Khác với các nước công nghiệp phát triển, nông dân chỉ chiếm số ít trong kết cấu dân cư, thì với một nước nông nghiệp như Việt Nam nông dân còn tỷ lệ khá lớn, kinh tế nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng đối với an sinh xã hội và phát triển đất nước.
Nhận thức rõ vai trò, vị trí của nông dân ở một nước nông nghiệp, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã xác định mục tiêu của cuộc cách mạng là đem lại độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho nông dân. Sau khi giành được độc lập dân tộc, với chính sách cải cách ruộng đất, chế độ sở hữu ruộng đất và quan hệ bóc lột địa tô phong kiến bị thủ tiêu, nông dân được làm chủ trên ruộng đồng của mình. Nhưng niềm vui ấy, với nông dân tồn tại không lâu, do chủ quan duy ý chí xóa bỏ các hình thức sở hữu ruộng đất của người tiểu nông, nóng vội trong xây dựng hợp tác xã,… nên động lực lợi ích của nông dân bị triệt tiêu. Tình trạng đình trệ trong sản xuất nông nghiệp, rối ren của xã hội nông thôn vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX là hệ lụy của các biểu hiện chủ quan duy ý chí ấy.
Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu tại Hội thảo Khoa học và thực tiễn "Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới" tại Hà Nội sáng 28.11. Ảnh: Trần Quang
4 mâu thuẫn, thách thức
Có thể khẳng định, đổi mới đất nước bắt đầu khai mở từ khu vực kinh tế nông nghiệp đã giải phóng tiềm năng, sức mạnh của nông dân, nhờ đó đem lại những biến chuyển to lớn của nông nghiệp, nông thôn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bảy khóa X (7-2008) đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”. Khẳng định trên cho thấy, không ai có thể thay thế được vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tính chủ thể phải bao hàm từ địa vị chính trị, vị thế xã hội, vai trò kinh tế, bản sắc văn hóa; không chỉ được ghi nhận về mặt quan điểm, chủ trương, mà phải được thể chế hóa về mặt lập pháp, được thực thi về mặt hành pháp và được bảo vệ về phương diện tư pháp.
Sau 30 năm đổi mới, 28 năm thực hiện chính sách “khoán 10”, nhiều cơ chế, chính sách đã bất cập trước tình hình mới, không những không cho phép phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân mà còn đẩy nông dân trở thành đối tượng yếu thế, bấp bênh, chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường; giai cấp nông dân đang đối diện với những thách thức, nếu không định dạng và nhận thức đầy đủ có nguy cơ đẩy nông dân rơi vào vị thế bất lợi, đánh mất vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Có thể nhận diện những mâu thuẫn, nghịch lý sau đây cần phải được giải quyết cả trong nhận thức, chính sách và tổ chức thực tiễn nhằm phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Một là: Mâu thuẫn giữa tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ của hộ tiểu nông với yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Nếu như trong nền kinh tế thị trường sơ khai các hộ gia đình tiểu nông sản xuất và trao đổi giản đơn thì trong nền kinh tế thị trường hiện đại mọi hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ nông sản đều được tổ chức một cách chuyên nghiệp. Tình trạng được mùa rớt giá, nông dân thường xuyên bị thua thiệt trên thị trường, người nông dân không còn mặn mà với ruộng đất... Nhiều nơi nông dân chỉ sản xuất cầm chừng để giữ đất hoặc cho thuê mướn, chuyển nhượng một cách không chính thức. Do đó, vai trò của nhà nước nhằm khắc phục khuyết tật của thị trường, nhu cầu liên kết giữa những người nông dân thành hiệp hội, yêu cầu phát triển hợp tác xã kiểu mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao… đang trở thành những vấn đề cấp bách đặt ra phải được giải quyết để mở đường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển…
Hai là: Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn với những nghịch lý của bản thân quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nói tới sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, đương nhiên, chủ thể phải là người nông dân. Song, chính quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang xuất hiện không ít nghịch lý cản trở, làm lu mờ vai trò chủ thể của người nông dân. Nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nuôi dưỡng phần lớn từ khu vực nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt là nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản, lao động. Trên thực tế, các chính sách của Nhà nước vẫn thiên về khai thác hơn là bồi đắp, tái tạo, đẩy nguồn lực tự nhiên khu vực nông thôn ngày càng cạn kiệt, sinh lực của nông dân ngày càng bị hao tổn, thiếu khả năng phát triển bền vững. Trong không ít trường hợp, người nông dân bị “gạt ra bên lề” các dự án công nghiệp hóa, đô thị hóa, ít được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế. Địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình CNH - HĐH và đô thị hóa. Đó là tình trạng rừng và khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, vừa làm mất nguồn sống của những cộng đồng dân cư; ô nhiễm môi trường nặng nề; di chuyển dân cư nông thôn - đô thị, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn, thậm chí nhiều thôn làng chủ yếu còn người già và trẻ em; các khối cộng cư, cộng lợi, cộng cảm, cộng mệnh của người nông dân trên mỗi thôn làng đang bị rạn nứt khi chịu sự xâm thực của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa…
Ba là: Nghịch lý giữa yêu cầu phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn với những bất cập của những thiết chế xã hội bảo đảm năng lực chủ thể của nông dân.
Nói nông dân là chủ thể của phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn không hẳn là những cá nhân nhà nông đơn lẻ, mà là hiệp quản trong những thiết chế xã hội đặc thù được họ thiết lập và tham gia một cách tự giác, tự nguyện. Hội Nông dân là một thiết chế xã hội của nông dân, giúp nông dân tăng cường thêm vốn xã hội để thực hiện đầy đủ vai trò chủ thể của phát triển nông nghiệp, xây dưng nông thôn mới trong nền kinh tế thị trường, mà nếu từng hộ tiểu nông đơn lẻ sẽ luôn rơi vào địa vị yếu thế, rủi ro, bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển.
Bất cứ đoàn thể xã hội nào hình thành cũng nhằm liên kết các cá thể đơn lẻ để có thêm sức mạnh và chúng càng quan trọng hơn đối với các nhóm xã hội yếu thế, bởi nhờ nó mà từng thành viên của nhóm có thể chia xẻ, góp thành sức mạnh lớn hơn. Trong nền kinh tế thị trường, khi đối diện với các nguy cơ bị o ép giá cả nông sản, đền bù đất đai, hoặc bị uy hiếp bởi mối đe dọa của ô nhiễm môi trường,… nếu thiếu vai trò của hiệp hội thì không đủ thế và lực đàm phán, thương thảo và đấu tranh bảo vệ quyền lợi trên những vấn đề cụ thể…
Vì vậy, nói phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, không thể không nói đến đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân, để làm tròn thiên chức của nó.
Thứ tư, xây dựng nông thôn mới đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là phát huy vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn con người của nông dân, những hủ tục lạc hậu ở nông thôn tái sinh dưới nhiều hình thức khác nhau. Xây dựng nông thôn thời gian qua có xu hướng tập trung vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, điều đó không sai, nhưng sâu xa phải phát triển được sản xuất, mở mang được văn hóa, đẩy lùi được các hủ tục lạc hậu, không ngừng nâng cao dân trí, tổ chức lại dân cư gắn với cấu trúc lại hệ thống sinh kế bền vững. Đó là một cuộc cách mạng sâu rộng với nông thôn, cần đến tinh thần chủ động, thái độ tự giác, tích cực và bản thân người nông dân với vai trò chủ thể phải được chăm lo phát triển vượt trước gồm cả nếp nghĩ, nếp cảm, cách làm.
Đảm bảo vai trò đại diện của Hội NDVN
Hóa giải các mâu thuẫn, nghịch lý nêu trên là vấn đề mang bản chất tầng sâu của phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Nói tới vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nói tới một thành phần xã hội đóng vai trò chủ đạo, có vị trí trung tâm trong phát triển nông nghiệp – nông thôn, còn các thành phần xã hội khác chỉ là đối tác hoặc vệ tinh. Xác định không đúng vai trò chủ thể của nông dân không những không phản ánh đúng bản chất của quan hệ kinh tế – xã hội nông thôn, mà còn gây nên tình trạng loạn chức năng xã hội trên mỗi địa vực và khu vực kinh tế…
Phát huy vai trò của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất lớn, đụng chạm cả những vấn đề chiều sâu lý luận và thực tiễn phong phú. Rất cần đến vai trò Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách đột phá; vai trò của doanh nghiệp trong tạo lập mô hình chuỗi giá trị mà người nông dân được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng, có tư cách đàm phán và được hưởng lợi xứng đáng đối với giá trị gia tăng mang lại; vai trò của nhà khoa học để hiện đại hóa nông nghiệp, mở mang văn hóa cho nông thôn, ứng dụng thành tựu khoa học vào nông nghiệp để mang giá trị cao hơn; vai trò của hợp tác xã trong tạo ra sức mạnh liên kết giữa các hộ gia đình để ứng phó với bất lợi của thị trường; vai trò của các tổ chức xã hội, trực tiếp là Hội Nông dân, làm bà đỡ cho nông dân phát triển bền vững, chống chịu tốt hơn với các rủi ro, khó khăn, thách thức, cao hơn là làm chủ chính mình, làm chủ các mối quan hệ phức tạp trong kinh tế thị trường… đều cần đến sự tham dự chủ động, tích cực, đầy trách nhiệm của Hội Nông dân và qua đó Hội nông dân cấu trúc lại vị thế, chức năng của mình để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi, nhu cầu của nông dân.
Nói đến vai trò chủ thể của nông dân thì Hội Nông dân là một bộ phận cấu thành, là bộ phận tích cực nhất, năng động nhất, được thể hiện trên nhiều mặt, hiện diện trong tư cách chủ thể mà từng cá thể nông dân hay hộ gia đình không thể đảm đương được. Làm được tất cả những vấn đề đó không chỉ cần đến nguồn lực tài chính, nguồn lực tổ chức, nguồn lực trí tuệ, mà sâu xa là cả lương tâm, trách nhiệm, tình cảm với người nông dân.
Chính vì những lý do trên, tại Hội thảo này, Ban tổ chức đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung phân tích, làm rõ các nhóm vấn đề cơ bản, cốt lõi sau:
Thứ nhất, luận giải, tìm tòi các cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, định dạng, làm rõ trong môi trường, điều kiện chính trị, điều kiện xã hội, điều kiện phát triển của nền nông nghiệp, của xã hội nông thôn hiện nay…
Thứ hai, những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, đặc biệt là các rào cản đối với nông dân cần phải tháo gỡ để giai tầng này thực sự phát huy vai trò chủ thể trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là chúng ta tiến hành tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà xu hướng tất yếu là rút ngắn khoảng cách giữa các lĩnh vực nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ; công nghệ cao được áp dụng ngày càng rộng rãi vào các khâu tạo giống, cải tạo môi trường sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi, sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản; mô hình nông trại thông minh trở thành lựa chọn cho các nhà nông chuyên nghiệp…
Thứ ba, nhận diện, phân tích, đánh giá các mô hình thực tiễn đang vận động về phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: cánh đồng mẫu lớn; xây dựng hợp tác xã kiểu mới; liên kết giữa nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học; chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản cho nông dân; tham dự chính trị của nông dân ở nông thôn; những thành tựu và bất cập của xây dựng nông thôn mới; xây dựng các nhà nông chuyên nghiệp, trang trại thông minh...
Thứ tư, vai trò của các đối tác tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, khi nông dân đóng vai trò chủ thể, đặc biệt là vai trò, vị trí của của doanh nghiệp, của nhà khoa học. Cơ chế, phương thức, mô hình nào để đối tác (doanh nghiệp, nhà khoa học) tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn, mà không dẫn tới hoán đổi địa vị giữa chủ thể và đối tác, không đánh mất quyền làm chủ ruộng đất và nông thôn của người nông dân.
Thứ năm, Hội nông dân được định vị ở đâu, chiều kích nào trong quá trình phát huy vai trò chủ thể của nông dân tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng đi nào cho đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội để thu hút, đoàn kết, tập hợp nông dân phát huy đầy đủ vai trò chủ thể; mối quan hệ ba bên, bốn bên giữa Hội với các nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức kinh tế khác trong phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp xây dựng cơ sở vững chắc cho việc giữ vững và phát huy vai trò chủ thể của của giai cấp nông dân trong tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…Về việc Tổng kết lý luận gắn thực tiễn, đề ra các tiêu chí cụ thể và chỉ đạo xây dựng mẫu hình " người nông dân mới" trong thời kỳ CNH, HĐH với các tiêu chí "nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, quyết tâm mới để có đời sống cao hơn và để xây dựng giai cấp NDVN vững mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới…
* Tựa đề chính và tựa đề phụ trong bài viết do tòa soạn đặt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.