Nhà văn Đỗ Chu: “Bay” bằng đôi cánh quê nhà...

Thứ ba, ngày 01/05/2012 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Bằng những trang viết kỹ lưỡng để được chuyện trò, cùng buồn vui với nhân dân mình mỗi ngày sống, đó vừa là hạnh phúc lại vừa là bổn phận của mỗi nhà văn chúng tôi”, nhà văn Đỗ Chu nói.
Bình luận 0

Ngày 19.5 tới, lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác giả đã có những đóng góp xứng đáng sẽ được tổ chức. Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Đỗ Chu - một trong số các tác giả vinh dự có tên trong danh sách lựa chọn trao giải.

Thưa ông, người ta nói bắt đầu thế nào thì kết thúc thế ấy, với ông, có thể hiểu là con đường dài văn học đã ở hồi kết và đó là một kết thúc có hậu. Nhưng với thế hệ trẻ hôm nay, nhiều người chưa hình dung nổi những năm tuổi trẻ ông đã bước lên văn đàn với một phong độ ra sao...

- Cuối năm 1962, tôi còn đang uể oải học cho xong niên học cuối cùng của chương trình trung học phổ thông 10 năm lúc đó, chợt thấy phải cầm bút. Thế là tôi viết liền mấy cái, đầu tiên in vài trang ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 12, năm sau in luôn 3 cái nữa. Cuối năm 1963, tôi được mời về nhận giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của tạp chí.

img
 

Lần ấy anh Dũng Hà, anh Lâm Phương cũng có truyện ngắn hay được giải. Mình là một binh nhì, còn 2 anh lúc đó đều đang là cán bộ cấp trung đoàn cả rồi. Đằng sau các anh là một vốn sống từng trải, còn đằng sau tôi lúc đó chỉ là một tuổi thơ no đói văng vật và một miền quê Kinh Bắc vững chãi nền tảng văn hóa, tôi biết ơn cha mẹ đã cho tôi ra đời từ cái nôi vàng ấy.

Quê nhà chính là đôi cánh để tôi bay qua những tháng năm hiểm nghèo về sau. Bay lên từ một truyền thống lâu đời, từ một vùng đất, vùng người như thế, bảo tôi chỉ làm một nhà văn tầm tầm sao được chứ.

“Bằng những trang viết kỹ lưỡng để được chuyện trò, cùng buồn vui với nhân dân mình mỗi ngày sống, đó vừa là hạnh phúc lại vừa là bổn phận của mỗi nhà văn chúng tôi”.

Thưa ông, là một người đọc sớm, lại đọc thường xuyên, vậy ông thích những ai hơn cả trong các nhà văn VN cận đại và hiện đại?

- Tôi thích hơi nhiều đấy. Ông Nam Cao hay quá, nhưng ông Vũ Trọng Phụng cũng đâu có vừa. Rồi các ông ở Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ 7, rồi như Hàn Mặc Tử thì không biết ông ấy thuộc văn đoàn nào nhưng đấy lại là một thánh thi. Đến cụ Ngô Tất Tố thì mới đúng là một tập đại thành, một người khổng lồ uyên thâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Tôi muốn mọi người nghĩ đến hàng mấy ngàn bài phóng sự nghiên cứu ông cụ viết cho mấy tờ báo hồi trước Cách mạng Tháng Tám, còn chỉ như tiểu thuyết tiểu thiếc mà cụ viết thì đã đâu vào đâu. Ông cụ hiểu sâu nông thôn ta trước cách mạng, nghèo đói dốt nát nhưng không phải chỉ có thế, cũng đẹp mà ra dáng ở nhiều phương diện, đặc biệt là có một nền văn hóa Việt nằm trong chốn ao tù.

Về sau, trong sự ồn ào có phần thái quá, chúng ta để mất đi nhiều giá trị mang tính truyền thống cao. Và như thế, những thành tựu mới có về sau đâm ra ngất ngư, chênh vênh vì thiếu một nền tảng vững chắc tổ tiên để lại. Đấy không phải chỉ là đáng tiếc mà còn là một lầm lỗi lớn. Nhìn về lâu dài mà thấy âu lo thay cho các lớp người sắp đến. Bởi nhiều nguyên do mà tôi sớm nhận ra sự thể này.

Tôi sớm quan tâm tới vấn đề thuần Việt rồi đời sống tinh thần của người Việt ở các vùng quê. Tôi quan tâm như thể mình sinh ra là để gánh việc này, những khát khao, những yêu dấu gọi tôi phải nhanh chóng trưởng thành, không được phép cho mình là trẻ nữa mà phải nhanh chóng cầm bút, vừa đi vừa học, mãi là như thế. 10 truyện ngắn được in vào tập đầu “Phù sa”, anh Dương Bích Liên đọc yêu quá, bảo với Nhà xuất bản Văn học mình sẽ vẽ bìa cho cậu này. Đấy là một lời tỏ ý khen ngợi, nó là sự trân trọng thành thực của một họa sĩ lớn, một trí thức, một nhân cách kiêu bạc có tiếng.

Hình như nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng từng đánh giá ông rất cao?

- Hồi ấy tôi là một thằng bé vừa lớn, tí tuổi đầu đã kịp học hành gì, đã kịp đi đến đâu, vậy mà cứ cặm đầu vào mà viết, viết đến đâu in đến đấy. Anh Nguyễn Khải nói với anh Nguyễn Minh Châu: “Đấy là ông bà, làng nước nhập vào nó”. Anh Châu thì bảo: “Chu là một cái cây mọc tự nhiên chẳng ai trồng và người ta cũng không định trồng... Rồi cuối cùng hóa ra nó lại là cây quế, một cây quế giữa rừng, ai bảo quế là không quý.

Những gì thằng Chu nó đang viết ra đều là thuộc về “hình nhi thượng” như cổ nhân đã bàn, những thứ khó nhìn thấy, nhiều khi không có mà như có, những thứ chỉ có thể mơ hồ cảm nhận chứ cần gì phải biết là có hay không, đó chính là những ký ức văn hóa trong hồn, trong xương cốt mỗi chúng ta đều đang cất giữ, nó làm nên bản sắc chung cả một dân tộc”.

Nhà văn Đỗ Chu là người ít tuổi nhất trong số 13 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay, mặc dù sang năm ông tròn 70. Ấy vậy nhưng tuổi nghề thì chưa hẳn thế. Ông là một người cầm bút sớm, từ lúc chưa đến 20. Những trang viết đầu tay của ông được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội là vào những năm 1962-1963. Ngay sau đó, ông bước lên văn đàn như một định mệnh đã an bài. Một giá trị sớm được khẳng định. Suốt nửa thế kỷ dẻo dai nhiều gian nan trải nghiệm, ông trở thành một cây bút đứng ở hàng đầu của truyện ngắn và tùy bút. Nghĩ đến Đỗ Chu là người ta nghĩ đến một tài năng, một nghị lực, một bản lĩnh và sau tất cả là một cốt cách văn học.

Ông là một nhà văn giàu nhân bản và có một mối quan tâm nhất quán đến những gì thuộc về người Việt, làng Việt, số phận Việt, gốc rễ văn hóa Việt. Cũng có lẽ bởi thế mà nhiều năm qua, ông đã là một trong những nhà văn quan tâm, gắn bó tốt đẹp với Báo NTNN. Nhân dịp này, Báo NTNN xin gửi tới nhà văn lời cảm ơn và chúc mừng nồng nhiệt!

Vậy với những mối quan tâm thế, ông có gặp khó khăn gì trong tư cách một nhà văn cầm bút thời chiến?

- Những năm chiến tranh, tôi phải viết nhiều bút ký báo chí phản ảnh kịp thời, phục vụ kịp thời. Những điều nói trên vẫn là một nền tảng ngày càng vững chắc để tôi có đủ nội lực cho những trang viết về chiến tranh. Nói to tát một chút, đấy là nguồn cơn của lòng yêu nước mà mỗi chúng ta đều có, nghĩ cũng chẳng có gì khác người và đã có gì là mới lạ. Những trang văn trong chiến tranh của chúng ta suy cho cùng đều là kể về người nông dân VN ra trận mỗi khi có giặc mà thôi. Nhìn lại, tôi thấy mình được học hỏi, trưởng thành nhiều trong giai đoạn này.

Đời tôi có mấy nơi tôi phải chịu ơn dìu dắt, một là Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, nơi tôi nhập ngũ và có 10 năm phục vụ. Hai là Tạp chí Văn nghệ Quân đội - nơi tôi đi về trong suốt cuộc chiến tranh, nơi những tác phẩm đầu tay của tôi được đón nhận. Và sau cùng là Hội Nhà văn VN- nơi tôi đã có gần 40 năm công tác về sau này.

Theo chúng tôi biết lần này ông được đề xuất tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm gồm tập truyện ngắn “Một loài chim trên sóng” và tập tùy bút “Tản mạn trước đèn”. Xin ông nói đôi chút để bạn đọc hiểu về hai tác phẩm này?

- Đấy là 2 tập sách in sau khi nhận Giải Nhà nước năm 2001. “Một loài chim trên sóng” khi mới ra đời đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn VN rồi năm sau tôi đi Bangkok (Thái Lan) nhận Giải thưởng Văn học ASEAN. Cái tên truyện đã thể hiện nội dung của nó.

Dân tộc chúng ta, có thể hình dung suốt mấy ngàn năm tồn tại và phát triển là một con đường dài nhiều chìm nổi, như một đàn chim ăn ngủ trên sóng, nhiều lênh đênh lắm. Nhìn về lâu dài, nghĩ mà xem, vẫn thế. Dũng cảm, kiêu hãnh và khôn ngoan lắm đấy nhưng mà hiểm nghèo không ít. Cần phải tự biết mình và cần phải biết nhìn xa lường tính xa, chí xa lòng rộng, bến xa dòng dài, “tân viễn lưu trường” là vậy.

Còn tập tùy bút “Tản mạn trước đèn” cũng được giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, là những gì mình nghĩ trước đèn trong những đêm không ngủ, nghĩ về đất nước, nghĩ về cách mạng, nghĩ về bạn bè, người thân. Nó là tập đầu của bộ tùy bút 3 cuốn. Tập 2 “Thăm thẳm bóng người” cũng đã in, không được đưa vào giải lần này vì chưa đủ năm theo quy định của giải thưởng. Tuy nhiên cũng như tập đầu, nó đang được bạn đọc gần xa đón nhận.

Tập thứ 3 là tập “Đường xa” viết về đất nước những năm này và đặc biệt là những trang viết về người Việt đang ở nước ngoài, có thể sẽ in vào cuối năm sau. Trong tập này, tôi cũng có nhiều gửi gắm.

Gầm trời này, dân tộc nào cũng vất vả, khắp hành tinh đều đang ở vào cảnh đất chật người đông. Mỗi con người là một vấn đề của toàn xã hội. Mỗi dân tộc giờ đang là một vấn đề rất chính đáng mà toàn nhân loại phải biết đến. Nhân loại đang tự tạo ra cho nó một nền văn minh ba khôn bảy dại, tưởng là hay mà thực ra là hết sức tồi tệ bệnh hoạn.

Vậy đã đến lúc ông bắt đầu nghĩ tới cuốn sách cuối cùng của mình chưa?

- À, một cuốn như thế đã được bắt đầu rồi đấy. Ai chứ người của Báo NTNN tôi tưởng phải biết, bởi vì từ 3 cái tết gần đây báo của nhà ta đều đã in lần lượt. 3 truyện mở đầu, tết trước là “Mùa muộn”, rồi đến “Sông mịt mùng sương” và tết vừa rồi là “Cánh đồng truyền thuyết”. Đấy, có thể tìm thấy những vấn đề mà tôi đã đề cập, đó là đời sống tinh thần của nông thôn mà báo anh báo em đều phải có trách nhiệm cùng các nhà văn, cùng toàn Đảng, toàn dân quan tâm giữ gìn và phát triển. Theo tôi, những năm vừa qua, Báo NTNN đã làm tốt công việc này.

Trở lại vấn đề giải thưởng sắp trao tặng, ông thấy có gì cần phải nói với bạn đọc?

- Tôi rất lấy làm vinh hạnh được đứng cùng những gương mặt xuất sắc của một giai đoạn văn học. Sự thực chúng tôi đều hiểu nếu có vui thì đây cũng chỉ là niềm vui của những người chiến sĩ cầm bút được xem là hoàn thành nhiệm vụ sau chặng đường dài của nghiệp văn nay đã đến hồi cuối, như lúc sắp qua đời anh Nguyễn Khải đã tự trào.

Không một ai dám xem mình là một tài năng quá lớn, họa có là dở mới nghĩ mình là thiên tài. Ước gì văn học chúng ta lúc này sớm có một thiên tài, chỉ có thiên tài mới giải quyết được rất nhiều điều mà anh em chúng ta lúc này đang bức xúc. Nhưng thiên tài lúc nào xuất hiện lại là một việc rất ngẫu nhĩ, ngay cả khi đã có nó thì chúng ta vẫn chẳng ai thay thế nổi cho ai, đấy là đóng góp phần nhỏ của bản thân để xây dựng nền tảng cho một cơ ngơi văn học lớn của đất nước.

Nghĩ về những chuyện này, sau một đêm thức ở một năm cuối thế kỷ trước, nhà thơ Chế Lan Viên của chúng ta đã ghi vào di cảo mấy câu rành mạch thế này: “Nếu không có Du thì thế kỷ này đành tay trắng, mà Du cũng không thành Du nếu không có sông ấy cây này trăng kia cỏ nọ, nên rồi Du phải cảm ơn đời, ta phải cảm ơn Du, cảm ơn nhau rối rít. Ngẫm xem giữa bốn bể trùng trùng mây bay nước xiết mà thấy đời lắm đỗi phù du”. Tôi tự khuyên mình biết điều để trông ra xung quanh mà sống, càng bớt được sự phù du hão huyền bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Một lẽ nữa, lần này tôi thấy vẫn còn đang thiếu vắng nhiều tác giả. Mỗi lần qua đường số 4, tôi lại nghĩ đến bài thơ “Viếng bạn” của Hoàng Lộc, mỗi lần tới Đông Bắc lại nghĩ đến Thôi Hữu với bài “Lên Cấm Sơn”, rồi một cây bút tiểu thuyết viết về nông thôn rất xuất sắc là Nguyễn Thế Phương, cũng không quên nổi Hồng Nguyên với bài “Nhớ” của anh. Và các bạn tôi cùng lứa, các anh các chị đều đã có những năm tháng kiêu hãnh, đã đi qua những chặng đường văn học với những thành tựu xứng đáng được ghi nhận. Ngay sau lứa chúng tôi lại đã có không phải một mà là vài thế hệ sung sức. Đấy là nguồn bổ sung không bao giờ vơi cạn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà không ngừng đơm hoa kết trái.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem