Tôi sinh ra tại phố Hàng Bông, Hà Nội. Căn gác nhỏ 15m
2 với 8 người chung sống. Lúc đó, bố tôi công tác tại Bộ Quốc phòng và mẹ tôi làm giáo viên, đạp xe hàng ngày đi dạy tận Đông Anh. Thấy gia cảnh vất vả, một bác lãnh đạo đã cấp cho gia đình tôi một nửa căn hộ tập thể tại khu Thành Công. Tôi vẫn nhớ căn phòng 10m
2 với bốn người, chỉ đủ kê một chiếc giường, chung bếp, chung nhà vệ sinh với hàng xóm.
Hai năm sau, bố mẹ tôi chuyển cả nhà về sống trong một căn hộ tập thể tại Giảng Võ. Lúc đó, cả gia đình mới được sống trong một căn hộ của riêng mình. Nói là căn hộ nhưng không có tiện nghi nào cả và đặc biệt, không hề có sự riêng tư. Nhà nào ăn gì, xem tivi chương trình gì, cả hàng xóm đều biết …
Ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với các khu tập thể… Đến năm 16 tuổi, tôi sang Mỹ sống và làm việc. Được sống trong những tòa nhà tiện nghi, hiện đại nhưng tôi luôn cảm thấy trống trải, như mất đi một điều gì đó mà không thể cắt nghĩa.
Sau 10 năm, tôi trở về Việt Nam, khu tập thể đó vẫn còn, căn hộ đó vẫn vậy nhưng mọi thứ khác quá. Những con người ngày ấy đã chuyển đi, cuộc sống ngày ấy cũng không còn. Tôi nhớ những buổi chiều mẹ vừa nấu cơm vừa hát bài “Quê hương là chùm khế ngọt”, tôi nhớ những trưa nắng Hè chạy sang đường mua báo cho bố, nhớ cả hương vị của mùa Đông khi gió mùa Đông Bắc tràn về, mẹ lại nói: “Các con đừng chơi trước cửa, gió lùa đấy”. Nhớ cả những lúc đi học về, vội vàng chạy xuống vỉa hè chơi đánh quay với lũ trẻ con trong khu tập thể.
Lúc ấy, chả ai biết nghèo là gì, khổ là gì vì có ai biết sướng là gì đâu để mà so sánh. Thế nên, tất cả vẫn cứ vui và cứ sống. Người ta nói, ký ức tuổi thơ là 10 năm đầu tiên của cuộc đời và những gì thuộc về ký ức cứ theo người ta suốt cuộc đời.
Khi đặt chân về nước, tôi biết rằng, không sớm thì muộn, những khu tập thể này sẽ bị dỡ bỏ và thay thế bằng những tòa nhà hiện đại hơn, văn minh hơn. Đây là quy luật của sự phát triển. Tôi hiểu điều đó nhưng đôi lúc lại có cảm giác mình sắp mất đi một điều gì đó lớn lao, thuộc về tinh thần và kỷ niệm.
Đó cũng là điều thôi thúc tôi xách máy đi chụp lại hình ảnh của những khu tập thể này. Tôi muốn ghi chép lại bằng hình ảnh những gì còn trong ký ức, những gì của một thuở ấu thơ…
Bộ ảnh chụp nhà tập thể nói lên thói quen sống của người Hà Nội một thời chưa xa và vẫn còn kéo dài đến tận giờ do James Dương thực hiện đã được giới thiệu tại nhiều tờ báo.
(Theo Elle)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.