Trong một lần trò chuyện trước đây, anh đã nói anh trở về với âm nhạc dân gian VN khi bắt đầu biết đến Hương Thanh - người vợ của mình. Anh có thể nói rõ hơn về điều này được không?
- Ba mẹ tôi là người Việt nhưng tôi sinh ra và lớn lên tại Pháp, thuở nhỏ, tôi vẫn có thể hiểu được những câu chuyện của ba mẹ nói thường ngày, nhưng từ khi đi học, tôi đánh mất dần khả năng nói tiếng Việt của mình.
16 tuổi, tôi bắt đầu biết đến âm nhạc, và rồi trong một buổi biểu diễn dành cho sinh viên trong dịp Tết năm 1994, tôi được nghe Hương Thanh hát. Cô là con gái của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, em gái của ca sĩ Hương Lan. Giọng hát ngọt ngào mang âm hưởng dân ca của cô đã đánh thức trong tôi những lời ru, câu hò của mẹ từ thửa nhỏ. Vậy là tôi quyết định phải tìm đến với âm nhạc dân tộc mình.
|
Nhạc sĩ Nguyên Lê trên sân khấu biểu diễn. |
Cho đến giờ anh vẫn không thể nói trôi chảy bằng tiếng mẹ đẻ, vậy công cuộc tìm về với âm nhạc dân tộc của anh hẳn nhiều khó khăn?
- Tôi rất xấu hổ khi không thể nói trôi chảy tiếng mẹ đẻ, do vậy mà tôi đã kết hợp âm hưởng jazz và nhạc cổ truyền Việt Nam với mục đích tìm lại được chính mình trong âm nhạc và cũng là một cách để tạ lỗi với tiếng Việt.
Thực ra việc tôi thể nghiệm hòa trộn cách phối khí của nhạc jazz và âm nhạc hiện đại phương Tây với các làn điệu dân ca VN lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, vì Hương Thanh chưa quen với cách thể hiện này. Phải mất 2 năm cô mới quen với việc hát ru mà có tiếng piano, dân ca mà có tiếng guitare điện, trống... Nhưng một khi đã kết hợp được với nhau, chúng tôi lại có rất nhiều cảm xúc.
Đĩa nhạc Tales from Vietnam (Những câu chuyện từ Việt Nam) của anh và Hương Thanh đã được giới âm nhạc thế giới chào đón và đánh giá cao, anh có thể nói rõ hơn về ý tưởng và nội dung đĩa nhạc này?
- Đĩa nhạc này, tôi và Hương Thanh làm với mục đích để kể cho những người nước ngoài biết về âm nhạc dân gian VN, những làn điệu dân ca, câu hò điệu lý nổi tiếng như Lý mười thương, Dạ cổ hoài lang, Lý ngựa ô, Ngồi tựa mạn thuyền, Hoa thơm bướm lượn, Cơi trầu... Tôi muốn đưa đến một cách tiếp nhận mới, bên cạnh "món" dân ca nguyên gốc còn có những "gia vị" thêm vào qua việc phối khí theo phong cách jazz.
Về bản chất, dòng nhạc này được gọi là phong cách world music (âm nhạc thế giới). Người nước ngoài đón nhận dân ca Việt Nam dễ dàng hơn, giới trẻ người Việt tại hải ngoại cũng yêu thích âm nhạc truyền thống dân tộc mình hơn qua cách làm này.
Anh có bao giờ e ngại các ý kiến nhận xét rằng đó là một cách làm "phá nhạc dân tộc"?
- Dòng nhạc tôi đang theo đuổi có đôi chút "khác thường" và gây ra nhiều quan điểm cảm thụ khác nhau nhưng những ai đã hiểu được thì chắc chắn sẽ thấy thích. Tôi không đi theo cách để làm hài lòng tất cả mọi người, tôi nghĩ tôi thích và làm những tác phẩm mà tôi cho là đẹp.
Nhạc sĩ Nguyên Lê sinh năm 1959 là người đồng thành lập nhóm Ultramarine và nhóm đã đoạt giải nhất Cuộc thi quốc gia Jazz de la Défense năm 1983. Từ năm 1987- 1999, anh chơi cho Dàn nhạc Jazz quốc gia của Pháp và bắt đầu có những tour diễn khắp thế giới.
Trong lần trình diễn tại Việt Nam, chính GS Trần Văn Khê đã đến nghe, ông còn ngâm thơ và để tôi đệm đàn cho ông, đó là một người khả kính và luôn đề cao âm nhạc dân tộc. Theo suy nghĩ của tôi, khi ra với thế giới, bạn phải biết làm gì để kéo người ta đến gần với âm nhạc dân tộc mình.
Đây là lần thứ 2 anh trở về VN biểu diễn, chắc chắn những cảm xúc của anh lần này cũng khác nhiều?
- Năm 2004, tôi được Đại sứ quán Pháp mời về VN diễn tại Hà Nội và TP.HCM, nói chung buổi biểu diễn đã hết sức thành công, tạo được nhiều cảm hứng trong khán giả.
Lần trở về này là tôi nhận lời mời của Ban tổ chức Chương trình "Âm nhạc trên tầng cao" vào 2 đêm (12 và 13.7) tại Hà Nội. Lần này biểu diễn cùng tôi là ca sĩ Tùng Dương, ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh. Hy vọng khán giả sẽ ủng hộ các nghệ sĩ.
Xin cảm ơn anh!
Phạm Dung (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.