Nhà nông mở đường lên núi

Thứ hai, ngày 02/01/2012 17:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), có những con đường bê tông chạy dọc theo triền núi Dài do chính nông dân tự thiết kế, đầu tư và cùng nhau xây dựng.
Bình luận 0

Thiếu đường vận chuyển nông sản

Phía sau khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi) có con đường nhỏ nối dài đến tận chân núi Dài (còn gọi là Ngọa Long Sơn), một trong những ngọn núi lớn nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ. Vừa qua khỏi những trại tập kết nông sản, chúng tôi bắt gặp tấm bảng được viết nguệch ngoạc bằng sơn đỏ với dòng chữ: “Con đường này do nông dân trồng rừng và trồng vườn hùn vốn”. Đồng thời, trên tấm bảng cũng ghi rõ “Bốn điều cấm”: Không được uống rượu. Không chở củi khúc cồng kềnh khi lưu thông trên đường. Không đổ cây trên đường. Thắng xe phải bảo đảm an toàn.

img
Sắp xếp hàng hóa chuẩn bị đưa xuống núi bằng xe máy.

Ông Nguyễn Thời Lai - một trong những người phát động làm đường lên núi giải thích: “Sở dĩ phải đặt ra những quy định này là do đường lên núi khá hẹp (chiều ngang từ 1-2m), lại thêm đường có nhiều đoạn khúc khuỷu quanh co, chủ yếu để phục vụ vận chuyển nông sản xuống núi”. Dọc theo triền núi Dài, đoạn thuộc ấp Ô Tà Sóc hiện có hơn 60 hộ dân làm vườn và nương rẫy với diện tích rất lớn, chủ yếu trồng xoài, mít, chuối, gừng, nghệ, ngãi bún, cây thuốc Nam… Mỗi hộ canh tác từ vài chục đến cả trăm công đất.

Hồi trước, khi chưa có con đường này, cứ đến mùa thu hoạch, các chủ vườn ở đây thường phải thuê người gánh nông sản từ triền núi xuống chân núi để đưa đi tiêu thụ với giá 500-1.200 đồng/kg. “Mỗi mùa xoài, tôi thu hoạch khoảng 3 tấn trái, chưa kể mít và chuối thu hoạch thường xuyên. Tính ra tiền thuê người gánh hết hơn 4 triệu đồng. Những hộ canh tác diện tích lớn thì tiền thuê cả chục triệu đồng” - ông Lai nói. Tuy vậy, người khỏe nhất cũng chỉ gánh được 70 – 80kg/ngày. Việc vận chuyển nông sản với số lượng lớn không thể thực hiện, hàng bị ùn ứ...

Hơn nghìn ngày công phá đá, mở đường

“Thấy được hiệu quả của đường bê tông lên núi, nông dân ấp Ô Tà Sóc đang tiếp tục hùn vốn và góp công xây dựng thêm một con đường bê tông mới với quy mô tương đương."

Ông Thái Văn Chẳng - Trưởng ban Nông dân ấp Ô Tà Sóc

Những khó khăn đó đã khiến các hộ dân làm vườn và trồng rừng ở xã Lương Phi đi đến quyết định hùn vốn, cùng góp sức làm đường lên núi. Cứ vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần lại có hơn 30 người tập trung đến làm việc. Họ dùng xà beng và ròng rọc di chuyển những tảng đá ra khỏi đường. Sau khi mặt đường được san phẳng, họ trộn bê tông trong những chiếc phuy nhựa và bắt đầu đổ, được khoảng 200m thì ngừng lại, qua tuần sau mới thi công tiếp.

“Làm như vậy để mặt đường bê tông khô hoàn toàn. Sau đó, chúng tôi dùng xe chuyển vật liệu những đoạn vừa đổ bê tông xong để làm tiếp những đoạn còn lại, chỉ có như vậy mới mang được bê tông lên núi” - ông Lai cho biết.

Thời gian làm đường, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng những nhà nông ấy đều không nản chí. Công việc được chia ra rành mạch, cơm nước thì chị em phục vụ tại chỗ, việc nặng nhọc do đàn ông làm. Cuối cùng, sau hơn 4 tháng thi công, con đường đã hoàn thành trong niềm vui khôn tả của người dân. Để làm được con đường dài 1.750m này, các hộ dân đã phải bỏ ra gần 53 triệu đồng cùng 1.110 ngày công tình nguyện. Nhờ có con đường, một người có thể vận chuyển xuống núi bằng xe máy từ 150 – 170kg nông sản/ngày, gấp đôi so với gánh bằng vai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem