Nhạc sĩ Phạm Tuyên và kỷ niệm với kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất

Chủ nhật, ngày 23/05/2021 06:30 AM (GMT+7)
Sau kỳ họp Quốc hội nước Việt Nam thống nhất tại Thủ đô Hà Nội diễn ra từ ngày 24/6 đến 3/7/1976, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có cảm hứng sáng tác bài “Tổ quốc ngày mới”. Bài hát ghi dấu sự kiện trọng đại của đất nước: Đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bình luận 0

Thấy chúng tôi đến, nhạc sĩ Phạm Tuyên mang ra một tập tài liệu về bầu cử, trong đó có Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu quốc hội khoá XV ở đơn vị bầu cử số 01 (gồm quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) và danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND tại phường nơi ông sinh sống. Kèm theo đó là tài liệu tóm tắt về các đại biểu tham gia ứng cử.

Ông chia sẻ: "Với bầu cử Đại biểu Quốc hội thì tôi được biết nhiều qua truyền hình, báo chí. Khi đang còn công tác, có đại biểu tôi đã gặp ngoài đời nên cũng biết ít nhiều rồi. Nhưng với danh sách ứng cử đại biểu HĐND ở phường thì nói thật là tôi không nắm rõ. 

Vì mấy năm nay, do tuổi già sức yếu, đến đi xuống cầu thang (nhà nhạc sĩ ở khu tập thể - PV) tôi cũng không đi được nên thông tin cập nhật cũng hạn chế. Vì thế, tôi bảo con tìm cho tôi tài liệu tóm tắt về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của các ứng cử viên để khi đi bầu có lựa chọn chính xác hơn".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và kỷ niệm với kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất - Ảnh 1.

Ở tuổi 92, nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp Quốc hội nhiệm kỳ này

Nhạc sĩ của tuổi thơ cũng bày tỏ quan điểm riêng rằng khi đi bầu cử, trong danh sách bầu, ông sẽ chọn một ứng cử viên là nữ. "Cái này là lựa chọn của riêng tôi thôi, hơi cá nhân một chút. Vì tôi thấy phụ nữ "đảm việc nước" lại vừa "đảm việc nhà" phải trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài ra, tôi cũng muốn tỷ lệ nam nữ được cân đối hơn, chứ đại biểu nữ tham gia HĐND hay đại biểu Quốc hội hiện còn khá ít", nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.

Dù tuổi cao sức yếu nhưng người nhạc sĩ già vẫn giữ thói quen đọc báo, xem ti vi hàng ngày. Những ngày này, người nhạc sĩ già cũng cảm thấy hân hoan khi xem không khí ngày hội bầu cử đang lan toả trên cả nước. Qua báo chí, truyền hình, ông bảo: "Tôi thấy mừng vì danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nhân sự, trong đó, lực lượng trẻ tham gia rất nhiều. Điều này cho thấy sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo rất cấp tiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước".

Ở tuổi 92, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã để lại một kho tàng nghệ thuật với khoảng 700 ca khúc. Ông cũng là nhạc sĩ có nhiều sáng tác về Đảng, Bác Hồ và thiếu nhi, được yêu thích và nổi tiếng cho đến tận bây giờ.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và kỷ niệm với kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất - Ảnh 2.

Nhạc sĩ tìm đọc các tài liệu về bầu cử để chuẩn bị cho ngày hội sắp tới

Tôi hỏi ông sáng tác nhiều ca khúc như vậy thì có bài hát nào về bầu cử không, ông bảo: "Nói về ngày bầu cử một cách trực diện thì không nhưng năm 1976, sau kỳ họp Quốc hội nước Việt Nam thống nhất tại Thủ đô Hà Nội, tôi đã có cảm hứng sáng tác bài "Tổ quốc ngày mới".

Sau ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã liền một dải. Tuy nhiên trên thực tế đã tồn tại hai Chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Từ ngày 15/11 đến ngày 21/11/1975, tại Sài Gòn - Gia Định đã diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị bàn vấn đề thống nhất Việt Nam về mặt Nhà nước. Hội nghị Hiệp thương chính trị đã quyết định Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước.

Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất đã được tiến hành trong cả nước.

Từ ngày 24/6 đến 3/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại Thủ đô Hà Nội thảo luận và thông qua báo cáo Chính trị, các Nghị quyết quan trọng: Tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô, Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất. Trong đó, Quốc hội đã thống nhất đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và kỷ niệm với kỳ họp Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất - Ảnh 3.

Bản photo viết tay ca khúc Tổ quốc ngày mới của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Nhạc sĩ cho chúng tôi xem bản viết tay của ca khúc Tổ quốc ngày mới được ông lưu giữ trang trọng trong kho tư liệu. Bản nhạc viết ngày 2/7/1976, tức ngay sau khi tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được lựa chọn.

Vì thế, dòng đầu tiên của bản nhạc chép tay có đề tựa: "Chào mừng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Nhấn mạnh ý nghĩa này, trong bài hát, nhạc sĩ viết: "Vinh quang Tổ quốc ta, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Và không thể không nhắc đến Bác Hồ, người đã góp phần lớn lao vào công cuộc giải phóng hai miền Nam Bắc, thống nhất non sông một dải: "Vinh quang Hồ Chí Minh, tên Người còn sống mãi với non sông Việt Nam". Đây cũng là câu kết của bài hát "Tổ quốc ngày mới".

Ca khúc sau đó được hợp ca nam nữ Đài tiếng nói Việt Nam thể hiện và phát trên sóng phát thanh trong sự hưởng ứng của khán thính giả cả nước.


L.T.Hà (giadinh.net.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem