Nhạc sĩ Cao Việt Bách với những kỷ niệm không bao giờ quên về Bác Hồ

Thanh Hà Thứ ba, ngày 12/05/2015 08:07 AM (GMT+7)
 “Bác Hồ là con người có tâm hồn mênh mông, lòng yêu dân tộc, yêu đất nước rộng lớn như trời bể... Trong khi ngòi bút của tôi quá nhỏ bé, dường như những sáng tác của tôi chưa thể nói hết được công lao của Bác đối với đất nước...” - nhạc sĩ Cao Việt Bách chia sẻ.
Bình luận 0

Ca khúc viết nhanh kỷ lục

Là nhạc sĩ cùng thế hệ với các nhạc sĩ Thuận Yến, Phạm Tuyên, Trần Chung... nhạc sĩ Cao Việt Bách cũng có rất nhiều ca khúc viết về Bác Hồ được công chúng yêu thích và thuộc nằm lòng, như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”; “Vầng trán Bác Hồ”; “Mang hình Bác chúng ta lên đường”; “Đêm đông Pari”…

img
Bác Hồ đến thăm Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Moskva, Nga năm 1955. Ảnh do nhạc sĩ Cao Việt Bách cung cấp. 
Chia sẻ về kỷ niệm khi viết ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”, nhạc sĩ Cao Việt Bách nhớ lại: “Hòa chung trong không khí nô nức chào đón ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, dường như lời bài hát đã như có sẵn trong tôi tự bao giờ, tôi không phải mất thời gian để tìm lời, mà chỉ trong vòng 8- 9 phút, ca khúc đã thành hình. Khi đặt bút viết nốt nhạc đầu tiên, tôi nghĩ đến Bác Hồ, đến năm 1911, lúc người ra đi từ bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước rồi trở về mang độc lập, tự do cho dân tộc. Chính vì vậy mà những lời hát: “Từ thành phố này Người đã ra đi, bao năm ước mong đón Bác trở về/ Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân/ Bác vẫn đến từng nhà thăm các cụ già, cầm tay chúng con/Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn...”. Bài hát đã được ca sĩ Hữu Nội hát lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào những ngày đầu tháng 5.1975”.

 

Tuy nhiên nhạc sĩ Cao Việt Bách vẫn trăn trở, Bác Hồ là người có tầm vóc vĩ đại, người tạo nên lịch sử Việt Nam, nên không thể chỉ có giọng đơn ca nam hát về Bác thì chưa đủ diễn tả tầm vóc ấy. Chính vì vậy nhạc sĩ đã quyết định viết lại ca khúc thành bản hợp xướng với giọng lĩnh xướng là ca sĩ Hữu Nội.

“Khi lần đầu tiên ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” được biểu diễn với hình thức dàn hợp xướng và dàn nhạc phụ họa tại sân vận động ngoài trời ở TP.HCM năm 1977, có hàng nghìn khán giả đã cùng đứng lên hát cùng dàn hợp xướng. Tôi bất ngờ, cảm thấy xúc động, hạnh phúc và vinh dự cho người nghệ sĩ. Thật sự không gì sung sướng bằng, một ca khúc thôi mà lại được quần chúng thuộc, quần chúng yêu thích, thì đó là mơ ước của các nhạc sĩ khi sáng tác. Chính Bác Hồ đã căn dặn chúng tôi, các cháu phải hát, sáng tác thế nào để dễ đi vào quần chúng. Ca khúc ấy phải mang yếu tố phổ cập nhiều hơn, chứ không phải sáng tác ca khúc chỉ để cho một ca sĩ nào đó khoe được chất giọng của ca sĩ đó” - nhạc sĩ Cao Việt Bách tâm sự.

Kỷ niệm những lần gặp Bác

Hỏi cơ duyên nào đã đưa nhạc sĩ đến gần với Bác và có được nhiều sáng tác về Bác, nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ: Ông lớn lên trong một gia đình cách mạng, bố là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động cách mạng từ những năm 1930 và đã bị thực dân Pháp xử tử. Năm Cao Việt Bách 13 tuổi, do là con của gia đình liệt sĩ, nên được Bác Hồ cử đi học ở Lư Sơn, rồi đến Quế Lâm (Trung Quốc). Năm 1954, cùng với hàng trăm học sinh ưu tú khác, ông được chuyển sang học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Mátxcơva, Liên Xô. Sau khi học hết phổ thông, năm 1959 ông vào học Khoa chỉ huy hợp xướng ở Nhạc viện Gnessin của Mátxcơva.

Từ đây nhạc sĩ Cao Việt Bách được gặp Bác Hồ nhiều hơn, bởi mỗi khi từ Việt Nam sang nước Nga, Bác lại đến thăm Trường thiếu nhi Việt Nam. Nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại: “Lần nào Bác ghé thăm, chúng tôi cũng xếp hai hàng dài, đứng chờ trong sự hồi hộp được đón chào Bác. Và khi Bác đến, chúng tôi quây quần xung quanh, Bác hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập, rồi dặn dò các cháu học tập cho thật tốt, phải cố gắng học... Bác luôn là vậy, luôn lo cho thế hệ tương lai”.

Không chỉ gặp Bác Hồ trong những năm tuổi thơ học ở Nga, ngay khi về nước với tấm bằng loại ưu tại Nhạc viện Gnessin, nhạc sĩ Cao Việt Bách tham gia chỉ huy dàn nhạc tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) và tiếp tục được gặp Bác Hồ nhiều hơn.

Nhạc sĩ cho hay, Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương thường đại diện cho các đoàn nghệ thuật của Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài, nên mỗi lần chuẩn bị đi thì Bác Hồ luôn là người xem và duyệt chương trình. “Tôi vẫn nhớ như in, mỗi lần đến xem và duyệt chương trình, Bác luôn dặn dò: “Các cháu mang chuông đi đánh xứ người, thì phải đánh làm sao cho vang, cho to, cho nước bạn cảm nhận được nền văn hóa dân tộc, âm nhạc, nghệ thuật của Việt Nam”. Bác duyệt chương trình rất kỹ, nếu một bài hát, tiết mục múa mang phong cách hay có chút ảnh hưởng yếu tố nước ngoài là Bác lại bảo: “Không được! Các cháu phải hát, biểu diễn những ca khúc mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam”- nhạc sĩ Cao Việt Bách nhớ lại.

Năm nay nhạc sĩ Cao Việt Bách đã bước sang tuổi 75, sức khỏe đã rất kém, nhưng cứ nhắc đến âm nhạc, đến Bác Hồ, dường như ông lại được thêm sức mạnh nào đó. Ánh mắt nhạc sĩ lại ánh lên những tia sáng lấp lánh, nụ cười lại rạng rỡ hơn...

   Ngoài việc tham gia chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ Cao Việt Bạch còn có nhiều đóng góp về khí nhạc như: Tác phẩm khí nhạc viết cho piano và dàn nhạc “Bức tranh người Việt cổ”; viết nhạc cho hơn 80 phim hoạt hình. Về thanh nhạc, ông có nhiều ca khúc như: “Gửi Huế thành phố thép anh hùng”, “Mang hình Bác chúng ta lên đường”, “Vầng trán Bác Hồ”, “Cung đàn mùa xuân” (thơ Lưu Trọng Lư); “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”...   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem