Nhà văn Cảnh Nam lên tiếng về quyết định từ chối giải thưởng

Thứ hai, ngày 21/01/2013 14:48 PM (GMT+7)
Dân Việt - Theo nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác phẩm của ông quá bị xem thường. Vì vậy ông đã viết thư ngỏ từ chối giải thưởng này.
Bình luận 0

Ngay sau khi giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2012 được công bố. Liên tiếp các nhà văn trong danh sách được giải đã lên tiếng từ chối thẳng thừng không nhận giải thưởng. Ngày 21.1, PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với tác giả cuốn “Thế kỉ bị mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam (trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), một trong 2 tác giả lên tiếng từ chối nhận giải thưởng gây xôn xao dư luận mấy ngày qua để tìm hiểu nguyên do sự việc này.

Theo nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam: Để tác phẩm “Thế kỉ bị mất” hoàn thành và ra mắt bạn đọc ông phải miệt mài làm việc trong 5 năm. Trong tác phẩm này nội dung chủ đạo của tác giả là viết về phong trào Duy Tân diễn ra trên quê hương ông. Sau khi tác phẩm hoàn thành ông đã gửi “tâm huyết” của mình để dự thi các tác phẩm văn xuôi của Hội nhà văn Việt Nam.

img
Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam trao đổi với phóng viên Dân Việt

Tuy nhiên theo nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác phẩm của ông quá bị xem thường. Vì vậy ông đã viết thư ngỏ từ chối giải thưởng này: “Tôi, Phạm Ngọc Cảnh Nam, người vừa được Hội Nhà văn Việt Nam công bố tặng bằng khen năm 2012 cho cuốn tiểu thuyết “Thế kỉ bị mất” của tôi. Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen này. Lý do đơn giản mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là văn học”.

Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam lí giải: Qua quá trình xét sơ khảo, Hội đồng xét duyệt tác phẩm đã chấm tác phẩm “Thế kỉ bị mất” là tác phẩm duy nhất trong 100 tác phẩm dự giải được vào vòng chung khảo. Vậy mà khi vào vòng trong không biết rõ là vị giám khảo nào bảo cái tên “Thế kỉ bị mất” có vấn đề (?) nên bổ sung thêm hai tác phẩm khác của nhà văn Y Ban và Nguyễn Thị Thu Huệ. Đã vậy khi chấm một giải thưởng văn học có uy tín nhất mà chính người chấm giải cũng không thèm đọc tác phẩm.

Đến khi bỏ phiếu người chấm đọc tác phẩm nào thì bỏ phiếu cho tác phẩm đó. Như Ủy viên Hội đồng chung khảo - nhà thơ Văn Công Hùng đã thông báo kết quả bình chọn tác phẩm “Thế kỉ bị mất” của tôi trên blog cá nhân thành “Một thế kỉ đã mất”. Sau đó nhà thơ Văn Công Hùng biết mình sai đã sửa lại nhưng lại biến “Thế kỉ bị mất” thành “Một thế kỉ bị mất”.

Một “ngôi đền thiêng liêng” của tất cả anh chị em nhà văn trên cả nước mà có những con người tận “tâm” đến mức đó thì hỏi làm sao tôi không từ chối được chứ. Tôi từ chối ngay khi có ngừoi gọi điện thông báo tác phẩm “Thế kỉ bị mất” được tặng bằng khen của Hội nhà văn. Hiện tôi chưa nhận văn bản chính thức trao giải thưởng của Hội nhà văn nhưng tôi khẳng định nếu nhận được văn bản thì tôi cũng từ chối, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam nói.

Trong suy nghĩ, giải thưởng này là niềm khát khao mong ước của cá nhân tôi và của tất cả anh chị em theo nghiệp văn chương. Khi quyết định từ chối nhận giải thưởng này, có lúc tôi nghĩ mình sẽ làm buồn đến anh chị em đã nhận giải trước đó. Tuy nhiên để cho Hội nhà văn là nơi những khát khao “trinh nguyên” trú ngụ tôi đã không nhận giải. Và tôi không nhận giải trong sự im lặng mà tôi lên tiếng, lên tiếng để Hội nhà văn biết cái sai của mình.

Trước thông tin Hội nhà văn sẽ họp báo để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc này, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cảm thấy rất vui mừng: Tôi mong sao nó diễn ra sớm, khi đó tôi sẽ hỏi một câu thôi, tại sao chấm tác phẩm văn xuôi mà toàn là nhà thơ.

Trong 7 giám khảo thì có tới 4 nhà thơ như nhà thơ Văn Công Hùng, Hữu Thỉnh, Nguyễn Gia Thiều…?

Cũng như ý nguyện của tôi gửi gắm trong tác phẩm “Thế kỉ bị mất” là mong lớp thanh thiếu niên hãy đổi mới, hãy duy tân đừng giáo điều. Hội nhà văn cũng vậy! - nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem