"Làng Việt thời hội nhập" là động lực lớn giúp nền văn học khởi sắc

Thúy Phương - Thanh Tùng Thứ năm, ngày 11/11/2021 16:30 PM (GMT+7)
Lễ trao giải "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức đã diễn ra 11/11/2021. Các tác giả đạt giải đã chia sẻ với Dân Việt suy nghĩ về cuộc thi.
Bình luận 0
"Làng Việt thời hội nhập" là động lực lớn giúp nền văn học khởi sắc  - Ảnh 1.

Tác giả An Thư - Giải Nhì cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập". Ảnh: NVCC

 Thực trạng đáng buồn về sự trầm lắng của văn học tam nông Việt Nam

Chia sẻ về lý do tham dự cuộc thi, tác giả An Thư – chủ nhân của giải Nhì cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" trải lòng: "Là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Thanh. Do đó, khi trưởng thành và sống trong môi trường đô thị những hoài niệm về quê hương vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi. Đến với nghề cầm bút khá muộn, tôi luôn nung nấu ý định viết về làng quê, về người nông dân và quê hương, đất nước. 

Tuy vậy, tôi lại không có nhiều động lực để sáng tác. Biết đến cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập", tôi như tìm thấy động lực sáng tác cho chính bản thân mình. Theo tôi, đây là cuộc thi lớn cả về quy mô tổ chức và cơ cấu giải thưởng. Đây là cuộc thi hiếm hoi được tổ chức về đề tài tam nông. Chính vì vậy, không khó hiểu khi số lượng các tác phẩm dự thi ở mức kỷ lục".

Chia sẻ về tác phẩm đạt giải của mình, tác giả An Thư cho biết: "Đến với cuộc thi, tôi mong muốn góp một phần nhỏ sức mình trong một cuộc thi lớn. Thật bất ngờ khi tác phẩm "Sóng cồn" của tôi nhận được thông báo đoạt giải từ BTC. 

Đây là một cuộc thi lớn và việc giành được giải thưởng trong cuộc thi này sẽ giúp tôi có thêm động lực viết tiếp những câu chuyện về người nông dân, nông thôn, văn hóa Việt Nam... Tôi cũng mong rằng cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tiếp theo. 

Bởi lẽ những người yêu và quan tâm đến văn chương đều thấy rõ thực trạng đáng buồn về sự trầm lắng của văn học tam nông Việt Nam. Những cuộc thi tương tự như "Làng Việt thời hội nhập"  sẽ là động lực lớn giúp nền văn học này khởi sắc trở lại và phát triển hơn trong tương lai".

"Làng Việt thời hội nhập" là động lực lớn giúp nền văn học khởi sắc  - Ảnh 2.

Tác giả Lê Ngọc Hạnh – chủ nhân của giải Nhì cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập". Ảnh: NVCC

Là một tác giả từ Bình Dương, chị Lê Ngọc Hạnh – chủ nhân của giải Nhì cho biết: "Trước khi trở thành thủ phủ công nghiệp của phía Nam. Mảnh đất Bình Dương quê tôi cũng là những cánh đồng màu mỡ với đầy rẫy những hoa màu. Với khát vọng viết về quê hương, tôi đã gửi tác phẩm dự thi đến BTC "Làng Việt thời hội nhập". Là một tác giả không chuyên, tôi mong muốn tìm kiếm những sự nhận xét, đánh giá và góp ý cho tác phẩm của mình. 

Vượt ngoài mong đợi, truyện ngắn của tôi đã may mắn đoạt giải trong lần đầu tham dự. Với đứa con tinh thần "Cô Sáu Cam" của mình, tôi mong muốn truyền tải câu chuyện về những người nông dân di cư từ miền Tây lên miền Đông lập nghiệp. Vì điều kiện dịch bệnh, tôi không thể trực tiếp ra Hà Nội nhận giải. Qua đây, tôi xin cảm ơn Ban tổ chức khi đã quan tâm và tạo điều kiện để những cây viết không chuyên có cơ hội giao lưu, tiếp xúc và trau dồi khả năng sáng tác của mình".

"Làng Việt thời hội nhập" là một kích thích rất lớn trở lại đề tài văn học nông thôn Việt Nam

Chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập", nhà văn Nguyễn Hiếu - tác giả đoạt giải của BTC cho biết: "Cuộc thi viết về đề tài nông thôn do báo Nông thôn Ngày nay tổ chức là một cuộc thi lớn. Cuộc thi đã chạm đến những cốt lõi trong tâm hồn người Việt. 

Do đó, cuộc thi đã tạo ra một cảm xúc rất khác biệt cho các tác giả. Qua góc nhìn văn học, có thể đánh giá đề tài nông thôn là một đề tài rất lớn và tạo ra nhiều xúc cảm cho các nhà văn. Bén duyên với văn chương đã hơn 50 năm, những đề tài viết về nông thôn với tôi là những câu chuyện vô cùng gần gũi. Tuy nhiên, cuộc thi viết "Làng Việt thời hội nhập" là một kích thích rất lớn giúp tôi trở lại đề tài văn học nông thôn Việt Nam".

Đến với cuộc thi năm nay, nhà văn Nguyễn Hiếu mang tới cuộc thi 5 tác phẩm. Trong đó, đặc biệt nhất là 3 truyện ngắn mang tính chất hài hước. Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Hiếu, mặc dù cuộc thi có nhiều lĩnh vực nhưng nhà văn mong muốn mang đến những câu chuyện hài hước và tươi mới cho cuộc thi.

"Làng Việt thời hội nhập" là động lực lớn giúp nền văn học khởi sắc  - Ảnh 3.

Nhà văn Nguyễn Hiếu. Ảnh: Thanh Tùng

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi, nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng: "Các tác phẩm dự thi lần này đều có chất lượng rất cao. Đặc biệt, các tác giả không chuyên đã đem đến cuộc thi những góc nhìn vô cùng thú vị. Chất nông thôn đã dần tạo dựng được chỗ đứng trong nền văn học hiện đại. 

Bản thân chúng ta là quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước, tuy nhiên từ lâu chúng ta đã bỏ qua, thậm chí là quên lãng những câu chuyện về nông thôn. May mắn, báo Nông thôn Ngày nay (báo điện tử Dân Việt) đã tạo ra một con đường giúp những cây viết không chuyên và các nhà văn quay trở lại với đề tài nông nghiệp, nông thôn trong nhịp sống hiện đại".

Chia sẻ những cảm nhận trong lần đầu tham dự cuộc thi, tác Ngô Thị Liên (bút danh Ngô Hòa Bình)  chủ nhân giải Ba cho hay: "Làng Việt thời hội nhập" là một cuộc thi khá đồ sộ với dự tham gia của nhiều nhà văn lớn. Do đó, cá nhân tôi cũng cảm thấy choáng ngợp nhưng vẫn tự tin tham gia. Đến với cuộc thi, tôi mang tới hai tác phẩm "Na cam" và "Hoa mía". 

Với "Na cam", tác phẩm này chỉ lọt vào vòng sơ khảo. Tuy nhiên, "Hoa mía" lại may mắn nhận được thông báo đoạt giải từ BTC. Sở dĩ câu chuyện này đặc biệt ở chỗ thời gian sáng tác và gửi tác phẩm là rất gấp rút. Do thời gian gấp rút nên tác phẩm "Hoa mía" chưa thể trau chuốt về mặt nội dung và logic. Tuy nhiên đây lại là tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi".

"Làng Việt thời hội nhập" là động lực lớn giúp nền văn học khởi sắc  - Ảnh 4.

Tác giả Ngô Hòa Bình - Giải Ba "Làng Việt thời hội nhập". Ảnh: Thanh Tùng

Chia sẻ về những tác phẩm trong cuộc thi, tác giả Ngô Hòa Bình cho biết: "Bên cạnh tác phẩm của mình, tôi thường theo dõi khá nhiều bài dự thi của các tác giả. Trong đó tôi thích nhất là tác phẩm "Vân tay mắt Phật". Theo tôi, các tác phẩm dự thi năm nay có chất lượng tương đối đồng đều. 

Các tác phẩm dự thi năm nay mang những giá trị về văn chương với chất lượng nội dung cao. Lối viết của người trẻ trong những tác phẩm dự thi rất thú vị, mang hơi hướng nông thôn, mộc mạc nhưng cũng đậm chất thời sự", tác giả Ngô Hòa Bình cho biết thêm.

"Làng Việt thời hội nhập" là động lực lớn giúp nền văn học khởi sắc  - Ảnh 5.

Nhà thơ Vi Thùy Linh và NSND Hoàng Cúc. Ảnh: Dân Việt

NSND Hoàng Cúc cũng là một tác giả đạt giải Khuyến Khích của cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập". Chia sẻ về cơ duyên đến với cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập", NSND Hoàng Cúc cho biết: "Bản thân tôi biết đến cuộc thi qua lời giới thiệu của nhà thơ Vi Thùy Linh. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" của báo Nông thôn Ngày nay là điều vô cùng tuyệt vời. 

Những cảm hứng về đề tài nông thôn luôn đến một cách bất chợt. Bản thân tôi thích viết những truyện ngắn mang hơi hướng thực tế và phá cách. Với truyện ngắn "Về nhà", tôi đã xây dựng hình tượng một cô bé với giấc mơ khi lạc vào khuôn viên của Văn Miếu Quốc Tử Giám. 

Trong quá trình sáng tác, những chi tiết trong truyện đôi lúc khiến tôi ám ảnh và liên tưởng nhiều đến thực tế. Qua câu chuyện, tôi mong muốn phóng tầm nhìn về những người tri thức có đam mê, ấp ủ, hoài bão... Những con người này cần phát ra những thông điệp, tín hiệu để không bỏ trôi những dự định, hoài bão của họ".

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học – Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, nhà tài trợ Trường Hải THACO – nhà tài trợ kim cương.

Cuộc thi được phát động và nhận tác phẩm dự thi từ ngày 26/4/2019 và kết thúc nhận bài vào ngày 28/2/2021 (tính theo dấu bưu điện hoặc thư điện tử).

Lễ trao giải đã diễn ra vào lúc 8h30 ngày 11/11/2021 tại Hội trường Lớn tầng 13, tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay – Lô E2 Khu đô thị mới, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem