Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh sự ra đời của một hội chuyên ngành văn học cách đây 60 năm đã đánh dấu bước phát triển mới của văn nghệ nước nhà, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của các nhà văn đưa sự sáng tạo lên trình độ chuyên nghiệp.
“Văn học trở thành binh chủng đặc biệt bên cạnh các binh chủng hợp thành trong chiến tranh. Biết bao tác phẩm được viết bằng máu và nước mắt phát đi thông điệp nóng bỏng về lòng yêu nước, ý chí quật cường của toàn dân tộc ta trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do cũng là cuộc chiến đấu cho những giá trị phổ biến toàn nhân loại” - ông Hữu Thỉnh nêu bật những đóng góp của Hội Nhà văn Việt Nam suốt 60 năm qua.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa ông Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.. Ảnh: V.V.T
Nếu như trong chiến tranh nhiều nhà văn mặc áo lính xông pha khắp chiến trường, thì trong thời bình các nhà văn đã đóng vai trò cảnh tỉnh, phê phán và dự báo.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, đánh giá Hội Nhà văn Việt Nam có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng: “Văn học nghệ thuật có những đặc trưng, đặc thù nhưng sự tiếp cận, nhận thức, phản ánh hiện thực của nhà văn phải góp phần cải biến xã hội theo hướng nhân văn, khoa học, phát triển. Văn nghệ hướng tới chân thiện mỹ nhưng nếu thờ ơ với những câu hỏi lớn, những vấn đề nóng bóng của đất nước, của thời đại thì khó hoàn thành sứ mệnh".
Ông nhấn mạnh một trong những vấn đề các nhà văn cần quan tâm hơn nữa là bám sát hơi thở đời sống đương đại, đi sâu phản ánh, phân tích, lý giải những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho cả xã hội, trong đó có người nghệ sĩ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.