Vậy nên trong các dịp hội hè, lễ tết, người Chu Ru thường mang nhẫn bạc tặng nhau làm kỷ niệm, như một lời chúc phúc đến người thân, bạn bè. Đặc biệt, với những chàng trai, cô gái trẻ Chu Ru, chiếc nhẫn bạc còn là một tín vật thiêng liêng, biểu trưng cho lời hẹn ước đôi lứa.
Nguyên liệu chính để tạo khuôn đúc nhẫn là loại sáp ong tốt. Thứ nữa, là đất sét và phân trâu. Đầu tiên, nghệ nhân dùng sáp ong nấu chảy, lấy dùi gỗ nhúng vào sáp nóng, để nguội sẽ cho ra một ống sáp tròn. Tùy theo kích thước của ngón tay mà nghệ nhân cắt thành những chiếc khoen tròn lớn nhỏ. Tiếp đến, phần hoa văn trên nhẫn được nghệ nhân vê từ sáp ong, cứ 3 sợi sáp tạo nên một viền hoa văn.
Cuống nhẫn cũng được làm từ sáp, dài khoảng 2cm, bên trên có gắn chiếc phễu bằng lá dứa để rót bạc. Tạo dáng cho nhẫn sáp xong, nghệ nhân đem chúng nhúng đều vào dung dịch phân trâu trộn lẫn với đất sét, rồi đưa đi phơi nắng chừng nửa ngày đến một ngày cho khô hoàn toàn.
Khuôn sáp đã phơi khô đem nung trên than lửa, sáp ong nóng chảy, phần dung dịch phân trâu, đất sét còn lại sẽ tạo thành một khuôn âm bản. Sau đó đem bạc nấu chảy đổ vào khuôn, chiếc nhẫn hình thành và lập tức khuôn nhẫn được nghệ nhân gắp ra cho ngay vào tô nước lã để sẵn.
Chờ lớp phân trâu, đất sét tan hết, nghệ nhân sẽ mang nhẫn bỏ vào nồi nước bồ kết rừng đang đun sôi nấu thêm vài phút. Xong công đoạn này, nghệ nhân còn phải mài rửa, đánh bóng cẩn thận, và đính thêm hạt kơnia màu đỏ tươi hoặc đỏ sậm vào mặt trên của nhẫn dành cho nam; còn nhẫn dành cho nữ, chỉ cần đánh bóng phần hoa văn và bề mặt.
Nguyễn Thành Đồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.