Nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Chẳng ai có quyền cấp phép cho ca khúc hết"

Thứ tư, ngày 31/05/2017 13:30 PM (GMT+7)
“Lão làng” Nguyễn Cường xuất hiện tại buổi họp báo live show Thanh Lam trong bộ dạng “tay chơi” quen thuộc: Bộ đồ jean bạc màu + quả mũ phớt Ăng lê bất ly thân và hàng ria con kiến kiêu bạc. Và ông đã có những chia sẻ liên quan đến chuyện cấp phép cho ca khúc.
Bình luận 0

img

Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Ảnh: Cao Nhật)

“Cấm thế nào cũng phải liều liệu!”

Thanh Lam nói rằng ca khúc “Khúc độc thoại Thị Mầu” có nhiều đoạn khiến chị ấy “giật mình thon thót, cứ như bị đi guốc trong bụng vậy”. Vì sao tận đến giờ ông mới chịu trao nó cho “người đàn bà khát”?

- Đây không phải là lựa chọn của tôi mà là của Thanh Lam. Tôi cũng không hiểu cô ấy “phải lòng” nó từ bao giờ và cũng chưa biết Thanh Lam sẽ làm gì với nó. Nhưng đặt ca khúc này vào Thanh Lam thì quả là vừa vặn khi cô ấy rõ ràng là một Thị Mầu của làng nhạc, trong cảm quan của tôi: Cùng là người đàn bà khát yêu khát sống, dám vượt qua định kiến và dư luận để được sống đúng với bản ngã của mình... “Mầu” ở đây có thể hiểu là mầu mỡ, nõn nường, phồn thực, đàn bà là cứ phải có da có thịt, lại đôi khi phải “sai sai” tí thì mới hấp dẫn đàn ông được, chứ để đàn ông họ “kính trọng” quá, có khi lại chả được yêu đâu nhé! (cười)

Nghệ thuật để gặp được nhau còn là do duyên. Trước, tôi trao Thị Mầu cho Ngọc Khuê thì đó là một Thị Mầu đỏng đảnh, lẳng lơ, lúng liếng. Nhưng giờ vào tay Thanh Lam, đó có thể còn là một Thị Mầu khát cháy từ sâu bên trong, đòi được thoát ra, cởi trói...

Hồi giờ mấy ai dám bênh Thị Mầu mạnh miệng đến như ông chưa nhỉ? “Trái chiều” thế này khéo lại phải đi xin... cấp phép cho ca khúc ấy chứ?

- Không, tôi chả bao giờ đi làm cái việc thừa hơi ấy cả, chả có ông nhạc sĩ nào lại đi xin cho ca khúc của tôi được hát cả. Dù rất có thể cứ đà này, không khéo có ngày ca khúc nào đó của Nguyễn Cường cũng sẽ bị cấm (cười). Sao lại đi cấp phép cho ca khúc, ơ kìa! Tôi chả thấy đất nước nào đi làm cái việc đó cả. Chả ai có quyền cấp phép cho ca khúc hết. Đó là quyền tác giả. Chấm hết! Còn các bài quốc tế vào Việt Nam thì sao, chẳng lẽ cũng đòi đi cấp phép cho họ à? Trừ khi ca khúc đó có vấn đề, thì anh mới có quyền cấm lưu hành và biểu diễn.

Anh có giỏi thì anh liệt kê ra bằng hết các ca khúc bị cấm ấy đi, thì để người ta còn biết mà tránh ra. Nhưng cấm thế nào lại cũng phải liều liệu! Đừng quên trước đây từng có người bị dính vào vòng lao lý cũng chỉ vì một thứ nhạc mà lúc này đang được hát ra rả trên truyền hình, thậm chí còn có cả một cuộc thi, dưới một tên gọi mỹ miều khác: “bolero”. Sao không nói thẳng nó là nhạc vàng đi cho xong!

Đừng có điên vớ điên vẩn!

Giờ thì đúng là người người, nhà nhà đổ xô hát bolero. Ông từng nói với tôi rằng ông “luôn thích viết về những gì hừng hực, ấm sáng; thay vì lạnh lẽo, tăm tối”, vậy liệu ông có thấy “thuận mắt”?

- Không, hai chuyện đó khác nhau. Không phải vì tôi thích rượu vang thì có nghĩa tôi sẽ ghét mấy anh mê quốc lủi. Tôi nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói một ý rất hay rằng, bất cứ thứ âm nhạc nào an ủi được con người thì cũng đều đáng quý cả. Mỗi người nghe có một nhu cầu thưởng thức khác nhau và có thể tìm thấy nhiều chỗ dựa khác nhau trong âm nhạc. Âm nhạc không có thấp hèn hay cao quý nên không nên coi rẻ cái gì cả. Cũng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi cho rằng bất cứ tác phẩm âm nhạc nào có thể giúp an ủi con người hay khiến họ vui hơn thì đều nên hoan hô.

img

Quả là luôn có thể tìm thấy ở âm nhạc Nguyễn Cường (cũng như vẻ ngoài của ông) một tâm thế sống khỏe khoắn, nồng nhiệt. Tiếc rằng, hai người từng giúp ông “truyền lửa” là Y Moan thì đã khuất núi, Siu Black thì gần như giải nghệ. Có lúc nào ông cảm thấy âm nhạc của mình “lẻ bóng”?

- Y Moan và Siu Black quả đúng là hai người hát nhạc của tôi tuyệt vời nhất. Nhưng đó chỉ là nói riêng cho mảng sáng tác Tây Nguyên. Gia tài âm nhạc của tôi bên cạnh đó còn có mảng hợp xướng và mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ như: Hò biển, Mái đình làng biển, Thành phố miền quan họ, Đàn cầm dây vũ dây văn, Một nét ca trù ngày xuân... cũng đã từng được nhiều ca sĩ nổi tiếng khác thể hiện thành công.

Trong live show sắp tới của Thanh Lam, cô ấy cũng sẽ lần đầu tiên thể hiện “Mái đình làng biển”, trong bản phối mới của Quốc Trung. Riêng với Tùng Dương thì sắp tới đây, chúng tôi sẽ ra một album gồm 11 ca khúc thuộc mảng sáng tác của tôi về đồng bằng Bắc Bộ (hai chú cháu vẫn gọi đùa là album... “Cường + Dương”). Ngoài ra, Dương cùng sẽ thể hiện một ca khúc mới của tôi về Tây Nguyên. Tôi rất thích Tùng Dương ở sự đa dạng, muốn ma mị có ma mị, cần buông lơi có buông lơi - kiểu nào Dương cũng chơi được, rất tinh tế!

Cả Thanh Lam và Tùng Dương đều từng hứa, hoặc bị yêu cầu... “bớt điên”. Ông có ngại chữ “điên” trong nghệ thuật?

- “Điên” hay chứ, nếu là cái điên nghệ thuật! Và cũng còn tùy thuộc xem chúng ta định nghĩa thế nào là “điên”. Giãy giụa gào thét chưa chắc đã là điên! Tôi từng thấy có cô ca sĩ lên sân khấu giãy đành đạch mà chả thấy điên tý nào. Điên vớ điên vẩn! “Điên nghệ thuật” không nằm ở âm lượng mà là trong tâm thế của người nghệ sĩ. Nhiều khi chỉ cần hát một câu nhẹ như không mà đấy lại chính là điên đấy! Tiếng gào của một tay giả điên làm sao vang xa bằng tiếng thở dài của một gã khổng lồ.

Sau live show riêng vào năm ngoái, năm nay hẳn là ông đang tạm... “ngừng điên”?

- Một thằng ham chơi thì sẽ chẳng bao giờ “định” gì cả. Hứng lên thì làm như trâu, mà ngứa ngáy khó chịu thì lại lồng lên đi. Đi hùng hục, xa mấy cũng đi, tuổi tác có là gì! Kệ thôi, cái gì đến sẽ đến!

Xin cảm ơn ông!

Thủy Nguyên (Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem