Tranh "Thần kê ngũ sắc".
Những giá trị của dòng tranh dân gian Kim Hoàng
Lấy đề tài từ cuộc sống làng quê giản dị, với hình ảnh của hội làng, con trâu, con lợn, con gà, ruộng lúa, luống rau,… chứa đựng trong đó ước vọng về cuộc sống may mắn, hạnh phúc, no đủ, tranh dân gian Kim Hoàng đã có một thời là món ăn tinh thần của người dân xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức – Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ XVIII. Theo sách Đồ Họa cổ Việt Nam, dân làng này di cư từ Thanh Hóa ra Bắc năm 1701 gồm 02 làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Nhận thấy tranh Đông Hồ chỉ đủ cung ứng cho mạn Hà Bắc, Hải Dương, Nam Định. Tranh Hàng Trống chỉ đủ cho Hà Nội và không thích ứng lắm với nông dân cả về thẩm mỹ và túi tiến, họ quyết tâm tạo ra dòng tranh mới kết hợp cả hai kỹ thuật Đông Hồ và Hàng Trống. Hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế đi dầu trong việc tổ chức vẽ và in tranh. Từ rằm tháng 11 âm lịch, làng bắt đầu làm tranh. Đầu tiên cúng tổ nghề sau đó ván in được trưởng phường giao cho dân làng in, in xong lại giao nộp lại cho trưởng phường.
Tranh Lợn.
Năm 1915, nạn lụt lớn đã cuốn trôi rất nhiều ván in, tiếp theo là mất mùa, đói kém, dòng tranh này suy thoái đến năm 1945 thì mất hẳn. Hiện chỉ còn vài tranh như “Đức Lưu Quang”, “Phúc Mãn Đường”, ‘Gà”, “Lợn” (hai tranh sau này còn ván in lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Một số tranh khác in trong tài liệu xuất bản của người Pháp. Tranh Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó.
Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc lại tương như tranh Hàng Trống. Chính vì thế dòng tranh này mang những giá trị riêng. Ngoài ra tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt, là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh. Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên còn gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng in ra từ một bản khắc. Đây là điểm ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.
"Đấu vật".
Không may mắn như Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề, những bức tranh và bản khắc còn lại là báu vật của các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài. Điều này cho thấy việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng dòng tranh dân gian Kim Hoàng đặc sắc này là vô cùng khó khăn nhưng rất cần thiết để giữ gìn các giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Đưa nghệ thuật truyền thống tới gần với các em thiếu nhi
Nhằm góp phần đưa nghệ thuật truyền thống tới gần với các em nhỏ, Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam phối hợp với làng nghề tranh dân gian Kim Hoàng và các đơn vị tổ chức chương trình “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh dân gian Kim Hoàng” tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội trong các ngày cuối tuần từ 15 – 17.6.
Đến với chương trình, khán giả được tham quan triển lãm các tác phẩm tranh dân gian Kim Hoàng đã được phục dựng theo mẫu cổ và xem các nghệ nhân dân gian làng Kim Hoàng trình diễn kỹ thuật in và vẽ tranh.
Nghệ nhân dân gian làng Kim Hoàng trình diễn và hướng dẫn các bạn nhỏ kỹ thuật in và vẽ tranh.
Trong khuôn khổ triển lãm còn trình chiếu các nội dung giới thiệu về lịch sử, nghệ thuật, kỹ thuật của dòng tranh dân gian độc đáo này: các bản khắc, bản ảnh, tranh dân gian Kim Hoàng. Cùng với đó, một cuộc thi mang tên “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng” đã chính thức được phát động.
Đặc biệt, sự kiện “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh dân gian Kim Hoàng” là một chuỗi các hoạt động trải nghiệm dành cho thanh thiếu niên, như in tranh, trải nghiệm vẽ tranh cùng với nghệ nhân Kim Hoàng và các giảng viên, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động tô tranh dân gian Kim Hoàng, vẽ trên quạt giấy, vẽ trên túi giấy, vẽ mặt nạ truyền thống... thu hút rất đông đảo du khách, đặc biệt là các bạn nhỏ.
PGS Lê Anh Vân khẳng định: Với chủ đề khám phá tranh dân gian Kim Hoàng thì đây là một ý tưởng rất tốt bởi vì trong các dòng tranh nghệ thuật dân gian của chúng ta có rất nhiều dòng tranh đẹp. Cùng với dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống thì có một dòng tranh ở chính Hà Nội (Hà Tây cũ) là tranh dân gian Kim Hoàng.
Các em nhỏ rất hào hứng tham gia tô vẽ tranh dân gian Kim Hoàng.
Với một vẻ đẹp đặc biệt của nó không giống như Đông Hồ, Hàng Trống nhưng nó kế thừa một số tinh thần của Hàng Trống và Đông Hồ. Dòng tranh Đông Hồ sử dụng nét thô, mộc, khỏe và trên nền Điệp; tranh Hàng Trống thì tinh, kỹ càng còn tranh dân gian Kim Hoàng vẫn có vẻ đẹp mộc mạc, vẫn có những nét tinh tế, những nét khắc rất tinh tế nhưng họ chỉ in một bản rồi họ tô. Và với cách nhìn của dân gian thì họ có cách khác với hiện thực mà người ta vẫn thấy. Từ cái thực mới đi vào trong trí tưởng tượng của người ta, nó thổi ra một tinh thần khác và đấy cũng chính là cái giúp cho các em thiếu nhi nhìn vào đấy và thấy được, cảm thụ được cái đẹp. Đây có lẽ cũng là ý tưởng mà những người thực hiện chương trình này muốn đem đến cho các cháu thiếu nhi cảm thụ cái đẹp của thế hệ trước và phát huy được nó. Từ nét đẹp dân gian ấy sẽ làm cho tinh thần nghệ thuật của chúng ta còn sống mãi và tôi cho rằng đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa làm cho vốn truyền thống của chúng ta sẽ còn sống mãi và tiếp nối vào thế hệ tương lai.
Anh Vũ (Tổ Quốc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.