị ngập, TP.Huế 3.820 nhà, thị xã Hương Thủy 1.806 nhà, huyện Phong Điền 1.240 nhà…

Vùng rốn lũ Quảng Thành và Quảng Thọ (Quảng Điền), mưa lũ đã cuốn trôi và làm hư hại hơn 300ha rau màu. Cùng với đó, do lũ lên quá nhanh, người dân trở tay không kịp nên lúa gạo và nhiều tài sản khác đã bị trôi theo nước lũ. Các địa phương thấp trũng của thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phong Điền đến chiều 17.11 vẫn còn hàng loạt nhà dân vẫn bị ngập sâu, giao thông tê liệt, người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu chất đốt và nước sạch nghiêm trọng.

Tại vùng rốn lũ huyện Tuy Phước (Bình Định) tới chiều 17.11 nước ngập vẫn còn ở mức cao, bao phủ hoàn toàn các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn và Phước Thuận. Đợt lũ này, trên 85% nhà cửa của huyện bị nhấn chìm trong lũ, thiệt hại khó thể đo đếm hết.

Bà Ngô Thị Hoa (62 tuổi, ở Phước Sơn) nói: “Bạc đầu, tui mới thấy trận lũ khủng khiếp này! Nước lên trong đêm nhanh và mạnh hơn hẳn các năm. Cơ sự này là do quản không nổi mấy ông hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ! Nhà cửa, ruộng vườn, heo gà... trôi tan nát hết!”.
Nhóm phóng viên miền Trung (Nhóm phóng viên miền Trung)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem