Nhà văn Vũ Đình Long - Danh tài đất Thanh Oai

Chủ nhật, ngày 21/08/2011 13:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chính nhờ có Vũ Đình Long mà làng Mục Xá - một ngôi làng nhỏ của Thanh Oai (Hà Nội) từ những năm 1930 đã trở thành nơi hội tụ của các văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Bình luận 0

Một người trong sạch

Huyện Thanh Oai là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, có rất nhiều người đỗ đại khoa. Sang thế kỷ XX, Thanh Oai có một người cũng rất nổi danh, đó là ông Tạ Duy Hiển. Ông là người đầu tiên sáng lập ngành xiếc thú hiện đại Việt Nam. Năm 1984 ông được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

img
Ký họa chân dung nhà văn Vũ Đình Long.

Vũ Đình Long (1896-1960) là người làng Mục Xá, xã Cao Dương, tiếp tục tô đẹp thêm truyền thống văn hiến lâu đời của huyện Thanh Oai. Ông là người khai sinh ra nền kịch nói Việt Nam bằng vở kịch “Chén thuốc độc” (1921).

Ông là một người suốt đời phấn đấu cho một nền đạo đức trong sáng, giữ vững thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các nhân vật tích cực do ông hư cấu trong các vở kịch của mình đều là những người phát ngôn cho quan điểm đạo đức đáng quý của ông.

Ông quan tâm đến những người lầm đường lạc lối, vi phạm đạo đức làm người. Ông nhiệt tình giảng giải, phân tích, giãi bày hết những suy nghĩ về đạo đức của mình để giáo hóa những người không coi đạo đức làm trọng. Họ như những người mù quáng đi trong hầm tối.

Tác giả muốn bật ngọn đèn pha chiếu sáng để hướng họ lối ra. Ông là người có công lớn trong việc chấn hưng và phát triển nền văn học nước nhà. Ông mở Nhà xuất bản Tân Dân để tạo điều kiện cho các nhà văn phát triển tài năng. Dưới con mắt tinh đời của ông, nhiều nhà văn đã được khích lệ và trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam.

img
 

Kho sách mà Nhà xuất bản Tân Dân đã phát hành rất đồ sộ, phong phú. Nhà xuất bản Tân Dân là một nhà xuất bản lớn vào loại nhất của Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8.1945. Ông là người sống trong sạch, không vụ tiền tài, tiền công diễn các vở kịch của ông thời ấy, ông không nhận mà là để góp phần công đức nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi.

Điểm hẹn Mục Xá

Ông đã làm cho làng Mục Xá, quê hương của ông, một làng có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời gắn liền với lịch sử dựng nước từ thời Vua Hùng nay lại có thêm một di tích văn hóa: Nơi hoạt động của Nhà xuất bản và Nhà in Tân Dân.

Thời chiến tranh Mỹ-Nhật ông chuyển nhà xuất bản và nhà in về biệt thự Tân Dân rộng lớn và thoáng mát của ông ở đầu xóm ngõ cả, làng Mục Xá. Thời ấy, làng Mục Xá là điểm hẹn, là nơi giao lưu của các văn nghệ sĩ. Họ về Mục Xá để đàm luận về thế sự, về văn chương.

Nhiều nhà văn đã ở lại làng Mục Xá để sáng tác trong đó có nhà văn Lê Văn Trương đã ở tại nhà ông Vũ Văn Tút nhiều tuần liền. Tác phẩm “Anh em thằng Việt” của Lê Văn Trương được sáng tác và in ngay tại làng Mục Xá.

Từ những đóng góp to lớn cho nền văn hóa văn học Việt Nam, Vũ Đình Long xứng đáng là một trong những nhân vật tiêu biểu của nước nhà nửa đầu thế kỷ XX. Ông xứng đáng với niềm quý trọng của nhân dân nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng. Đặc biệt với truyền thống văn hiến của huyện Thanh Oai, ông xứng đáng là một danh tài của thế kỷ XX.

Nhà văn Vũ Đình Long (1896-1960) là người mở màn nền kịch nói Việt Nam hiện đại bằng vở kịch “Chén thuốc độc” (1921), là ông chủ nhà xuất bản Tân Dân nổi tiếng trước 1945. Nhân dịp kỷ niệm 115 năm sinh của ông và 90 năm vở kịch nói đầu tiên, một hội thảo về Vũ Đình Long sẽ được địa phương quê ông và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức vào ngày 21.8.

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Vũ Đình Long và 90 năm lần đầu công diễn vở kịch nói “Chén thuốc độc” của ông, ngoài việc tiếp tục khẳng định di sản văn hóa ông để lại cho đời, thiết nghĩ các cấp chính quyền và TP.Hà Nội cần có những hình thức cụ thể để ghi công lao đóng góp của ông. Ở xã Cao Dương có thể lập một phòng lưu niệm về nhà văn Vũ Đình Long tại nơi khu nhà cũ của ông.

Ở huyện Thanh Oai, có thể lấy tên nhà văn Vũ Đình Long để đặt tên cho một công trình, hoặc một trường học, hoặc một con đường. TP.Hà Nội có thể đặt tên Vũ Đình Long cho một đường phố. TP.Đà Nẵng không phải là quê hương ông nhưng cũng đã có một con đường mang tên Vũ Đình Long.

Có một tên trường, một tên đường Vũ Đình Long ở Thanh Oai, ở Hà Nội, là thể hiện niềm kính yêu và niềm tự hào của người dân thủ đô đối với một nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem