"Nhà trọ Balanha": Xem được, nếu bớt tình tiết phi lý, quá đà

Nguyễn Hiếu Thứ ba, ngày 05/05/2020 15:04 PM (GMT+7)
"Nhà trọ Balanha" có thể coi là một "náo phim", đã tạo ra nhiều tình huống gây cười có hiệu quả theo nhiều cung bậc khác nhau.
Bình luận 0

"Náo phim"

Phim truyền hình Việt Nam (THVN) vài ba năm trở lại đây có dấu hiệu khởi sắc, và ít nhiều đã kéo được khán giả đến với màn ảnh nhỏ. Chỉ tính số lượng vài chục kênh của Đài THVN phát gần như liên tục 24/24 giờ mỗi ngày là biết để lấp đầy sóng trong các giờ phát dành cho phim đã ngốn khối lượng lớn như thế nào. Chưa kể do trình độ thưởng thức ngày một cao của khán giả và nhu cầu cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác, bắt buộc các nhà làm phim truyền hình phải ngày càng tạo ra sức hấp dẫn cho sản phẩm của mình. Chính vì vậy, bên cạnh việc nhập phim nước ngoài thì việc sản xuất phim nội địa theo kế hoạch là một yêu cầu bức thiết mà Đài THVN trong vài năm trở lại đây đã có nhiều cố gắng đáng trân trọng khi đây là đơn vị duy nhất trong làng truyền hình nước ta có hãng phim. 

"Nhà trọ Balanha": Xem được, nếu bớt tình tiết phi lý, quá đà - Ảnh 1.

Cũng như trong lĩnh vực sân khấu hay phim nhựa, kịch bản phim truyền hình là thành tố tiên quyết cho sự hình thành và thành công của một bộ phim. Để đảm bảo được sự "ngốn" kịch bản với số lượng lớn như phim truyền hình thì ngoài kịch bản do các tác giả trong nước viết, một khối lượng đáng kể là kịch bản nhập ngoại  được Việt hóa sau khi mua bản quyền.

Vài năm gần đây, trong số các bộ phim hấp dẫn của Đài THVN có một lượng không nhỏ các phim được Việt hóa từ kịch bản phim nước ngoài, trong đó đáng kể là các phim "Người phán xử" (kịch bản Israel), "Sống chung với mẹ chồng" (kịch bản Trung Quốc) và hiện nay là bộ phim Việt hóa từ kịch bản "Welcome to Waikiki"của Hàn Quốc đang chiếu trên VTV3 có tên Việt là "Nhà trọ Balanha"đang tạo ra sức hút lớn đối với khán giả.

Các phim Việt hóa của Đài THVN khi lên sóng đều nhận được những phản hồi khác nhau từ dư luận. Mặc dù có nhiều điều đáng nói cả phần được và chưa được, nhưng phải nói các phim đều tạo ra sự hấp dẫn đối với người xem.

Điều nhận xét đầu tiên về "Nhà trọ Balanha" là một phong cách làm phim hoàn toàn mới mẻ so với cách làm phim truyền thống của Đài THVN. Nhìn tổng quát, "Nhà trọ Balanha" mang phong cách hài hiếm hoi trong các phim sản xuất gần đây cả lĩnh vực phim điện ảnh và truyền hình ở nước ta.

Nói đến đây tôi nhớ đến lời nói của Lộng Chương, tác giả - đạo diễn lớn của sân khấu Việt Nam năm 1976 khi ông làm đạo diễn kịch bản "Chuyện như thế thì cần phải nói"mà tôi đề là hài kịch. "Anh đề kịch bản này là hài kịch, không hẳn đúng vì hài kịch là cười xong người ta có thể khóc. Còn kịch bản của anh chỉ có thể gọi là náo kịch, vì sự gây cười trong này mang tính cơ giới".

Nếu theo cách gọi của Lộng Chương thì "Nhà trọ Balanha" đúng là một "náo phim", từ cách giới thiệu đến kết thúc mỗi tập phim, các diễn viên hiện ra như những hoạt náo viên với các điệu nhảy hiphop sôi động;các tình huống, các nhân vật chủ chốt cho đến cách đạo của đạo diễn, cách diễn của các diễn viên. Chính vì xác định phim thuộc thể loại "náo"như vậy nên nhìn chung "Nhà trọ Balanha" đã tạo ra nhiều tình huống gây cười có hiệu quả theo nhiều cung bậc khác nhau.

Thông qua một câu chuyện khá đơn giản theo một tuyến truyện tuần tự về ba chàng trai Bách (Xuân Nghi), Lâm (Công Dương), Nhân (Trần nghĩa) đang chập chững vào đời, rủ nhau kinh doanh một homestay và những sự biến gắn liền với ba nhân vật chính này cùng các nhân vật liên quan, có quan hệ mật thiết và không mật thiết với họ, đã phản ảnh những lát cắt của cuộc sống giới trẻ đương đại dưới cái nhìn hài hước. Tên phim cũng mang chất vui vẻ, hài hước khi ghép những từ đầu tên ba chàng trai này.

Một không khí trẻ trung, vui nhộn cùng những sự ngô nghê của những người trai trẻ được đạo diễn Nguyễn Khải Anh tạo nên khá thành công với một cách kể nhanh, thoáng và hoạt. Để phục vụ cho cách kể này, các tình huống (kể cả những tình huống có xuất hiện yếu tố bi) và sự kiện phim hầu hết được thể hiện sự chủ động của ý đồ đạo diễn tạo nên, đôi chỗ mang tính phiếm chỉ bỏ qua chất thực tế của sự kiện.

Thoại trong phim này cũng là điều đáng ghi nhận khi hầu hết gắn với đời sống giới trẻ, linh hoạt và phản ánh đúng tình huống trong phim. Người xem bật cười khi xem Bách muốn kiếm tiền đã bị nghẹn khi cố ăn xương cá để quay clip đưa lên Youtube hòng kiếm tiền hay cảnh nhân vật này thể hiện các con vật để thu hút đạo diễn trong phim… Mặc dù âm điệu chính của phim là "náo, vui nhộn", nhưng không ít trường đoạn đã lồng ghép được những cảnh đời đầy tình nhân ái như  trường hợp "Nhà trọ Balanha" cưu mang người mẹ trẻ đơn thân Hân (Bích Ngọc) và bé Sữa; hoàn cảnh bi kịch của Mai (Thu Hoài) khi sa ngã và sự chân tình của Nhân đối với cô…

Quá phụ thuộc kịch bản gốc

Đạo diễn Nguyễn Khải Anh đã từng tham gia đạo diễn bộ phim Việt hóa ăn khách "Người phán xử", đến phim này giữ vai trò chính, lại đang ở độ tuổi sung sức khát khao sáng tạo, nên có thể coi "Nhà trọ Balanha" là một thành công của anh.Tuy vậy, cũng cần nói trong "Nhà trọ Balanha", Khải Anh cũng như êkip làm phim vẫn chưa khắc phục được nhược điểm đã từng làm "Người phán xử" bớt hấp dẫn. Đó chính là sự quá phụ thuộc vào kịch bản gốc nên Việt hóa chưa nhuyễn.

Người xem khó chấp nhận xã hội trong phim "Người phán xử" vẫn đậm đặc sản phẩm của Israel khi các băng đảng xã hội đen tranh chấp, hoạt động như ở chỗ không người. Còn ở "Nhà trọ Balanha" thì quá nhiều sự bất hợp lý trong câu chuyện và những diễn biến, kể cả trong cách xử lý các tình huống. Không ít chỗ người xem vẫn thấy dấu vết xã hội  Hàn Quốc và tính cách người Hàn trong khi mô tả xã hội Việt Nam và các chàng trai,cô gái người Việt.

"Nhà trọ Balanha": Xem được, nếu bớt tình tiết phi lý, quá đà - Ảnh 2.

Ngay từ khởi thủy bộ phim đã thấy sự bất hợp lý khi thiếu hẳn lý do khiến ba chàng trai đang chập chững vào đời, tài chính hạn hẹp dám thuê hẳn một tòa nhà rộng lớn để làm homestay. Rồi khi bị bà chủ Đồng (NSƯT Anh Thơ) đến đòi tiền thuê nhà thì anh chàng Bách lại bịa ra một câu chuyện lâm ly vì Lâm phải cưu mang và sắp làm đám cưới với Hân - một bà mẹ đơn thân đã bị ung thư ở giai đoạn cuối. Bà Đồng tin ngay nên chẳng những quên không lấy tiền thuê nhà mà còn huy động được người tài trợ (mà trong phim cũng không thấy nhà tài trợ này xuất hiện) tổ chức cho Lâm - Nhân một đám cưới linh đình có sự hiện diện của bé Sữa.Sau đó đám cưới bị dừng lại vì một lý do nào đấy cũng thiếu hẳn sự thuyết phục.

Trong xây dựng tính cách nhân vật, không biết có phải đạo diễn định xây dựng Bách - anh chàng nhiều tuổi nhất trong ba chàng trai - mang sự đa nhân cách hay chỉ là sự non tay, bị hút theo tình huống gây cười, mà nhân vật này không ít chỗ phát ngôn, xử sự mang chất lưu manh, lươn lẹo. Trong khi yêu tha thiết Nhiên - em gái Lâm, thì Bách lại đi nói xấu cô này bằng ngôn từ hạ cấp với đạo diễn Huy - người đang theo đuổi Nhiên, chỉ vì Bách muốn Huy chọn mình vào phim sắp làm. Ngoài sự bất nhất trong tính cách nhân vật như vậy thì cách diễn, cách thoại của nhân vật này đã lạm dụng quá độ chất "náo" nên không ít chỗ đã thành thứ tiểu phẩm hài dễ dãi nếu không muốn nói là hài nhảm. Trường hợp nhân vật Nhân nói mẹ bán quả đồi trên quê lấy 500 triệu đưa cho Mai không để làm gì ngoài sự trông chờ vô vọng cũng quá phi lý, khó chấp nhận.

Việc mua kịch bản nước ngoài về nội địa hóa để làm phim là hiện tượng bình thường của bất kì nền điện ảnh nào nói chung và phim truyền hình nói riêng. Điều đáng nói ở đây là nên nghiên cứu kĩ lưỡng kịch bản gốc cũng như nghiên cứu kĩ hiện thực xã hội và tính cách nhân vật, để làm sao bộ phim làm từ những kịch bản nước ngoài tránh được sự kém hấp dẫn, thiếu thuyết phục khán giả bởi những tình tiết phi lý và lai căng. "Nhà trọ Balanha" là phim thể hiện rõ một phong cách làm phim Việt hóa, nếu rút được kinh nghiệm từ những việc "được"và "chưa được" từ phim này, tôi tin trong dòng phim Việt hóa của Đài THVN sắp tới sẽ có nhiều phim hay, tốt và chuẩn hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem