Nhà văn Y Ban: Tôi chỉ cần sự thanh thản khi đối diện với lương tâm

Chủ nhật, ngày 20/01/2013 14:49 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sau lá thư ngỏ đang gây nên một cơn “địa chấn” xung quanh giải thưởng Hội Nhà văn 2012, nhà văn Y Ban cho biết: “Có thể tôi có lỗi với ai đó, nhưng tôi được ngủ ngon từ tối tới sáng khi đối diện với lương tâm mình”.
Bình luận 0

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chị.

Sau khi đăng lá thư ngỏ này lên, trên các diễn đàn văn chương, có ý kiến ủng hộ chị, song cũng có ý kiến đều cười nhạt và cho rằng, nhà văn Y Ban hậm hực vì không được giải nên đã có những phản ứng như vậy. Chị nghĩ sao về những ý kiến này?

img
Nhà văn Y Ban

- Giờ đây tôi không bàn đến dư luận thế nào nữa, vì tôi đã viết rất rõ trong lá thư đó, tôi là một người dám làm dám chịu và đàng hoàng. Có người nói tôi đã từng là Ủy viên Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn VN, giờ tại sao lại nói ra những chuyện như thế. Nhưng tôi xin hỏi, nếu như không trải nghiệm, không dấn thân ở vị trí đó, thì làm sao biết những chuyện như thế để mà nói ra.

Khi tôi ngồi ghế ủy viên hội đồng là do Ban chấp hành HNV bầu tôi, lúc đó tôi được 13/15 phiếu bầu, tôi từ chối vị trí đó vì người ta đã bầu tôi ra mà tôi không chấp nhận họ thì tôi phải từ bỏ thôi, tôi không phải kẻ vớ vẩn. Bản chất của tôi là “ăn cây nào rào cây ấy” trước đã, nếu tôi không chấp nhận được sự chỉ đạo của họ, cách làm việc của họ, thì tôi phải từ chối cái ghế này. Theo tôi đó là một lối ứng xử đàng hoàng.

Thứ hai, về giải thưởng, tôi xin từ chối giải thưởng vì tôi không chấp nhận Ban giám khảo này, họ làm ăn tùy tiện như thế, thì tôi phải từ chối thôi. Nếu tôi cứ im lặng nhận giải, rồi lại nói họ, thì đó mới là cách ứng xử không đàng hoàng. Còn dư luận muốn nói thế nào thì tôi không thể ngăn cản được dư luận, cũng giống như dư luận không thể nào ngăn cản được điều mà Y Ban đã muốn nói ra và thấy cần phải nói.

Mình là một nhà văn, mình phải trung thực với chính những điều mình nghĩ, mình viết, đó là cách đối xử của chúng ta với con chữ của chúng ta. Ai nói tôi là Y Ban đốt đền, Y Ban hậm hực, Y Ban dỗi hờn, thế nọ thế kia... Tôi đã từng trả lời phỏng vấn rồi, chuyện này không chỉ là làm tổn thương nhau đâu, mà nó đã đến mức thù hận rồi.

Trong quá khứ, tôi đã nhìn thấy có những trường hợp nhà văn thù hận nhau đến nỗi, gần đất xa trời rồi, hơn 70 tuổi rồi vẫn không thể ngồi lại với nhau để nói một câu xin lỗi. Không thể nào xóa bỏ được nỗi hận và mang về thế giới bên kia nỗi hận đó. Có thể Y Ban làm thế này thì Y Ban sẽ là một nỗi hận của ai đấy, tôi biết việc đó và tôi chấp nhận nó.

Sau khi gửi lá thư này, chị đã nhận được phản hồi nào từ những người chị gửi đến chưa?

- Cho đến thời điểm này, 2 ngày sau khi gửi thư đi. Tôi chưa nhận được một phản hồi nào cả.

Trong lá thư của mình, không chỉ chuyện hậu trường của lần này mà chị còn đề cập đến chuyện hậu trường của những lần giải trước cũng như một giải thưởng lớn khác là giải Nhà nước và giải Hồ Chí Minh, chị có e ngại điều gì không?

- Khi đọc văn của tôi, mọi người nhận xét Y Ban lúc nào cũng như đi trên dây, hoặc là đi sang được bờ bên kia, hoặc là rơi xuống đất chết liền. Những lần trước, hai tác phẩm của tôi bị thu hồi, và giải thưởng bị rút, đời văn của tôi vinh quang đấy mà cũng đau đớn đấy. Nếu là người không đủ bản lĩnh thì tôi cũng bỏ bút rồi, không viết được nữa. Mà tôi là đàn bà, tôi còn có cả gia đình đằng sau, người thân của tôi từng chứng kiến, có lúc tôi bị “đánh” tơi bời đến mức gục ngã luôn rồi tôi cũng tự tìm cách đứng dậy được.

Với những gì tôi đã trải qua như thế, hỏi rằng tôi có khác đi được không? Tôi không biết là nếu chọn lại từ đầu, tôi có chọn con đường dại này không, chắc người khôn ngoan họ không làm như tôi, nhưng tôi tự thấy tôi dại mà khôn, bởi tôi đã làm đúng với lương tâm một nhà văn. Một nhà văn phải đối diện với lương tâm của mình là điều quan trọng nhất chứ không phải đối diện với đồng nghiệp hay dư luận.

Nhà văn nhạy cảm vô cùng, chính vì nhạy cảm nên họ mới viết được những điều người khác không cảm nhận, không viết ra được. Tôi biết trong sâu thẳm mỗi nhà văn, không phải chỉ riêng tôi, mà những người khác nữa, đều đã có những đêm thức trắng, gác tay lên trán để nghĩ về những trách nhiệm với bạn đọc, với đồng nghiệp, với đất nước mình, với cái vũ trụ mình đang sống.

Trước khi gửi lá thư ngỏ, chắc chị cũng đã trải qua những giờ phút dằn vặt ghê gớm, có khi nào chị tự hỏi mình, làm thế là đúng hay sai với các đồng nghiệp của mình chưa?

- Tôi tin ở các nhà văn. Có thể nhà văn có người hơn người kém nhưng họ đều biết rằng cái điều mình đang làm có đúng không? Mỗi ngày mở mắt ra, nhà văn ai cũng phải đối diện với cơm áo gạo tiền, danh lợi, với đủ thứ nhưng người ta vẫn phải quên đi, chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp mà người ta hướng tới. Với tôi, sự dằn vặt của lương tâm còn ghê gớm hơn những chỉ trích của đồng nghiệp, những trận “đánh hội đồng” của người khác.

Tôi thấy minh bạch với bản thân mình thì thanh thản hơn. Trong trạng thái này, ban ngày với tôi rất là khủng khiếp, tôi cũng là con người mà. Trong những người tôi nói ra ấy, có người là bạn tôi, có người tôi coi như những người anh, từ khi tôi bắt đầu vào con đường văn chương, họ đã rất tử tế với tôi. Tôi đã nói với anh Nguyễn Quang Thiều, rằng anh ạ, em xin lỗi anh, khi em gửi anh lá thư này, thì có thể em đã phản bội lại sự tử tế anh dành cho em.

Có người rất tử tế với tôi chứ, nhưng khi tôi quyết định viết lá thư ngỏ đó thì có thể tôi đang phản bội sự tử tế của họ với tôi. Nhưng ban đêm, tôi gác tay lên trán, tôi ngủ ngon lành từ tối đến sáng, vì lương tâm tôi đã được gột rửa, đã trong sạch.

Trong lá thư của chị, chị tỏ ra rất buồn vì cách đối xử của thế hệ đi trước với “thế hệ gạch nối” của chị, như chị và các nhà văn Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà... tuy không còn trẻ nữa, đã có rất nhiều đóng góp nhưng đến giờ vẫn không “mọc mũi sủi tăm” lên được?

- Tôi hỏi lại bạn nhé, bạn thử xem những cái tên đã dẫn ở trên kia, 10 năm nay ở giải thưởng của Hội Nhà văn, họ có được một cái giải nào không? 10 năm nay, họ trao giải cho ai ấy, còn những cái tên liệt kê trên kia, 10 năm họ đã đóng góp gì, làm nên xu hướng mới như thế nào? Tôi xin nói thẳng 2 trường hợp, nếu Y Ban không ngồi ở ghế hội đồng văn xuôi, thì “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” có vào được chung khảo không?

Nếu Thu Huệ không ngồi ở ghế ban chấp hành thì liệu “Thành phố đi vắng” có được giải thưởng không? Tôi mong Ban giám khảo trả lời câu hỏi này. Để cho nhẹ đi, có người nói với tôi rằng: “Họ không đọc nổi bọn em đâu”. Tại sao họ không đọc nổi? Tại sao độc giả họ đón nhận chúng tôi như thế mà họ lại không đọc nổi? Tại sao các nhà văn với nhau lại không đọc nổi nhau? Nếu không đọc nổi nhau thì có nên ngồi ở vị trí đó không?

Nhà văn thường cực đoan, nhưng đừng mang cái cực đoan đó vào chỗ xét giải này, anh phải đa diện, đa chiều, chấp nhận mọi xu hướng sáng tác, phải bằng lý luận và hiểu biết của mình để đánh giá các sáng tác cuả đồng nghiệp. Thế hệ chúng tôi đâu còn trẻ dại gì nữa? Cũng đã 20 năm nay rồi, sách mười mấy tập rồi.

Tôi rất buồn vì các vị trong hội đồng giám khảo không theo kịp các xu hướng sáng tác mới. Họ xa rời sáng tác từ lâu rồi, nếu không đọc được, không chấp nhận được những sáng tác mới thì có nên ngồi ở vị trí đó không?

Sau lá thư ngỏ này, nếu có rất nhiều bạn văn, có thể vì không hiểu được mục đích của chị mà trở nên xa lánh chị thì chị có buồn không?

- Tôi đã làm thế này là tôi dám chấp nhận hết. Tôi chỉ mong người ta nên phán xét người khác bằng sự tử tế. Cũng giống như trong văn chương, ai chấp nhận được Y Ban thì sẽ thấy rất hay, còn không thì người sẽ bảo “Y Ban lại đang cố tình gây scandal đây”. Tôi tôn trọng hết tất cả những ý kiến đó!.

Xin cảm ơn chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem