Nhà văn Dạ Ngân: Kỷ niệm về bánh tét và má

Nhà văn Dạ Ngân Thứ bảy, ngày 06/02/2016 14:19 PM (GMT+7)
Nếp chọn, đậu đãi sạch không còn một vỏ xanh nào, nhân thịt sực mùi hành và tiêu, những người hàng xóm khéo tay của má đã cùng má làm ra thứ bánh tét vừa xinh vừa quyến rũ…
Bình luận 0

Ðầu tiên má tìm mua nếp, má không ưa giống nếp ngắn ngày hột dài không thơm không dẻo. Không thể có nếp mù u thời 9 tháng 1 vụ, thôi thì nếp Chợ Gạo Tiền Giang hay một bụi của Rạch Giá cũng được.

img

Gói bánh chưng và bánh tét tết. Ảnh: L.A.T

Việc thứ hai không phải đậu xanh hay thịt ba rọi, những thứ đó dễ ợt, ra chợ là có hoặc nhiều nhà “đụng” một con heo, dư sức thịt! Việc thứ hai này nhà nào giỏi quán xuyến mới dám bảo đảm mình nhàn. Ðó là chuẩn bị củi, phải là củi trong vườn nhà, củi trâm bầu, củi mí bái, củi bình bát… được cưa đều nhau cho đẹp và phơi cho khô giòn. Má nhìn quanh, đống gạch nguyên viên cất ở góc chái kia, chúng sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ ông táo mỗi năm một lần vào đêm áp tết.

Lá và lạt là hai thứ phải chuẩn bị trước đó mấy ngày. Má kỹ tính, tự tay má ra vườn tìm những tàu lá chuối to nhất và lành nhất để cắt xuống. Má phơi nguyên tàu lá trên cỏ hoặc trên lối đi ở đầu liếp, những tàu lá xòe hình cánh quạt nhìn qua đã vui mắt lắm rồi. Nắng tháng Chạp, chỉ cần một trưa đầy nắng là lá chuối dẻo ra. Má ngồi róc lá khi chiều xuống, miên man nghĩ, mơ màng mơ. Má mơ những đứa con sẽ bước lên bờ bến trong buổi chiều sum họp, má mơ bình an cho năm mới, tất cả. Lá chuối bó thành từng bó, sẽ có người giúp má lau lá khi việc gói bánh bắt đầu.

Hầu như nhà nào cũng gói bánh vào ngày áp tết, má và hai nhà hàng xóm hai bên xếp giờ để vần công nhau. Ba người đàn bà ôm đất ôm vườn ngóng con cùng tâm trạng chập chờn với tiếng tàu đò dưới sông. Ðứa nào sẽ về, có đứa nào rời ánh đèn đô thị để về với đom đóm và biền lá dừa nước, nồi bánh tét chiều ba mươi không? Một người gói thô, hai người niệt lạt, phải mất vài tiếng thì số nếp mới nằm gọn trong những đòn bánh mà nghe đâu có từ thời Quang Trung thần tốc ra Bắc chiến thắng quân nhà Thanh.

Việc vần công gói bánh kéo dài tới xế. Má về lại chái bếp vắng lặng, tự tay xếp gạch, nhóm củi, xếp bánh và xách nước đổ đầy cái nồi cũng mỗi năm một lần được dùng cho việc nấu bánh này thôi. Chiều ba mươi thời gian xồng xộc, má cấp rấp chân tay, nước sông đầy, gió lao rao thanh bình quá đỗi… Chuyến tàu cuối năm ai cũng muộn, con cháu biết muộn nhưng không cách nào kéo thời gian chậm lại cho má thong dong. Chúng nó ào lên từ mũi tàu, má trẻ ra, má cười nhỏn nhẻn, má chỉ nói, thôi, có người canh lửa rồi, tao đi làm chuyện khác đây. Mùi mồ hôi của má xộc vào các con, mùi của tháng năm và có thể là ngàn năm, mãi mãi với mỗi đời người.

Biết bao việc cho một bữa cơm rước ông bà chiều đó. Mỗi thành viên giống như một cái chong chóng quay tít quanh má và điểm xuyết là cái nồi bánh bên góc sân. Ðêm xuống, lửa trị vì, lửa oai vệ, lửa cứ níu mọi người lại với nó. Má nhắc thêm nước kẻo bánh khét, bánh khét là bánh đồ bỏ…

Má đâu có ngủ trước khi bánh được vớt ra. Phải đích thân má làm việc này mới vừa ý. Bánh được nhúng qua nước nguội cho sạch, bánh nhân chuối ở trên, máng riêng một góc sào, bánh nhân thịt nằm dưới, máng một góc kia. Chưa đứa nào được thử khi chưa tới giao thừa, bánh phải được đặt nguyên đòn lên bàn thờ và còn được cắt ra từng khoanh xếp lên dĩa chuẩn bị cúng gia tiên. Nếp chọn, đậu đãi sạch không còn một vỏ xanh nào, nhân  thịt sực mùi hành và tiêu, những người hàng xóm khéo tay của má đã cùng má làm ra thứ bánh tét vừa xinh vừa quyến rũ…

Ðã xa, má đi xa, quê trở nên xa đến mức có những chiều thổn thức nhớ quê không sao chịu được. Không, quê vẫn nguyên đó, không xa, chỉ có ta là già đi nhanh chóng. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, có vô số chi tiết để nhớ và những ngày áp tết thì không sao quên được lửa cười, má cười, các con cười trong khi mọi thứ đều trở nên nhạy cảm và thiêng liêng lạ kỳ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem