Nhà rông - hồn của làng

Thứ năm, ngày 28/02/2013 08:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhà rông là trái tim, là nơi nương tựa của dân làng. Với quan niệm ấy, ngay từ khi lập làng, người dân thôn Konkơlốk, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã tự làm cho mình một ngôi nhà rông truyền thống.
Bình luận 0

Đóng góp xây dựng nhà rông

Ngày nay, vai trò của nhà rông trong cộng đồng làng của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, không còn “thiêng liêng” như trước, nhiều làng không có nhà rông, nhiều làng người dân mải mê làm ăn mà sao nhãng ý thức bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

img
Đội văn nghệ của thôn Konkơlốk thường xuyên đi trình diễn tại các buổi lễ, hội nghị của xã, huyện.

Tuy nhiên, ở thôn Konkơlốk, ngay từ khi thành lập (năm 1990, tách từ thôn 8, xã Kon Hring về xã Đăk Mar, Đăk Hà), người dân đã tự đóng góp xây dựng nhà rông truyền thống. Bí thư Chi bộ thôn Konkơlốp Y Xoan cho hay: “Ngay sau khi lập làng, người dân đã nghĩ là phải làm ngay nhà rông cho làng mình. Vì, với người dân tộc chúng tôi, không có nhà rông thì chưa thể coi là một làng, chưa có nhà rông sao gọi là làng?”. Đến nay, nhà rông đã qua 4 lần sửa chữa lớn, đều có sự tham gia đóng góp của tất cả mọi người trong làng, con trai đi tìm cây, tìm tranh, lợp mái, con gái bện tranh, bện nứa, người lớn thì ra sức chỉ dạy, người trẻ ra sức học làm theo.

Dưới mái nhà rông là “kho tàng” văn hóa của cộng đồng làng, nơi đây bên ánh lửa hồng, người dân tập trung để nghe truyện “vừa hát vừa kể” như: Sử thi Giong Gia, Đam Hđang, Jrai Lao, Đam Xễ, Đam Zũ, hát Hnhong, hát tingning, hát giao duyên, hát cheo, hát ru… của các già A Ven, A Rôm, A Thoại, A Thưa, Y Zét, Y Pô, Y Khar, Y Xoan, nhà rông là nơi tiếp nối những tiếng cồng - chiêng, điệu xoang, tiếng tơ rưng, krông pút, nơi để lũ thanh niên tiếp xúc, trao đổi, sưu tầm, ghi chép lại và sáng tác ra các bài hát mới trên chất liệu âm nhạc xưa.

Bảo tồn văn hoá truyền thống

Thôn Konkơlốk có 1 bộ cồng chiêng, được giao cho Đoàn thanh niên thôn sử dụng và quản lý, đó là cách trao truyền, giao cho lớp trẻ những nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc và họ sẽ phát huy hiệu quả nhất.

Chi bộ thôn, Ban quản lý thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng, vận động già làng, những người am hiểu, biết nhiều về văn hóa của dân tộc, của làng ghi chép lại, truyền dạy lại cho mọi người, phát động thanh thiếu niên tham gia lĩnh hội kiến thức văn hóa dân gian, truyền thống của thôn, đồng thời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nêu cao tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đến nay, phần lớn trẻ em trong thôn đều biết đánh cồng - chiêng, múa xoang, dệt, đan lát, biết hát các làn điệu dân ca và có nhiều em sử dụng được các nhạc cụ tơ rưng, đàn môi, krông pút, tingning…

Người dân Konkơlốk quyết tâm loại bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ nét văn hóa của dân tộc, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.

Trong những năm qua, đội cồng chiêng và các nghệ nhân dân gian của thôn thường xuyên đi trình diễn tại các buổi lễ, hội nghị của xã, huyện, còn được huyện đưa đi tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức hàng năm, tham gia trình diễn Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… Thôn Konkơlốk còn được huyện chọn báo cáo điển hình tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem