Nhà văn Nguyễn Một: Người phán xét chiến tranh bằng ngòi bút

Ngọc Linh Chủ nhật, ngày 18/06/2023 21:51 PM (GMT+7)
"Sau 50 năm, khi chúng ta thoát khỏi chiến tranh, thì Nguyễn Một trở lại đúng nghĩa như một nhân chứng, như một người phán xét cuộc chiến tranh này trong cách nhìn của một nhà văn", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của nhà văn Nguyễn Một.
Bình luận 0

Lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một

Chiều 18/6 tại Hà Nội, NXB Hội Nhà văn Việt Nam và Công ty sách Liên Việt tổ chức ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một. Nhiều cây bút nổi tiếng trong nền văn học Việt đã tham gia sự kiện này: nhà Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tạ Duy Anh, Y Ban, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Đức Tiến, Di Li, nhà báo Yên Ba…

Nhà văn Nguyễn Một - người phán xét chiến tranh bằng ngòi bút - Ảnh 1.

Cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của nhà văn Nguyễn Một. (Ảnh: Ngọc Linh)

Dù đã thành công với 2 cuốn tiểu thuyết Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời, lần này, nhà văn Nguyễn Một đã tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc để đào sâu "mảnh đất hiện thực" bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang trong giai đoạn rực lửa.

Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một đã viết về chiến tranh với góc nhìn mới mẻ: "Chúng ta đang sống gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Người Mỹ đã rời khỏi đất nước chúng ta rất lâu nhưng có một "chiến trường" vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn của những người đã trải qua cuộc chiến khốc liệt. Cho nên trong tim người Việt cuộc chiến tranh vẫn còn những dư âm ở lại tiếp tục tàn phá một phần nào đó trong tinh thần chúng ta.

Sau 50 năm, nhà văn Nguyễn Một - một trong những nhà văn thuộc thế hệ sau năm 1975 vẫn phải ngồi xuống để trầm mặc về cuộc chiến tranh đó bằng ký ức, bằng tư liệu và cách nhìn của mình. Và ông đã trở thành một người tham dự chính thức cuộc chiến tranh qua những trang viết của mình".

Nhà văn Nguyễn Một - người phán xét chiến tranh bằng ngòi bút - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều xúc động chia sẻ, đánh giá về cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Một. (Ảnh: Ngọc Linh)

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm, trong suốt hơn 300 trang tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín hoàn toàn không thấy sự hiện diện của người Mỹ, chỉ còn hình ảnh những người Việt. Cuộc chiến tranh đã đi qua nhưng nó cũng đã xé nát, tàn phá dự định của biết bao người. Tầng tầng lớp lớp các nhân vật, tình yêu, gia đình, bạn bè, người già, người trẻ tất cả đều phải gánh chịu sự tàn phá của cuộc chiến tranh.

"Tôi nghĩ rằng, sau 50 năm, khi chúng ta thoát khỏi chiến tranh, thì Nguyễn Một trở lại đúng nghĩa như một nhân chứng, như một người phán xét cuộc chiến tranh này trong cách nhìn của một nhà văn. Tôi nghĩ rằng người đọc sẽ thấy điều này khi đọc cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín.

Chúng ta quay trở lại viết về chiến tranh không phải để đau thương thêm một lần nữa, không phải để than khóc và cũng không phải để ngạo mạn thêm một lần nữa mà chúng ta quay trở lại để tìm cách dừng cuộc chiến tranh quá khứ trong tiểu thuyết, để từ đó nhìn ra cách ngăn chặn chiến tranh xảy ra trong tương lai bằng mọi giá", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Một - người phán xét chiến tranh bằng ngòi bút - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Một nói về nguồn cảm hứng sáng tác nên tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín". (Ảnh: Ngọc Linh)

Xúc động trong lễ ra mắt sách, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, một người bạn thân thiết và gần gũi với các nhà văn Việt Nam, chia sẻ: "Đất nước Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh ác liệt trong quá khứ và cho đến nay các bạn đã được hưởng hòa bình, độc lập.

Tôi luôn theo dõi văn học Việt Nam, về những tác phẩm viết vào những năm 30 của thế kỷ trước, các tác phẩm hậu chiến và đó chính là "món ăn tinh thần" giúp tôi hiểu hơn về đất nước Việt Nam. Đọc tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một cũng như tác phẩm trước đó về chiến tranh ở Việt Nam của tác giả khác đã truyền động lực, niềm tin mạnh mẽ về tương lai hòa bình của đất nước chúng tôi".

Nhà văn Nguyễn Một - người phán xét chiến tranh bằng ngòi bút - Ảnh 5.

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhà nước Palestine chia sẻ tại buổi lễ ra mắt. (Ảnh: Ngọc Linh)

Cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một - tác phẩm từ nỗi ám ảnh hai từ "chiến tranh"

Nhà văn Di Li cho biết, bản thân chị ám ảnh bởi những cái chết liên tục xuất hiện trong từng trang tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Một. Chia sẻ với Dân Việt về điều trăn trở khi tạo nên tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín nhà văn Nguyễn Một cho biết, cuốn tiểu thuyết đã được ông thai nghén suốt 20 năm, từ ngay sau khi ông hoàn thành cuốn Đất trời vẫn vũ.

"Tôi sinh ra và lớn lên ở cùng chiến tranh xảy ra liên miên. Dù khi ấy còn nhỏ nhưng tôi đã chứng kiến cái chết hàng ngày. Đó không phải là sự hy sinh của những người lính, mà tôi tận mắt chứng kiến cái chết của những người nông dân. Và trong số những người nông dân ấy có cha tôi, mẹ tôi.

Cha tôi trúng đạn chết khi mẹ tôi đang mang thai ba tháng. Còn mẹ tôi chết khi tôi 4 tuổi, lúc mẹ trúng đạn, tôi nằm dưới đất, máu của mẹ chảy trên người tôi. Bởi vậy cho nên hai từ "chiến tranh" cứ ám ảnh tôi hoài", nhà văn Nguyễn Một chia sẻ với Dân Việt.

Nhà văn Nguyễn Một - người phán xét chiến tranh bằng ngòi bút - Ảnh 6.

Nhà văn Nguyễn Một xúc động khi nhắc về chiến tranh - đề tài của cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín". (Ảnh: Ngọc Linh)

Nhà văn Nguyễn Một cho biết thêm, ông đặt vào cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín tinh thần của Kinh Thánh, đó là sự yêu thương và tha thứ. Ông khẳng định, ông viết về đề tài chiến tranh để muốn thế hệ trẻ biết về quá khứ để từ đó biết cách ứng xử với tương lai.

"Trong tác phẩm này có một câu của nhân vật nói với người yêu của mình: "Lịch sử là thứ không để thay đổi được, chúng ta đừng để lịch sử dày vò tương lai của chúng ta", đó là mơ ước và thông điệp của tôi", nhà văn Nguyễn Một xúc động chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Một (sinh năm 1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết được cuốn sách dành cho thiếu nhi như: Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng, Múa trái chín… Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: Truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Truyện ngắn Trước mặt là dòng sông từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết Đất trời vần vũ được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 2010, cũng được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Hoa Kỳ dưới nhan đề Heaven and Earth in Tumult.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem