Người đem cây nhãn Thái về đất cù lao
Đã nhiều năm nay, vùng đất Châu Thành được mệnh danh là “vương quốc” của các loại ổi, nhãn, chôm chôm, mãng cầu, mận... Ông Phạm Hữu Hiện (Út Hiện) ở cù lao An Hòa kể: “Lúc trước tôi trồng nhãn tiêu da bò, thu nhập cũng tạm ổn, nhưng từ khi vườn nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, thất thu thì kinh tế gia đình lâm vào khó khăn.
Lúc đó, tôi được biết có giống nhãn Ido du nhập từ Thái Lan vào Việt Nam từ những năm 1990. Nghe nói giống nhãn này không thể ra hoa tự nhiên trong điều kiện thời tiết nhiệt đới như ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng bù lại nó có ưu điểm hơn so các loại nhãn ở địa phương là ít sâu bệnh, năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp, quả có cơm dày, thơm, ngọt lịm, dự đoán sẽ là giống nhãn rất có giá. Tôi tự hỏi tại sao mình không đem nhãn Ido về Đồng Tháp trồng thử xem thế nào?”.
Năm 1997, thông qua Công ty Awaming, ông Út Hiện mạnh dạn nhập giống nhãn Thái đưa về trồng thử trên đất cù lao An Hòa. “Có lẽ tôi có duyên nợ với loài cây này nên dù biết trước khả năng thất bại, rủi ro là rất cao nhưng tôi vẫn quyết tâm trồng. Ngày đêm tôi mày mò học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc từ các nhà khoa học, nhà vườn, rồi qua báo đài, mạng internet, rút kinh nghiệm thất bại của những người đi trước để từng bước thuần hóa, lai tạo giống nhãn Ido... với khát khao giống nhãn có nhiều ưu điểm này sẽ thích nghi trên mảnh đất Châu Thành” – ông Hiện tâm sự.
Và giống nhãn mới cũng không phụ công người, chỉ sau 3 năm trồng, ông Út Hiện đã xử lý thành công loài nhãn “khó tính” này ra hoa, đậu trái. Những trái nhãn Ido bóng bẩy, ngon ngọt, cơm dày đã giúp Út Hiện “rinh” ngay giải nhì Hội thi trái ngon đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 4 (năm 2000).
Từ một ít cây trồng thử nghiệm trong vườn nhà, đến nay ông Út Hiện đã thay thế toàn bộ 3ha nhãn da bò trước đây bằng nhãn Thái. Không những thế, giống nhãn trên còn được nhân ra khắp vùng cù lao An Hòa, phủ xanh miền đất này và đem lại thu nhập khá cho nhiều bà con trồng nhãn.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp) đánh giá: nhãn Thái là giống dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhãn Thái có ưu điểm là ít bị bệnh chổi rồng, nếu tỷ lệ mắc ở nhãn da bò đến hơn 90% thì nhãn Thái chỉ từ 5 - 10%. Vì vậy, đây là giống nhãn lý tưởng để bà con có thể thay thế dần các giống nhãn đang bị thoái hóa, có phẩm cấp thấp và dễ nhiễm bệnh tại địa phương.
Thấy tôi tò mò, không hiểu vì sao một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn mà có thể “bắt” một giống nhãn có gốc gác nước Thái về sinh sống và phát triển mạnh tại đất Châu Thành, ông Út Hiện vui vẻ nói: “Nhiều người thất bại ở giai đoạn xử lý ra hoa. Tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những vụ đầu cây ra hoa ít, sau đó tỷ lệ tăng dần, bây giờ cây ra hoa tới 70 - 80% trở lên.
Vì cây phát triển khỏe, tốc độ ra cành lá nhanh nên cần đầu tư chăm sóc nhiều trong cả quá trình sinh trưởng của cây, như bón phân đúng mức, xử lý kali đủ liều để cây đủ sức nuôi dưỡng trái. Làm vậy cây mới cho năng suất cao, trái đẹp, bán được giá cao nhất. Nếu cây đậu trái nhiều mà trái nhỏ, màu sắc không chuẩn thì thương lái cũng không chuộng hàng”.
Để vườn nhãn phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng như tiến tới chinh phục các thị trường nước ngoài khắt khe về việc truy nguyên nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, ông Út Hiện đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và tiến hành xây dựng thương hiệu “Nhãn Út Hiện”. Sản phẩm nhãn sau thu hoạch được gắn logo, có đầu ra ổn định, cứ đến ngày thu hoạch là thương lái đến tận vườn mua hàng.
Ngoài nguồn thu nhập cao từ trái nhãn Ido, Út Hiện còn chiết cây giống để cung cấp cho bà con trong và ngoài tỉnh, giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/cây. Mấy năm nay, vườn nhãn 3ha của ông đã cho thu hoạch ổn định, sản lượng bình quân khoảng 20 – 30 tấn/ha, giá bán tại vườn từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, Út Hiện lãi không dưới 500 triệu đồng.
Ông chủ tổ hợp tác tiêu thụ nhãn
Năm 2010, tổ hợp tác tiêu thụ nhãn An Hòa được thành lập, do chính ông Út Hiện làm tổ trưởng. Hầu hết vườn nhãn của các tổ viên đều được ông cung cấp giống, đến nay sản lượng nhãn bình quân của tổ đạt khoảng 300 tấn/năm. Thấy tổ hợp tác làm ăn ngày càng có lãi, đặc biệt là giống nhãn Út Hiện cho năng suất ổn định, ngon và dễ bán nên nhiều nông dân đã mạnh dạn xin vào tổ hợp tác.
Chia sẻ về điều này, ông Út Hiện cho biết: “Chúng tôi sẽ vận động bà con trong khu vực chuyển sang trồng giống nhãn Thái để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, bởi thực tế cho thấy nguồn cung luôn không đủ cầu”. Với thông điệp sản xuất ra những sản phẩm an toàn để phát triển bền vững trong thời buổi hội nhập, đến nay tổ hợp tác tiêu thụ nhãn An Hòa đã thực hiện quy trình sản xuất khép kín, từ khâu xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu mua đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Không chỉ gói gọn trong huyện, địa bàn hoạt động của tổ còn mở rộng dần ra các tỉnh lân cận với nhiều điểm sản xuất vệ tinh.
Mỗi năm, tổ hợp tác xuất từ 200 - 300 tấn nhãn dán logo Út Hiện đi thị trường TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Trung Quốc với mức giá cao hơn nhiều so với các giống nhãn địa phương, từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Ngoài ra, hàng ngày tổ hợp tác còn cung cấp đều đặn 500kg nhãn Ido cho siêu thị Saigon Co.opmart với giá bình quân 30.000 đồng/kg.
So với các giống khác, nhãn Út Hiện có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là cho trái quanh năm và nhà vườn có thể chủ động kích thích cho ra trái nghịch vụ để tránh “dội hàng, dội chợ”. Để sản phẩm thu được lợi nhuận cao, tổ hợp tác đã xây dựng kế hoạch sản xuất nghịch thời điểm với vụ nhãn ở phía Bắc và Trung Quốc. Vì thế, khi các vườn nhãn phía Bắc hết hàng (khoảng rằm tháng 8 âm lịch) là tới thời điểm nhãn Út Hiện tung sản phẩm ra thị trường, cho đến tận tháng 5 âm lịch năm sau. Hiện, vườn nhãn 30ha của tổ hợp tác đang giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp cho biết, giống nhãn Ido đã xuất hiện khá nhiều ở các chợ lẻ, siêu thị và cũng thật tự hào là những trái nhãn Ido đã và đang xuất khẩu ngược trở lại Thái Lan - cội nguồn của nó.
Tổ hợp tác tiêu thụ nhãn An Hòa cũng là nơi đầu tiên được chọn làm thí điểm sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn GlobalGAP của huyện Châu Thành. “Thương hiệu nhãn Út Hiện ngày càng được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng, đó là thuận lợi lớn, cũng là niềm tự hào của chúng tôi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất và tìm kiếm thêm thị trường mới, điều quan trọng nhất là làm thế nào để sản phẩm có thương hiệu, đạt chất lượng cao” - ông Út Hiện chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.