Nhà tình thương thánh Vinh Sơn-Phao Lô ở Nam Định (Bài 1): Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Mai Chiến Thứ hai, ngày 03/07/2023 11:03 AM (GMT+7)
Hơn 15 năm nay, trong ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (thôn Trung Lao, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) luôn đầy ắp tiếng cười của những đứa trẻ, cụ già neo đơn, người tàn tật...
Bình luận 0

Hiện tại, ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đang nuôi, chăm sóc gần 30 người. Video: Mai Chiến.

Ngôi nhà chung của các cụ già, trẻ nhỏ bị bỏ rơi

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô vào một buổi chiều oi bức của tiết trời mùa hè miền Bắc, nắng vàng trải dài như mật ong. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những đứa trẻ chừng 6 - 10 tuổi đang nói cười, nô đùa vui vẻ trên hiên nhà.

Thấy khách lạ, đám trẻ dừng hoạt động vui chơi, khoanh tay cúi chào. Tôi hỏi: "Sơ Hiên có nhà không các cháu?". Đám trẻ đáp lại: "Mẹ Hiên đang đọc kinh thánh trên nhà thờ ạ".

Nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (bài 1): Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 2.

Ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô nằm trong khuôn viên Tu Viện Đa Minh (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

Tôi ngồi chờ khoảng 10 phút, thì sơ Nguyễn Thị Hiên (SN 1961) cũng về đến ngôi nhà tình thương. Tiếp chúng tôi, sơ Hiên cho hay, ngôi nhà tình thương do sơ sáng lập, được khởi công xây dựng từ giữa năm 2006. Đến đầu năm 2007, ngôi nhà tình thương hoàn tất, với tổng số tiền đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Toàn bộ kinh phí xây dựng do sơ Hiên đi xin ở nhiều nơi.

Ban đầu, mục đích xây dựng, thành lập ngôi nhà tình thương là để cưu mang các cụ già neo đơn, tàn tật, không nơi nương tựa, vì khi đó chỉ có 1 mình sơ Hiên lo toan mọi việc, với lại kinh phí hoạt động eo hẹp, không cho phép sơ Hiên nhận nuôi thêm các đối tượng khác (như trẻ em bị bỏ rơi, người tâm thần...).

Tuy nhiên, với tấm lòng bao la, thương người, dễ động lòng trước số phận của những đứa trẻ bị bỏ rơi, không có bố mẹ chăm sóc…, sơ Hiên đã dang rộng vòng tay đón nhận thêm những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ về ngôi nhà tình thương để chăm sóc, nuôi nấng và dạy chúng lên người, trở thành người có ích.

Nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (bài 1): Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 3.

Sơ Nguyễn Thị Hiên, người sáng lập ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô. Ảnh: Mai Chiến.

"Tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh neo đơn, các cụ già tàn tật, không người thân chăm sóc nên sơ đồng cảm với số phận của họ. Từ đó, trong đầu sơ nảy ra ý định thành lập ngôi nhà tình thương dù trong người không có vốn tích lũy. Sơ đã mạnh dạn đứng lên kêu gọi mọi người giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương đó", sơ Hiên tâm sự.

Thời gian đầu, điều kiện kinh tế khó khăn, sơ Hiên lại không có công việc làm ổn định, nên mọi người trong ngôi nhà tình thương có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, có mì tôm ăn mì tôm. Bữa ăn tuy cơ cực, bụng đói triền miên, nhưng mọi người đều vui vẻ, sống tích cực.

Nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (bài 1): Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 4.

Ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô đã đi vào hoạt động được hơn 15 năm. Ảnh: Mai Chiến.

Có lẽ, trong cuộc đời của mình, sơ Hiên không bao giờ quên được hình ảnh người phụ nữ trẻ tuổi chở bao gạo nặng khoảng 20kg cùng với nước mắm, muối, mì chính… đến ngôi nhà tình thương để ủng hộ. Đó là vào khoảng giữa năm 2015.

"Đấy là lần đầu tiên, nhà tình thương được nhận sự hỗ trợ, ủng hộ của người ngoài đạo (ý là người không theo đạo thiên chúa giáo - PV)", sơ Hiên nói và cho biết thêm, người phụ nữ trẻ tuổi ấy chuyên làm công tác từ thiện, biết đến ngôi nhà tình thương qua 1 người quen.

Chấp nhận chịu thiệt thòi để đem lại niềm vui cho mọi người

Những năm đầu, nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô do sơ Nguyễn Thị Hiên sáng lập chưa được mọi người biết đến nhiều. Mọi chi phí sinh hoạt, một mình sơ Hiên phải gồng gánh.

Nhiều hôm nhà hết gạo, tiền cạn túi, sơ Hiên phải chạy ra ngoài chợ xin người dân từng bó rau, dúm gạo, củ khoai, lạng lạc… để về lo bữa cơm cho các cụ già và những đứa trẻ.

Nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (bài 1): Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 5.

Các cụ già đang sinh sống trong ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

"Nói thật với em, nhiều lúc trong nhà không còn gì, sơ phải ra chợ xin người dân mớ rau, ít gạo, thức ăn để về lo bữa ăn cho các cụ già và các con. Sơ nhịn đói còn được, chứ trẻ nhỏ, cụ già nhịn đói thì sơ lo lắm", sơ Hiên thổ lộ.

Thế rồi, giai đoạn khó khăn nhất cũng dần qua đi; cuộc sống của các cụ già, trẻ nhỏ ổn định hơn khi nhiều đoàn làm công tác từ thiện ở các tỉnh, thành biết đến ngôi nhà tình thương. Họ kêu gọi tiền mặt, gạo, mì tôm, các loại gia vị nấu ăn… để ủng hộ ngôi nhà tình thương này.

Hiện tại, ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô đang nuôi và chăm sóc gần 30 người, chủ yếu là các cụ già neo đơn, tàn tật, không nơi tương tựa; các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ. Trong đó, cụ cao tuổi nhất là trên 90 tuổi, em bé nhỏ tuổi nhất là 5 tháng tuổi. Mỗi người có 1 hoàn cảnh khác nhau.

Nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (bài 1): Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 6.

Các em nhỏ được sơ Nguyễn Thị Hiên đón về nuôi. Ảnh: Mai Chiến.

Để tiện chăm sóc, cơm nước hàng ngày cho các cụ già và những em nhỏ, sơ Hiên chỉ làm những công việc lặt vặt quanh nhà, trồng rau, nuôi con gà… để giảm chi phí mua thức ăn.

Sơ Hiên nhẩm tính, mỗi ngày sơ phải bỏ tiền túi từ 200.000 - 300.000 đồng để mua thức ăn cho các con và các cụ. Ngoài ra, chưa tính tiền mua sữa cho 3 em nhỏ, tiền đong gạo hàng tháng…

"Mỗi ngày, các cụ già và các con đều được sơ nấu ăn 3 bữa để đảm bảo sức khỏe. Các món ăn được thay đổi liên tục, đảm bảo dinh dưỡng. Có như vậy, đám trẻ mới có sức khỏe để đi học, các cụ mới đỡ ốm đau", sơ Hiên nói.

Theo sơ Hiên, mỗi ngày, sơ chỉ được chợp mắt được khoảng 5 - 6 tiếng. Từ ngày thành lập ngôi nhà tình thương, chưa một đêm nào, sơ được 1 giấc ngủ sâu, trọn vẹn.

Hằng ngày, cứ 3h sáng, sơ tranh thủ dạy sớm để đọc kinh thánh; nấu bữa sáng, vệ sinh cá nhân cho 1 số cụ già, trẻ nhỏ. Buổi trưa hầu như là không được ngủ. Đến khuya, khoảng 23h, khi các cụ già đi ngủ, đám trẻ học xong bài, sơ Hiên mới "chìm" vào giấc ngủ.

Nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô (bài 1): Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 7.

Các sơ ở thánh Vinh Sơn-Phao Lô (Nam Định) thay nhau trông nom 3 em nhỏ. Ảnh: Mai Chiến.

"Ngày nào cũng vậy, sơ phải thức khua, dậy sớm để chăm lo cho mọi người. Sơ đã chấp nhận đón họ về ngôi nhà này thì phải chăm sóc như người thân của chính mình.

Sơ coi những đứa trẻ như con của mình, các cụ già là cha mẹ mình, vì vậy sơ sẵn sàng hi sinh mọi thứ, chịu thiệt thòi để các con có cuộc sống vui tươi hơn và các cụ già neo đơn, tàn tật được hưởng trọn niềm vui cuối đời", sơ Hiên tâm sự.

Hiện nay, cuộc sống của gần 30 con người đang sinh hoạt trong ngôi nhà tình thương thánh Vinh Sơn - Phao Lô cơ bản được đầy đủ, không còn thiếu thốn nhiều như trước.

Các cụ già được ăn uống đầy đủ, đúng bữa, đủ chất; các em nhỏ được vui chơi, đi học như bao đứa trẻ khác. Tất cả mọi người đều được sơ Hiên, sơ Huệ chăm lo chu toàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem