Nhà nước cần bỏ kinh phí đầu tư xây lại chung cư cũ
Những chung cư "chờ sập" - Bài cuối: Nhà nước cần bỏ kinh phí đầu tư xây lại chung cư cũ
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 20/04/2023 07:30 AM (GMT+7)
Mới đây, Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Chương trình cải tạo chung cư cũ là một trong những vấn đề trọng điểm của nhiệm vụ chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.HCM. Nhưng từ năm 2016 đến nay, thành phố vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi giải quyết rốt ráo cho bài toán cải tạo, xây mới những chung cư này.
Không thể cứ loay hoay việc di dời
Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6. Trong đó, vấn đề nhà ở đặc biệt là chung cư có tác động lớn đến đời sống của người dân và sự phát triển đô thị.
Về cải tạo, xây dựng nhà chung cư, tình trạng xuống cấp của một số chung cư, vai trò của chủ đầu tư, năng lực của đơn vị quản lý trong công tác bảo trì chung cư… là vấn đề khó khăn được nhiều doanh nghiệp đề cập và đề nghị tháo gỡ.
Theo ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 1.635 chung cư. Trong đó có 474 chung cư cũ xây trước năm 1975, đã cải tạo, sửa chữa 199 chung cư với tổng kinh phí 275,5 tỷ đồng.
Hiện có 16 chung cư cấp D đã hư hỏng nặng, nguy hiểm nhưng chưa thể xây mới. Công tác tháo dỡ, xây dựng mới thay thế chung cư cũ chỉ dừng lại ở việc di dời, tạm cư người dân để đảm bảo an toàn đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, chuyện di dời dân khỏi chung cư cấp D nhất định phải thực hiện, bởi vấn đề quan trọng đầu tiên là tính mạng của người dân. Mặc dù nhiều người cho rằng chỗ ở của họ vẫn đang an toàn nhưng thực tế, chung cư đó bền vững hay không còn nằm ở cấu trúc tổng thể chứ không phải riêng từng căn hộ.
"Người dân không thể chủ quan với những tình huống bất thường không lường trước được như động đất, giông bão, hậu quả sẽ rất lớn", TS Nguyên nói.
TS Nguyên cho rằng, phải rõ ràng cho người dân hiểu việc họ đến nơi ở mới là tạm cư hay định cư vì tâm lý chung là lo sợ xáo trộn cuộc sống, đồng thời lo lắng không biết khi nào mới có dự án xây lại chung cư cũ. Vì vậy, khi đã di dời người dân thì tiến hành cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ càng sớm để nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.
Cần có đột phá từ phía chính quyền
Điềm nghẽn lớn nhất chính là nguồn vốn đầu tư cho các dự án xây mới chung cư cũ. Nếu chỉ dựa vào nhà đầu tư thì rất lâu và khó thực hiện bởi họ sẽ không làm nếu không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. Trong khi đó, nhiều vị trí chung cư cũ bị hạn chế về chỉ tiêu quy hoạch nên không hấp dẫn nhà đầu tư.
"Cần phải có đột phá trong xây dựng lại chung cư cũ. Nhà nước bỏ kinh phí đầu tư xây dựng lại chung cư và bán cho người dân với giá phù hợp. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người dân thấy lợi ích lâu dài trong việc sớm thay thế chung cư cũ", TS Nguyên nhấn mạnh.
Đánh giá về công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng, việc triển khai đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư do việc áp dụng pháp luật về nhà ở, đất đai và đầu tư còn nhiều chồng chéo, chưa đồng bộ.
Ví dụ như, việc áp dụng quy định miễn giảm tiền sử dụng đất đối với trường hợp cải tạo, xây dựng lại chung cư có một phần diện tích không phải là chung cư hoặc có mục đích sử dụng khác... đã được TP.HCM đề xuất nhưng hiện vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật. Cụ thể, bổ sung quy định đối với các chung cư cũ có diện tích đất nhỏ, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc không bảo đảm tính khả thi để đầu tư xây dựng lại nhà chung cư nhằm bố trí tái định cư các địa điểm khác; vị trí khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi chức năng quy hoạch và chức năng sử dụng đất phù hợp để tổ chức đấu giá theo quy định.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, UBND TP.HCM đã có kế hoạch sẽ thúc đẩy đầu tư 20 dự án cải tạo chung cư với tổng diện tích sàn hơn 1,2 triệu m2 với hơn 11.000 căn hộ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.700 tỷ đồng. Dự kiến nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ khoảng 70% tổng mức đầu tư (tương đương khoảng 9.600 tỷ đồng).
Trong giai đoạn này, TP.HCM đưa ra kế hoạch sẽ xây dựng xong 6 chung cư cấp D đã thực hiện di dời, tháo dỡ trong giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, thành phố sẽ hoàn tất việc di dời, tháo dỡ 8 chung cư cấp D còn lại chưa hoặc đang di dời dang dở. Ngoài ra, TP.HCM cũng dự kiến bố trí nguồn ngân sách 500 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo 246 chung cư cấp B, C.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.