Nhạc sĩ viết "Hạt gạo làng ta": Tôi luôn nhớ hình ảnh người nông dân vừa nghe hát, vừa quệt nước mắt

Minh Khiêm - Yến Thanh Thứ sáu, ngày 07/06/2024 07:17 AM (GMT+7)
"Cuộc đời tôi gắn bó sâu đậm với nông dân và nông thôn. Đi về mỗi miền quê, tôi càng thấm thía nỗi vất vả của người nông dân, yêu quý và trân trọng họ" - nhạc sĩ Trần Viết Bính chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Lâu nay, ít người biết nhạc sĩ Trần Viết Bính, tác giả phần nhạc ca khúc Hạt gạo làng ta (thơ Trần Đăng Khoa) ở đâu, làm gì. Bởi, mấy chục năm qua, từ miền Bắc ông chuyển vào sinh sống tại Đồng Nai, lặn lội đi tìm nét đẹp trong văn hóa dân gian ở các vùng quê.

Mới đây, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trần Viết Bính.

Thưa ông, sau sự nổi tiếng của ca khúc Hạt gạo làng ta, dường như ít thấy ông xuất hiện hơn thì phải?

- Thực ra, tôi vẫn sống và làm việc, thậm chí còn làm việc nhiều hơn ấy chứ (cười). Có điều tôi chuyển vào sinh sống tại vùng đất mới từ năm 1981. Từ một người quen sinh sống ở miền Bắc, vào công tác tại Đồng Nai, tôi phải mất thời gian dài thích nghi. Tôi làm Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh Đồng Nai cho đến khi về hưu.

Có người hỏi, tại sao ở miền Bắc công việc tốt thế lại vào Nam? Cũng thú thật là con cái tôi vào trong Nam hết và phận già tôi nghĩ mình phải theo con. Hơn nữa, tôi là người thích khám phá vùng đất mới, văn hóa mới nên việc vào Đồng Nai cũng chính là cách để tôi thỏa mãn được điều đó.

Nhạc sĩ viết "Hạt gạo làng ta": Tôi luôn nhớ hình ảnh người nông dân vừa nghe hát, vừa quệt nước mắt- Ảnh 1.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính. (Ảnh: NVCC)

Bài hát "Hạt gạo làng ta" đã quá nổi tiếng với mỗi người Việt Nam, nó đã đi vào tiềm thức của chúng ta về một thời đạn bom, một thời khói lửa ở nông thôn miền Bắc. Năm 2010, ca khúc lọt vào danh sách 20 bài hát hay nhất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bình chọn. Với cá nhân ông, ca khúc có kỷ niệm nào đặc biệt?

- Tôi phổ nhạc ca khúc Hạt gạo làng ta cách đây 53 năm và cũng phải gần 30 năm sau khi ca khúc ra đời, tôi mới được gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa. Phải nói ca khúc này đã làm nên tên tuổi của tôi và nó là một trong 5 ca khúc mang đến cho tôi Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2016. Những kỷ niệm xung quanh ca khúc này có rất nhiều, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất là sự kiện vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, lúc ấy tôi đang là cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động tỉnh Nam Định với nhiệm vụ phổ biến các bài hát mới cho thiếu nhi.

Để tránh bom nên lớp học của các em phân tán ra nhiều điểm ở trong làng. Có một buổi trưa, đang dạy hát trong một cái miếu giữa cánh đồng làng, tôi thấy bà con nghỉ tay làm đồng đứng xem. Khi các em học sinh hát những câu: "Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy...", tôi thấy có người đã bật khóc. Cả đời tôi không bao giờ quên được hình ảnh những khán giả nông dân chân lấm, tay bùn, vừa nghe hát vừa đưa tay quệt nước mắt.

Ngoài Hạt gạo làng ta, ông còn sáng tác một loạt ca khúc về những người nông dân như: Nông dân Việt Nam (giành giải A cuộc thi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức); Đồng Nai mùa sầu riêng; Hương bưởi... Dường như đề tài này mang lại cho ông rất nhiều cảm hứng sáng tạo?

- Đúng vậy, tôi sinh ra ở quê lúa Thái Bình, phải nói cuộc đời tôi gắn bó sâu đậm với nông dân và nông thôn. Đi về mỗi miền quê, tôi càng thấm thía nỗi vất vả của người nông dân, yêu quý và trân trọng họ. Họ phải "trông trời, trông đất, trông mây" mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Đáng mừng hiện nay cũng có những người nông dân sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đổi mới phương thức sản xuất nên cuộc sống của họ đã khấm khá hơn, đời sống nông thôn đã có nhiều thay đổi.

Tôi sưu tầm dân ca tại các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai cũng như các vùng lân cận hơn 30 năm qua thì thấy cuộc sống không ít người nông dân vẫn vất vả, nghèo khó. Nhưng điều đáng quý là họ vẫn trân trọng, gìn giữ những câu dân ca của cha ông để lại như một báu vật. Điều đó khiến tôi xúc động và mong muốn được đi đến nhiều vùng quê hơn nữa để sưu tầm được dân ca càng nhiều càng tốt. Bởi, có những nghệ nhân hôm nay tôi gặp thì họ vẫn khỏe mạnh nhưng một tháng sau họ đã mất. Rất tiếc nếu các nghệ nhân mang theo đi mà chưa kịp trao truyền lại.

Nhạc sĩ viết "Hạt gạo làng ta": Tôi luôn nhớ hình ảnh người nông dân vừa nghe hát, vừa quệt nước mắt- Ảnh 2.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính với một nghệ nhân người S’tiêng. (Ảnh: NVCC)

Nghe nói, ông làm không công công việc sưu tầm dân ca trong khắp các buôn, làng ở Đồng Nai và những vùng lân cận, trong khi ông và người bạn đời vẫn đang phải thuê trọ?

- Người miền Bắc hay quan niệm: "An cư mới lập nghiệp" còn người miền Nam thì chuyện "an cư" cũng không quan trọng lắm. Có thể tôi sống trọ nhưng cuộc đời tôi lúc nào cũng tươi vui, lạc quan, yêu đời thì còn hơn là ở nhà cao cửa rộng của mình mà buồn tủi, không được làm điều mình muốn. Có người gọi tôi là "bao đồng", tôi cũng chấp nhận cười cho xong, bởi họ không hiểu được mình. Dân ca có ma lực rất lớn với tôi. Tôi làm nghề này cũng vì lời hứa với chính bản thân mình, với sự tin tưởng của GS Tô Ngọc Thanh đáng kính.

Người bạn đời của tôi cũng không hề phàn nàn tôi về việc này. Mỗi lần đi sưu tầm dân ca là bà ấy lại nhắc tôi đi cẩn thận. Thậm chí, với mỗi bài báo viết về tôi là bà ấy tìm đọc bằng được, rồi lưu trữ cẩn thận trong tủ.

Ca khúc "Hạt gạo làng ta" (nhạc: Trần Viết Bính, thơ Trần Đăng Khoa) do Chan La Cà và Đông Hùng thể hiện. (Clip: YouTube Chan La Cà)

Cuộc sống của một nhạc sĩ ở 90 tuổi sẽ thế nào, thưa ông?

- Ơn giời là sức khỏe của tôi vẫn rất tốt. Vào mỗi sáng, tôi thường ngồi cà phê với bạn bè. Tôi vẫn chơi Facebook để kết nối bạn bè 2 miền Nam - Bắc. Chơi Facebook cũng có rất nhiều điều thú vị nhé! Tôi được "gặp" lại rất nhiều bạn bè, học trò trong đội Vàng Anh khi xưa mà tôi là phụ trách (Vàng Anh là đội cộng tác viên ca hát của Đài Tiếng nói Việt Nam do nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhạc sĩ Mộng Lân trực tiếp giao bài, đã từng biểu diễn cho Bác Hồ xem khi Người về thăm Nam Định – PV). Nhờ đó, chúng tôi đã tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ với những thành viên của đội Vàng Anh.

Tuổi 90 như "ngọn đèn dầu sắp cạn", tôi muốn được làm thật nhiều điều cho xã hội. Đời tôi có nhiều may mắn, tôi được gặp Bác Hồ, được hát cho Bác nghe, được chỉ huy dàn nhạc cho Bác xem, rồi có những ca khúc được nhiều người biết đến. Tôi mãn nguyện vì được cống hiến trọn đời cho âm nhạc và cuộc đời.

Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Nhạc sĩ Trần Viết Bính sinh năm 1934 tại Thái Bình. Ông được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1974. Từ năm 1981 khi chuyển vào công tác tại tỉnh Đồng Nai, ông làm Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh Đồng Nai. Ông có công sưu tầm gần 200 bản dân ca của 5 dân tộc thiểu số của tỉnh Đồng Nai (gồm: dân tộc Mạ, Chơ Ro, S'tiêng, Kơ Ho, Chăm Islam). Năm 2017, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem