Nhà văn Lê Lựu: Tôi vẫn đau đáu về nông dân

Thứ năm, ngày 27/02/2014 07:07 AM (GMT+7)
Tiền bán căn nhà ở phố Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm - Hà Nội), nhà văn Lê Lựu dành 1 tỷ đồng để làm vốn cho quỹ văn học mang tên ông nhằm khích lệ mảng văn học về đề tài doanh nhân và nông thôn.
Bình luận 0
Dù sức khỏe rất yếu nhưng ông vẫn dành cho phóng viên NTNN một cuộc trò chuyện ngay sau khi ra mắt quỹ vào ngày 25.2.

Thưa nhà văn, ai cũng biết sức khỏe của ông mấy năm nay luôn trong tình trạng xấu đi,đang phải ngồi xe lăn sau tai biến, tại sao ông không dành số tiền đó để chữa bệnh mà lại thành lập Quỹ Nhà văn Lê Lựu để tài trợ cho văn chương?

- Bản thân tôi là một người lính, lại xuất thân từ nông dân nên rất hiểu tình hình của nông thôn trong văn học hiện nay. Chúng ta đã có các mảng văn học rất tốt về đề tài người lính, về an ninh, về công nghiệp nhưng mảng nông nghiệp, nông thôn thì rất yếu, hầu như là không có. Bởi vậy tôi muốn làm một điều gì đó, giống như chất xúc tác để bạn đọc và người viết quan tâm đến mảng đề tài này, nếu không thì nông dân thiệt thòi quá.

Nhà văn Lê Lựu (ngồi) trong lễ ra mắt Quỹ Nhà văn Lê Lựu.
Nhà văn Lê Lựu (ngồi) trong lễ ra mắt Quỹ Nhà văn Lê Lựu.

Về sức khỏe của tôi thì anh em bạn bè đều biết, cách đây 4 hôm, tôi bị một trận tưởng chết, may mà gượng qua được. Chân tôi thì không đi nổi, giờ phải ngồi xe lăn, nói chuyện cũng rất khó khăn. Thế nhưng sau khi tôi nghỉ hưu, tôi vẫn có chế độ chữa bệnh của bên quân đội, có các anh em bạn bè quan tâm giúp đỡ nên tôi muốn dùng số tiền đó cho văn chương, đặc biệt là 2 mảng đề tài tôi quan tâm là doanh nhân và nông thôn.

Ông vẫn rất quan tâm đến đời sống văn học hiện nay. Theo đánh giá của ông, sau thế hệ của ông hay các nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường… mảng đề tài nông thôn và các cây viết nông thôn hiện nay ra sao?

- Thế hệ trẻ bây giờ viết giỏi lắm, viết rất hay nhưng họ chỉ lướt qua đề tài nông thôn thôi, không để lại ấn tượng gì. Tôi thì muốn nếu đã viết về đề tài nông thôn thì phải gắn bó máu thịt sống chết với nó, phải đào tận gốc tận rễ chứ đừng như là một đợt sóng lướt ào qua. Tôi giờ đã “cùn” rồi, nhưng vẫn nghĩ tới nông thôn, lúc nào cũng đau đáu về những người nông dân là tổ tiên, cha mẹ, họ hàng cháu chắt tôi. Thế hệ chúng tôi không viết được nữa thì phải có sự khích lệ động viên thế hệ trẻ phía sau mình. Tại sao một đất nước gần 80% dân số là nông dân mà lại để trống mảng văn học dành cho họ?

Nhưng ông có nghĩ rằng câu hỏi này không phải trách nhiệm của ông, mà phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của những tổ chức, ban ngành tầm cỡ quốc gia? Và cái giải thưởng mà quỹ của ông trao tới đây, ông kỳ vọng điều gì ở nó?

- Thôi thì trách nhiệm của ai thì cũng là vấn đề của văn học, tôi cũng cứ ghé vai vào, làm được gì thì làm cho văn học, cho người dân. Tôi muốn lập ra quỹ này để rồi từ đó có tiền cho các hoạt động, xây dựng các trại sáng tác cho các nhà văn, tìm các tác phẩm xứng đáng để trao giải. Tôi tin rằng chúng tôi, gồm có cả nhà văn Nguyễn Khắc Trường và Nguyễn Trí Huân nữa, sẽ làm được một điều đơn giản thôi, đó là đem lại sự chính xác cho các giải thưởng văn học. Chưa biết hay dở thế nào, nhưng phải chính xác đã, hay thì nói là hay, dở thì nói là dở, chứ đừng đánh lận con đen, đừng gian trá cái tốt thành xấu, xấu thành tốt là không được. Các giải thưởng văn chương bây giờ tôi sợ lắm, cứ mờ mờ ảo ảo, như có một màn sương bao phủ vậy, không biết đâu là thật, đâu là giả. Tôi chỉ muốn kéo toạc cái màn sương đó ra thôi, cho nó rõ ràng và đưa các giải thưởng về gần với sự thật.

Lâu rồi ông có về quê Khoái Châu, Hưng Yên của ông không? Nông thôn hôm nay trong mắt ông thế nào?

Quỹ Nhà văn Lê Lựu sẽ trao giải cho những cá nhân, tổ chức có tác phẩm văn học xuất sắc viết về nông nghiệp, nông thôn, doanh nhân và văn hóa doanh nhân. Bên cạnh đó, các hoạt động khác của quỹ đều hướng tới những mục tiêu vì cộng đồng như phối hợp với các nhà hảo tâm để ủng hộ Hội Người khuyết tật Việt Nam; trao học bổng cho các học sinh THPT khó khăn, có thành tích cao trong môn văn. Giải thưởng đầu tiên sẽ trao vào ngày 22.12.2014.

- Tôi ít về quê, vì mảnh đất hương hỏa tổ tiên tôi có chuyện, bà vợ đầu sau 50 năm ly dị trở lại và khiến tôi mất hết rồi. Nhưng nông thôn hôm nay thế nào tôi biết rõ chứ, nó trơ trụi, mất hết vẻ êm đềm và người nông dân thì bớt chân chất đi. Họ phát hết bụi tre rồi, lấp hết ao hồ rồi, để xây tường bao che cho kín, nhưng kỳ thực đời sống họ đang trơ trọi ra và tan hoang hết cả.

Tôi đặc biệt lo ngại bộ máy chính quyền cấp cơ sở, nhiều nơi họ làm sai nhiều lắm, chính họ đã khiến người dân mất lòng tin vào những cấp cao hơn. Nói chung, nông thôn ngày nay đang bị phá ra, đập ra để dựng mới, nhưng chưa ra hình hài nào cả, trông luộm thuộm và nhếch nhác.

Trong bối cảnh ấy, phải chăng người nông dân lại càng cần hơn đến sách và văn chương?

- Đúng vậy, đừng xem thường sách vở và văn học, văn hóa. Đừng tưởng xã nọ xã kia giàu lên, ngói hóa, giảm nghèo mà đã mừng. Từ sâu trong căn cốt, liệu họ có giữ được đạo lý hay không, có biết sống với nhau tình nghĩa trước sau nữa hay không, đó mới là điều đáng quan tâm chứ? Nông thôn rất cần sách, cần văn học, văn hóa, để khuyên nhủ người ta những lẽ sống ở đời, để nuôi dưỡng tâm hồn người ta.

Tôi mong sao kể cả khi tôi đã nhắm mắt xuôi tay rồi, thì cái Quỹ Nhà văn Lê Lựu vẫn hoạt động tốt, vẫn kéo dài mãi và ngày càng phát triển, các anh em trong ban điều hành gắng tìm cách mà làm ra tiền thêm cho quỹ, để từ đó mà giúp cho văn học, cho doanh nghiệp và nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Anh (thực hiện) (Ngọc Anh (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem