Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định diễn biến tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN
Xung quanh những diễn biến mới từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc đồng Nhân Dân Tệ (NDT) giảm giá mạnh trong thời gian qua, trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.2018 về vấn đề: “NHNN có phá giá tiền đồng trong bối cảnh đồng NDT đã giảm giá mạnh trong thời gian qua nhằm hỗ trợ xuất khẩu hay không?”
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã lên tiếng khẳng định: “NHNN điều hành tỷ giá không vì một mục tiêu duy nhất nào, mà vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều hành tỷ giá phải dựa trên yếu tố cân đối vĩ mô và những diễn biến trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng”.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, việc giá trị của đồng Nhân Dân Tệ (NDT) giảm mạnh trong thời gian qua là diễn biến đáng lưu ý trong điều hành, không chỉ của NHNN Việt Nam mà còn của nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Vì Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia. Vậy nên, trong điều hành tỷ giá, NHNN không chỉ nhìn vào một đồng tiền mà phải quan sát diễn biến của các đồng tiền khác.
Về hoạt động điều hành tỷ giá, từ 1.1.2016, với việc điều hành tỷ giá trung tâm theo cách thức mới là dựa vào diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của ngày hôm trước, diễn biến các đồng tiền có quan hệ đối tác đầu tư thương mại với Việt Nam. Trong đó, đồng Nhân Dân Tệ (CNY) cũng là đồng tiền nằm trong giỏ đồng tiền khi NHNN thực hiện tính toán tỷ giá trung tâm hàng ngày, bảo đảm phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến trên thị trường tiền tệ.
Trong điều hành, NHNN không chỉ điều hành tỷ giá trung tâm, mà còn kết hợp với nhiều giải pháp, công cụ về phía tiền đồng như lãi suất, thanh khoản, chinh sách tài khóa nhằm điều tiết, đạt mục tiêu đề ra.
“Hôm nay, tỷ giá trung tâm của Việt Nam tăng 1,1% so với thời điểm cuối năm 2017. Với biên độ dao động cho phép là 3%, tỷ giá liên ngân hàng hôm nay tăng 2,5% so với cuối năm 2017, đây là diễn biến nằm trong tầm kiểm soát của NHNN, phù hợp với diễn biến của các đồng tiền trên thế giới và trong khu vực”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Xung quanh vấn đề lợi dụng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, hàng hóa Trung Quốc sẽ mượn “mác” Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, phóng viên mới chỉ đặt trường hợp hàng Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để vào Mỹ mà không đặt trường hợp ngược lại là hàng hóa Mỹ mượn xuất xứ Việt Nam vào Trung Quốc.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương cho biết, đã có báo cáo Chính phủ về các phương án đối phó.
Để chuẩn bị, trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá và p dụng đối với thương nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Ngày 3.4, Bộ Công Thương cũng đưa ra Thông tư 05 quy định về xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, Bộ Công Thương đẩy mạnh đấu tranh phòng chống giả mạo xuất xứ hàng hóa tại các địa phương trọng điểm, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng khác để tăng cường kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm.
Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương đã có đề xuất dự báo và đưa ra các báo cáo lên Thủ tướng. Thời gian vừa qua, Bộ này cũng có quyết định thành lập lực lượng liên ngành, trọng tâm là quản lý thị trường trung ương và địa phương để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ để chặn việc lợi dụng xuất xứ của Việt Nam đi các nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.