Thị trường giải trí đang tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt ở nhiều loại hình, sân khấu cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Hàng loạt sân khấu gặp khó khăn thậm chí đứng bên bờ vực phá sản do lượng vé bán ra ngày càng ít. Không ít sân khấu vẫn cố gắng sáng đèn với hy vọng rồi một ngày kịch nói hay các loại hình như chèo, cải lương, tuồng sẽ trở lại thời hoàng kim...
Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà nghiên cứu Ngô Thảo về vấn đề này.
Tại sao ông cho rằng, tìm khán giả cho sân khấu hiện nay là điều rất khó?
- Đó là một câu hỏi khó tìm ra đáp án. Một số vở diễn nghiêm túc, có nghệ thuật cao, với nghĩa sân khấu là Thánh đường, nhiều năm vẫn vắng người xem: Kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi; Kiều Loan của Hoàng Cầm, Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp…
Tìm khán giả ngày nay càng khó bởi sự đa bội trong phân hóa tập thể, nếp sống, các nguồn đào tạo, các tầng lớp xã hội khác nhau. Nếu làm một phép tính đơn giản, nước ta hiện có 24 triệu người đi học, 11 triệu viên chức nhà nước, 15 – 20 triệu công nhân. Những người thuộc tầng lớp này được coi là có văn hóa nhất, vậy mà tiểu thuyết thường chỉ in hàng nghìn, thơ 500 bản, nếu có bán hết, thì cũng biết có một số lượng người không hề quan tâm đến văn hóa, văn nghệ.
Sân khấu hiện nay theo ông đã có những thay đổi ra sao so với thời kỳ trước?
- Dĩ nhiên, sâu khấu những năm qua đã có nhiều hoạt động nhằm cải thiện diện mạo và sự quan tâm của khán giả. Ngoài các hội diễn định kỳ, là cuộc thi của các kịch đại chúng, thi các trích đoạn hay, các gương mặt trẻ, sân khấu thử nghiệm quốc tế, các trại sáng tác, nhiều lớp đạo diễn và diễn viên mới. Nhưng phải thừa nhận là những tài năng kiệt xuất chưa thấy xuất hiện. Các đạo diễn điện ảnh được học tập ở nước ngoài đã về Việt Nam làm việc, nhưng đạo diễn sân khấu hầu như không thấu, dù trong các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ của Đảng luôn nhấn mạnh về nội dung này.
Việc tốn rất nhiều tiền của, nhân lực cho các chương trình lễ hội liên miên không biết có nên xem là một cách tìm tòi thành công không. Bởi sản phẩm văn hóa không phải là pháo hoa bắn lên trời một lần là hết, không phải hàng "tươi sống", phục vụ ăn liền. Mỗi sản phẩm chỉ đạt đến tầm văn hóa chỉ khi có tuổi thọ và có sứ mệnh riêng của nó.
Ông có thể dẫn chứng ra thêm ví dụ cụ thể?
- Từ ngày mở du lịch, du khách xem phong cảnh, ẩm thực là chính. Sân khấu vẫn chưa là nhu cầu thường xuyên của khách quốc tế. Ở nước ngoài có sân khấu nổi tiếng Broadway đông chủ yếu nhờ khách quốc tế.
Ở nước ta, hoạt động thường xuyên, ngày diễn 4 – 5 suất chỉ có Nhà hát múa rối Thăng Long ở ngay cạnh bờ hồ. Khách ở Nhà hát Tuồng ở rạp Hồng Hà thưa vắng. Đưa khách quốc tế tới các Nhà hát ở Trung ương và các địa phương vẫn là một điều khó thể diễn ra thường xuyên.
Theo ông, nguyên nhân khiến sân khấu đang thiếu sự chú ý của khán giả?
- Trước hết, phải tìm nguyên nhân chủ quan ở trình độ chất lượng nghệ thuật, giá trị các vở diễn mới. Nghệ thuật mà thiếu tài năng, thiếu cái mới về tư tưởng, tình cảm cũng như kỹ thuật thì không thể trách khán giả ngày một thưa vắng. Chỉ chạy theo đáp ứng nhu cầu giải trí một cách rẻ tiền, dễ dãi cũng không thể thu hút đông đảo khán giả.
Nhìn ở một vấn đề khác, nền kinh tế bao cấp nuôi sống được mọi đơn vị nghệ thuật, mọi nghệ sĩ với mức lương bình quân, chia đều sự nghèo khổ, biến nghệ sĩ thành viên chức ăn lương, nuôi được người yêu nghề nhưng cũng không khuyến khích được người tài năng thì bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, mức thu nhập bình quân ở các đoàn tư nhân, tập thể chênh nhau cả trăm ngàn lần. Vì thế, nghệ thuật dân tộc bị thả nổi trong công cuộc kiếm sống.
Vậy việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng trong sân khấu, chúng ta phải làm gì?
- Để đáp ứng yêu cầu công chúng rộng rãi, tùy ngân sách các địa phương, tùy thế mạnh truyền thống và đặc điểm của từng vùng miền. Tránh tình trạng bình quân hay bày biện cho đủ kịch chủng.
Một vấn đề cần đặt ra, đó là chương trình kịch mục của sân khấu truyền thống. Với các đoàn nghệ thuật truyền thống đầu đàn, một yêu cầu có tính tiêu chuẩn, đó là phải biến tất cả các tác phẩm được coi là tiêu biểu của từng kịch chủng thành tiết mục thường xuyên của mỗi đoàn. Tình trạng phổ biến hiện nay là các đơn vị chỉ còn diễn trích đoạn mà không mấy đơn vị diễn được trọn vẹn một tiếc mục. Danh mục các tác phẩm tiêu biểu từng kịch chủng cũng là một nội dung cần được xác định một cách khoa học.
Theo ông, vì sao phải đặt bảo vệ văn hóa truyền thống, nghệ thuật sân khấu là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu?
- Nghệ thuật sân khấu là một tài sản tinh thần vô giá của dân tộc. Mấy ngàn năm qua, đất nước liên tục bị thiên tai, địch họa, nguy cơ đồng hóa của ngoại bang treo lơ lửng trên đầu. Hàng ngàn năm, mà đời nối đời, tổ tiên, cha ông ta vẫn tiếp tục sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các tác phẩm sân khấu thuộc nhiều kịch chủng, tạo thành những giá trị tinh thần làm nên bản sắc độc đáo của dân tộc, góp phần cổ vũ toàn dân giành độc lập, bảo vệ bờ cõi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.