“Cách đây 10 năm, ông Tuyển có mời tôi, nghệ sĩ múa Nguyệt Thu và một số nghệ sĩ sang xem chương trình của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Đó là một vở diễn thực cảnh nổi tiếng lúc bấy giờ ở Trung Quốc. Hồi đó, mục tiêu của ông Tuyển là sẽ mang về Việt Nam một tác phẩm sân khấu thực cảnh tương tự.
Tôi nhớ, lúc đó, vở diễn thực cảnh của Trương Nghệ Mưu cũng dùng toàn bộ e-kip là diễn viên nghiệp dư. Chỉ có duy nhất một nữ nghệ sĩ múa là chuyên nghiệp”, đạo diễn Trần Bình nhớ lại.
Ông cũng bày tỏ quan điểm về tác giả của ý tưởng vở diễn sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam là doanh nhân Đào Hồng Tuyển. Thời điểm năm 2007 – 2008, ông Đào Hồng Tuyển đã lựa chọn Thạch Thất là nơi thực hiện vở diễn thực cảnh đầu tiên. Dự án đang triển khai thì phải dừng lại vì đó là thời điểm sát nhập tỉnh Hà Tây cũ và Hà Nội.
Hình ảnh trong vở diễn Tinh hoa Bắc bộ được công diễn mới đây.
Tuy nhiên, đạo diễn Trần Bình cũng bày tỏ sự đáng tiếc trước những tranh cãi giữa đạo diễn Việt Tú và “chúa đảo Tuần Châu”. “Nghề của chúng tôi đã rất khổ rồi. Vừa phải mưu sinh vừa phải làm nghề lại vừa phải giữ gìn hình ảnh trước công chúng. Chuyện tranh cãi là không nên. Mọi thứ đều có thể ngồi xuống với nhau. Mình sống với khán giả, chứ để 1 ngày mất niềm tin như Khải Silk thì rất sợ. Sân khấu thực cảnh thực ra đã xuất hiện trên thế giới từ lâu. Trương Nghệ Mưu đã làm khủng khiếp như thế nào. Còn ở Việt Nam, chúng ta chưa kịp làm được gì đã ầm ĩ”, ông trải lòng.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho biết, ông chính là tác giả kịch bản đầu tiên của vở diễn sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. Kịch bản này được ông chắp bút từ ý tưởng của ông Đào Hồng Tuyển.
Tác giả tập thơ Thành phố dịu dàng tiết lộ thêm, trong quá trình hoàn thành kịch bản, ông được gặp gỡ với nhiều nghệ sĩ, nhà biên kịch nổi tiếng của Trung Quốc để trao đổi và học hỏi.
Về phía ông Đào Hồng Tuyển, người đứng đầu tập đoàn Tuần Châu luôn khẳng định ông là tác giả đầu tiên có ý tưởng về sân khấu thực cảnh tại Việt Nam. Kế hoạch thực hiện một vở diễn sân khấu thực cảnh được ông đưa ra từ năm 2007. Doanh nhân này cho hay, thời điểm đó ông đã mời nhiều đạo diễn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử uy tín tại Việt Nam sang Trung Quốc để xem các vở diễn thực cảnh của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu.
Năm 2016, doanh nhân này bắt tay cùng đạo diễn Việt Tú để thực hiện vở Thuở ấy xứ Đoài. Tháng 6.2017, vở diễn được ra mắt báo chí một cách rầm rộ, được công diễn 10 buổi. Tuy nhiên, đến tháng 10, vở diễn bất ngờ bị dừng lại mà BTC không hề có thông tin chính thức nào gửi đến báo chí.
Liên tục sau đó, doanh nhân Đào Hồng Tuyển và đạo diễn Việt Tú xảy ra những tranh cãi về việc “ai là tác giả đầu tiên của ý tưởng về vở diễn sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam”.
Hiện nay, tập đoàn Tuần Châu và Công ty Sen vàng vẫn tiếp tục cho ra mắt vở diễn sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, được xem là có nhiều nét tương đồng với vở Thuở ấy xứ Đoài trước đó.
Đào Bích (Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.