Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tham gia Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, điều gì ở sự kiện này khiến nhà thơ trẻ Trần Đức Tín cảm thấy tâm đắc?
- Trong Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc, điều tôi cảm thấy tâm đắc nhất là cảm nhận rõ tâm thế của các cây viết trẻ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Có thể nói nhìn vào những đôi mắt, nghe từng nhịp bước chân của các bạn ấy, tôi cảm giác được sự dấn thân, sự quyết liệt và mạnh mẽ trong hành trình văn chương sắp tới của họ.
Từ cách các bạn tự tin bày tỏ quan điểm, dám thể hiện sức trẻ với việc viết đã tạo cho tôi niềm tin và sự vui mừng rất lớn. Dù là những mong đợi xa xôi hay ý nghĩ gần gũi, tôi vẫn tin các bạn sẽ làm được điều gì đó thật đặc biệt trong tương lai.
Việc tuyển chọn những tác phẩm của các tác giả trẻ vào hai tuyển tập để giới thiệu với bạn đọc, theo anh cách "kích cầu" như thế có thực sự hiệu quả hay không?
- Theo tôi, việc tuyển chọn các tác phẩm để đưa vào 2 tuyển tập trong Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc vừa qua có thể nói chỉ mang tính tượng trưng, không/chưa hoàn toàn mang tính "kích cầu", nên chưa có thể nói lên điều gì đối với bạn đọc hay thị trường sách. Họa chăng, thông qua việc làm đó có thể cho bạn đọc thấy được sự đa dạng, sức sống của văn trẻ. Những người quan tâm đến văn chương thì thấy dòng văn học trẻ đang và sẽ tồn tại, phát triển như thế nào thôi.
Anh bắt đầu làm thơ sớm không? Công việc viết lách đó mang lại những gì cho anh? Có khi nào việc chọn nghề viết khiến anh cảm thấy tiếc nuối?
- Tôi bắt đầu làm thơ cũng có thể gọi là sớm. Tất nhiên, những bài thơ đầu cũng có thể gọi là "gần giống thơ" thôi. Nếu tính luôn giai đoạn đó thì đã hơn 10 năm. Thơ mang lại cho tôi thứ quý giá đó là hạnh phúc.
Như câu hỏi của Hội nghị Những người viết văn trẻ lần này: "Vì sao chúng ta viết?" – tôi quan niệm mục đích chúng ta viết là để hạnh phúc. Trong hạnh phúc thì có hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc cộng đồng. Đầu tiên, viết như nhu cầu tự thân trước cuộc sống, sau đến là để đồng điệu, lan tỏa điều gì đó cho bạn đọc, cho cái chung, cái lớn hơn của chúng ta. Về việc có khi nào tôi thấy tiếc nuối khi tôi chọn làm thơ thì chưa bao giờ! Tôi chỉ tiếc nuối rằng: Tại sao trong những bài thơ tôi chỉ viết được như thế? Tại sao không bức phá được hay viết hay hơn…
Khao khát văn chương hội nhập với thế giới
Trước ý kiến phê bình cho rằng: "Văn học trẻ hiện nay chưa tiếp cận được những vấn đề lớn cấp bách mà xã hội quan tâm". Anh nhìn nhận đánh giá này như thế nào?
- Thật lòng mà nói, nhiều khi có rất nhiều điều xung quanh ta chỉ tồn tại ở mức tương đối, ý kiến phê bình này theo tôi cũng vậy! Không ai dám khẳng định rằng đã đọc hết các tác phẩm của văn học trẻ hôm nay. Thế nên chúng ta chưa đủ căn cứ để khẳng định: "Văn học trẻ hiện nay chưa tiếp cận được những vấn đề lớn xã hội đang quan tâm".
Và hơn thế, đâu đó, tôi vẫn đọc được những bài thơ đầy tâm tư về cuộc sống, về bất cập trong xã hội hôm nay. Vấn đề lớn của chúng ta là: Đối với văn trẻ, xin hãy kiên trì đọc và đợi! Vì tôi luôn tin các bạn trẻ hôm nay sẽ làm được những điều tuyệt vời cho văn chương nước nhà.
Theo anh hướng đến việc hội nhập có phải là con đường quá xa đối với văn học Việt hay không?
- Tôi khao khát văn chương nước ta hội nhập được với thế giới. Thế nhưng văn chương nước ta bao giờ mới có thể hội nhập? – đây là câu hỏi tôi thường đặt ra với chính mình hoặc khi có dịp được phát biểu, hội họp để tìm tiếng nói, sự sẻ chia của bạn nghề.
Đâu đó, văn chương nước ta đã có những khởi đầu như những tác phẩm được dịch sang nước ngoài. Nhưng thế chưa thể gọi là hội nhập? – có thể tôi tham lam cho văn chương Việt, nhưng tôi luôn muốn nhiều hơn, muốn có sự định hình rõ nét, muốn nó sẽ thành dòng thành vệt chứ không phải chỉ lèo tèo thưa thớt như hiện nay.
Hội nhập văn chương của ta với thế giới để tránh sự tụt hậu hay "ao làng" là vô cùng cần thiết, như việc đôi khi, tôi hay hỏi mình đang đứng ở đâu? Vị trí nào? Và cố gắng ra sao? Nó là một cú hích rất lớn, sẽ mang lại sức bật cho văn chương nước ta.
Các cây bút sống và lớn lên ở thời đại 4.0 như chúng tôi luôn mang danh là công dân toàn cầu, nhưng những gì chúng tôi viết ra có được xem là tác phẩm toàn cầu không? Có lẽ là chưa, và tôi luôn mong điều này sẽ nhanh chóng hơn, hoàn thiện hơn.
Người trẻ hiện nay dường như ít quan tâm đến đời sống văn học nghệ thuật, thậm chí không tâm đắc với tác phẩm xuất sắc. Điều đó có làm cho những người viết như anh cảm thấy chạnh lòng hay không?
- Dĩ nhiên là có. Các bạn trẻ hiện nay nhiều lựa chọn và hầu như các bạn thường lẫn lộn giữa văn chương và giải trí như các trò chơi. Đây là trách nhiệm của cộng đồng, của tất cả chúng ta và hơn hết từ bản thân mỗi người viết. Bằng cách nào đó, phải trả lại ý nghĩa của văn chương đúng với bản chất của nó. Tuyệt đối văn chương không chỉ là giải trí, không phải là thú tiêu khiển tầm thường.
Với anh, TP. Hồ Chí Minh có phải là nơi lý tưởng để người trẻ lập nghiệp cũng như những người trẻ viết văn?
- Điều này có lẽ cũng là tương đối, nó còn tùy thuộc vào độ rung cảm và nội lực của từng người viết. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng ở một nơi đô thị ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với văn chương, kể cả sự ảnh hưởng tốt lẫn xấu. Biết chọn lọc, lắng lại và vươn lên rồi mới mong đến sự phát triển.
Nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh năm 2021, cảm xúc khi đó của anh như thế nào?
- Tôi vui mừng, hẳn nhiên là thế! Tôi thấy được những bước chân mình đã đi qua trên con đường này, kể cả sự thành công hay thất bại, giải thưởng đối với tôi đó là sự ghi nhận – điều này rất cần cho các cây viết trẻ luôn chật vật trên con đường định danh mình trong địa hạt văn chương. Bên cạnh đó, giải thưởng còn là sự đối chiếu giữa tác phẩm mình viết ra với độc giả cũng như những bộ phận văn chương chính thống hiện tại.
Hơn hết, với tôi, giải thưởng vừa là sự động viên vừa là trách nhiệm. Phía trước và từng bước đi nghiêm khắc với con chữ, với chính mình hơn.
Dự định nào đang được anh ấp ủ và có vấn đề gì khiến cho anh còn băn khoăn?
- Tôi chỉ có một dự định, một mong muốn duy nhất trên con đường văn chương này là: Những bài thơ tôi viết ra sẽ không chỉ ở trên trang giấy hay tập thơ mà nó ở lại trong lòng người đọc!
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Trần Đức Tín hiện đang sinh hoạt tại Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Sinh ra và lớn lên tại Cà Mau, hiện nay tác giả đang sinh sống và viết văn tại TP. Hồ Chí Minh.
Những giải thưởng của nhà thơ trẻ Trần Đức Tín:
- Giải Khuyến khích cuộc thi thơ Lục bát trên tập san Áo Trắng, NXB Trẻ 2019.
- Giải Khuyến khích cuộc thi thơ – truyện Văn hóa Đất Mới – Giáo phận Xuân Lộc 2019.
- Giải Khuyến khích cuộc Tạp bút Quê nhà yêu dấu trên tập san Áo Trắng, NXB Trẻ 2020.
- Giải Nhì cuộc thi Thơ Đồng bằng Sông Cửu Long lần VI năm 2020.
- Giải Khuyến khích cuộc thi Thơ báo Văn Nghệ 2019 – 2020.
- Giải Khuyến khích cuộc thi thơ Lục bát trên tập san Áo Trắng, NXB Trẻ 2021.
- Giải Nhà văn Trẻ – Hội Nhà Văn TP. Hồ Chí Minh 2021 với tập thơ Ở đậu trong nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.