Nguyễn Huy Thiệp: “Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn”
Nguyễn Huy Thiệp: “Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn”
Trần Thị Trường
Chủ nhật, ngày 21/03/2021 06:30 AM (GMT+7)
Hiểu nhiều về nông thôn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có sự cảm thông với nông dân và người lao động. Dường như điều đó đem lại cho văn chương của ông nhiều chi tiết đắt giá, giàu hình ảnh, tính ẩn dụ cao, sự sắc sảo, lạnh lùng...
Vào cuối những năm 80 thế kỷ trước, khi truyện ngắn "Tướng về hưu" xuất bản lần đầu trên báo Văn nghệ thì dường như văn đàn Việt Nam lại một lần nữa có nhiều tranh cãi. Một giọng văn, một kiểu viết khác hẳn đến mức nhà văn Nguyễn Khải, tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như: "Xung đột", "Mùa lạc", "Cha và con và…" đã nói ông sẵn sàng đánh đổi truyện ngắn này của Nguyễn Huy Thiệp với tất cả các tác phẩm ông viết ra trong 30 năm cầm bút trước đây.
Nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến thì bảo với Nguyễn Huy Thiệp rằng: "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió"… Câu nói có tính dự báo về cuộc đời văn chương nổi tiếng nhưng vô vàn vất vả của Nguyễn Huy Thiệp.
Liên tiếp sau đó là những truyện ngắn: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, Muối của rừng, Những người thợ xẻ, Như những ngọn gió, Thương cả cho đời bạc, Mưa Nhã Nam… xuất hiện. Truyện nào của ông cũng tạo cho người đọc những ấn tượng sâu sắc không chỉ bởi giọng văn đặc biệt, sắc lạnh, nhiều chi tiết đắt giá, giàu hình ảnh, tính ẩn dụ cao, trừ "Muối của rừng" rất nhân văn và giàu một áng thơ.
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, sống ở Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970. Sau đó, ông lên Tây Bắc dạy học đến năm 1980 thì trở lại Hà Nội.
Một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp viết về đời sống nông thôn Việt một thời vô cùng sinh động, "Những bài học về nông thôn" là một trong số đó. Truyện kể về cậu bé tên Hiếu người ở thành thị được gửi về sống ở nông thôn với cậu em họ tên Lâm, cùng nhiều nhân vật khác, có cả anh giáo Triệu. Xin trích một đoạn: "… Bố Lâm lấy ở góc bếp xuống cái diều to bằng cái thuyền thúng bồi giấy "dó", dây diều là cuộn song to bằng ngón tay trỏ của tôi. Lâm lấy cát đánh bóng bộ sáo diều bằng đồng cho nó sáng tinh lên. Bố Lâm ngâm cuộn dây song xuống ao. Chờ cho tắt nắng, chúng tôi ra đồng. Cánh đồng đã gặt hết, còn trơ gốc rạ. Phía chân trời, mây cuồn cuộn rực hồng một màu lửa. Mặt ruộng nứt nẻ. Cả cánh đồng hực lên mùi hương đất nồng nàn. Trẻ con trong xóm chạy ùa theo. Mấy ông già đang phơi rạ trên bờ ao cũng bỏ việc đấy đứng nhìn.…
Anh Triệu nằm ngả trên bãi cỏ xanh. Anh bảo Hiếu: "Nằm xuống đây. Chú ở thành phố, thế chú có khinh người nhà quê không?" Tôi bảo: "Không". Anh Triệu bảo: "Ừ, đừng khinh họ. Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn có học vấn chúng ta đều mang tội trọng. Chúng ta phá tan phá nát họ ra bằng những lạc thú vật chất của mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy, hành hạ bằng luật lệ lừa bịp, bằng tình cảm, bóc lột tận xương tủy, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh... Chú có hiểu không? Tim tôi ứa máu. Bao giờ tôi cũng nói rằng: "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn... "
Anh Triệu im lặng. Một lát, anh bỗng ngồi dậy buồn bã bảo tôi: "Chú chẳng bao giờ hiểu nổi những điều anh nói có nghĩa gì đâu". Tôi bảo: "Anh không tin em phải không?" Anh Triệu bảo: "Không phải thế. Chỉ vì chú còn trẻ. Lỗi ở tự nhiên chứ không phải chú".
Nguyễn Huy Thiệp hiểu nhiều về nông thôn, có nhiều cảm thông với nông dân và người lao động. Dường như điều đó đem lại sự đặc sắc của văn chương Nguyễn Huy Thiệp bên cạnh sự sắc sảo, lạnh lùng, ngoài ra mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, và những vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại...
Nguyễn Huy Thiệp còn làm thơ, viết kịch, thơ chưa xuất bản nhưng kịch thì có 7 vở, vở nào cũng gây chú ý: Quỷ ở với người, Còn lại tình yêu, Nhà tiên tri, Cái chết được che đậy, Xuân Hồng, Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 và Suối nhỏ êm dịu."Còn lại tình yêu" là tác phẩm được nhắc nhiều nhất, viết về sự hy sinh vì lý tưởng và cái chết bi tráng của Nguyễn Thái Học cùng với tình yêu của một người con gái nhà tư sản tên Minh.
Ông cũng có tiểu thuyết nhưng các nhà phê bình và một số công chúng cho rằng không đặc sắc như truyện ngắn. Nhưng các tiểu luận phê bình văn học thì sắc sảo. Sau một thời gian tạm dừng viết ông thường vẽ trên gốm sứ, vẽ cả chân dung trên chất liệu đó, có bức khá giống với nhân vật mẫu.
Cách đây hơn mười năm ông bị bệnh tim. Chị Trang vợ ông, nghe có người mách đã tìm mua mấy chục cái đầu rắn hổ mang đất về và nướng trên than hoa, cạo cái phần da thịt rắn cháy vàng và hòa vào rượu làm thuốc để cho chồng uống, tưởng đã khỏi nhưng hai năm trở lại đây, nhà văn bị tai biến phải cấp cứu ở bệnh viện.
Từ viện về, Nguyễn Huy Thiệp phải chống gậy hằng ngày, tập đi để hồi phục chức năng. Nhưng sức khỏe của ông mỗi ngày một kém. Vợ ông, có lẽ không kham nổi những vất vả tuổi 70 của mình và của chồng cộng với bệnh tiểu đường nên bỏ lại chồng cho các con chăm sóc và đã nhẹ bước hồng trần vào cuối năm ngoái. Vợ chồng ông có 2 người con trai, họa sĩ Nguyễn Phan Bách và Nguyễn Phan Khoa, cả hai đều đã có gia đình và đều ở cùng một khu nhà, các cháu nội rất quấn quýt ông bà.
Tôi và cả gia đình tôi là những người thích văn Nguyễn Huy Thiệp, ông cũng quý những người nhà tôi, hai nhà lại khá gần nên tôi thường có dịp đến nhà ông. Có khi ăn cơm, vợ ông là người nấu những món ăn quê, đạm bạc mà rất ngon.
Những ngày ông đau yếu, thi thoảng tôi cũng đến. Trông thấy ông nằm bẹp một chỗ mà thương xót. Các con ông rất chăm chỉ chăm sóc bố. Mong bố khỏe lại, ít nhất cũng để có thể có một tin vui an ủi nào đấy cho đỡ những thăng trầm quá mức của đời người cầm bút. Nhưng, có lẽ với ông mọi thứ chỉ là cuộc dạo chơi trong cõi vô thường và ông đã hoàn thành trách nhiệm làm người cầm bút.
Ông đã để lại một kho tác phẩm mà người đời còn phải nhắc đến, tìm đọc rất nhiều. Những bài học còn đó, tình yêu cũng còn mãi. Có lẽ ông biết thế và ông cho là đủ nên vào lúc 16h45 ngày 20/3/2021, ông cũng đã bước về phía vợ ở nơi cực lạc. Bài viết này như nén hương tưởng nhớ ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.