Từ đồng vốn nhỏ...
Ông Thái Văn Tý - Chủ tịch Hội ND xã Khánh Thạnh Tân cho biết, xã có 1.247 hộ hội viên ND thì gần 200 hộ thuộc diện nghèo. Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Dư vì không có đất sản xuất, lại thiếu việc làm nên đã vay 4 triệu đồng của Ngân hàng Phục vụ người nghèo để mua một chiếc ghe nhỏ đi hái dừa nước về bán.
|
Ông Nguyễn Hữu Dư chăm sóc đàn bò mua từ vốn vay Ngân hàng CSXH. |
Năm 2007, anh Dư tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay 15 triệu đồng vốn Chương trình hộ nghèo. Anh mướn 2.000m2 đất trồng lúa với giá 2 triệu đồng/năm và mua 3 con bò để nuôi. Bò đẻ, anh bán bò đực được 19 triệu đồng rồi bán luôn chiếc ghe cũ để mua ghe trọng tải 9 tấn vận chuyển các loại rau màu đi bán dạo trên kinh rạch. Trừ chi phí, mỗi tháng nghề bán rau giúp vợ chồng anh kiếm được vài triệu đồng tiền lãi.
Ngoài ra, vợ chồng anh còn mướn thêm 2.000m2 đất mới trồng dừa để trồng cỏ. “Nhờ chủ động cỏ nuôi bò, những ngày không chở vợ đi bán rau thì tôi đi làm mướn để tăng thu nhập, có tiền nuôi các con ăn học. Cứ đà này, vợ chồng tôi sớm xóa xong nghèo” - anh Dư tự tin nói.
Tại ấp Tích Đức, vợ chồng anh Lữ Thành Trung chỉ có ít đất nên khó xóa nghèo. Tận dụng bờ ruộng nhiều cỏ dại, năm 2007, vợ chồng Trung vay 6 triệu đồng của Ngân hàng CSXH mua một con bò đực. Sau hai năm chăm sóc, anh bán bò được 20 triệu đồng rồi mua tiếp 1 con khác hết 11 triệu đồng...
Tiền chênh lệch mua bán bò cộng với lợi nhuận tích lũy từ trồng 1.000m2 rau màu, năm 2011 vợ chồng Trung đầu tư xây căn nhà vững chắc trị giá trên 60 triệu đồng thay căn nhà lá cũ nát. “Năm 2010, tôi đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã”- anh Trung cho biết.
Giàu lên nhờ cây lác
Nghề trồng lác ở ấp Khánh Thạnh có từ lâu đời. Mùa thu hoạch, thương lái đến mua gom đưa xuống Đồng Tháp, Vĩnh Long... bán cho các làng nghề dệt chiếu. “Những năm lác rớt giá, ND lại thiếu vốn đầu tư chăm sóc nên bà con đã nghèo càng nghèo hơn”- ông Nguyễn Tứ Hải - Tổ trưởng Tổ vay vốn nghề lác Chi hội ND ấp Khánh Thạnh kể.
Nhằm nhân đôi giá trị đồng vốn hỗ trợ hộ trồng lác để xóa nghèo vươn lên làm giàu từ cây lác, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mỏ Cày Bắc ủy thác 200 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm qua Hội ND, cùng Chi hội ND ấp Khánh Thạnh thành lập tổ vay vốn gồm 20 ND canh tác 117ha lác.
Trong 6 chương trình chúng tôi đang thực hiện, cho vay đối với hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất với dư nợ tín dụng đến ngày 30.11.2011 đạt 47,582 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Nguyên - GĐ Phòng Giao dịch Mỏ Cày Bắc
Có vốn, thành viên tổ hợp tác không phải vay “nóng” của cá nhân hoặc mua thiếu vật tư của đại lý, đến khi thu hoạch lác không phải trả lãi cao... Được đầu tư tốt nên năng suất lác đạt 14-15 tấn/ha. “Nhờ giá lác ổn định 13.500 đồng/kg nên mỗi ha lác cho nguồn thu 150 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Đến nay 100% thành viên tổ hợp tác thoát nghèo”-ông Nguyễn Tứ Hải nói.
Hộ ông Huỳnh Văn Giàu canh tác 0,35ha lác, chỉ sau 4 vụ lác và kết hợp chăn nuôi heo, ông xây được ngôi nhà khang trang, sắm đủ tiện nghi sinh hoạt. Ông Ngô Văn Chữ trồng 0,45ha, năm 2011 thu hoạch khoảng 7 tấn sản phẩm bán được gần 100 triệu đồng...
Ông Trần Văn Lắm - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: “Từ hiệu quả đầu tư phục hồi nghề trồng lác và việc Hội ND hướng dẫn hội viên sử dụng vốn, năm 2011, Ngân hàng CSXH tiếp tục ủy thác 200 triệu đồng cho Hội ND xã Phú Mỹ hỗ trợ ND trồng hoa, cây cảnh”.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.