Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình hiện đại quá non nớt, yếu ớt

Diệu Linh Thứ ba, ngày 28/06/2022 08:21 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định, vấn đề lớn nhất của gia đình hiện nay chính là xung đột giữa mới và cũ, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn về lối sống, tư tưởng và tình cảm.
Bình luận 0

Theo ông, vấn đề lớn nhất của gia đình hiện nay là gi?

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: Theo quan điểm cá nhân tôi, gia đình hiện đại đang sống ở giữa sự giao thoa giữa cũ và mới, lối sống mới và tư tưởng cũ nhiều khi chưa tìm được tiếng nói chung, làm nảy sinh nhiều xung đột.

Ví dụ như quan niệm trọng nam khinh nữ đã có nhiều thay đổi, không ít gia đình coi việc sinh con trai cũng như con gái, yêu thương và tạo điều kiện ăn học như nhau. Tuy nhiên lạ ít nam giới muốn ở rể, vẫn luôn mặc cảm "chó chui gầm chạn".

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình hiện đại quá non nớt, yếu ớt - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: Vấn đề lớn nhất của gia đình hiện nay là xung đột giữa cũ và mới. Ảnh NVCC

Tại sao nam nữ bình đẳng mà nữ đi làm dâu được mà nam lại không ở rể được? Nếu gia đình đẻ 2 con gái đều phải đi làm dâu hết chỉ còn 2 ông bà ở nhà rộng thênh thang, nhưng lại có gia đình đẻ 3 con trai vẫn phải rước đủ 3 dâu về sống chung, chật chội, bức bối, cãi cọ tưng bừng là không tránh khỏi.

Hay nam nữ bình đẳng, vợ chồng đều đi làm, phấn đấu kiếm sống như nhau nhưng nhiều anh vẫn nặng tư tưởng "dạy vợ", nếu nói chưa thỏa thì dùng nắm tay. Cho dù cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều nhưng vấn nạn bạo lực gia đình vẫn khá phổ biến mà người vợ bị đánh là đa số.

Như vậy rõ ràng, kinh tế thay đổi kéo theo nhiều sự thay đổi về lối sống và tư tưởng "bề nổi" cho bằng chị bằng em, nhưng ăn sâu, bén rễ bên trong các tàn dư tư tưởng cũ vẫn chưa kịp thay đổi, làm nảy sinh nhiều xung đột, khiến cho nhiều gia đình bằng mặt không bằng lòng…

Vậy theo ông, mô hình gia đình truyền thống hay gia đình hạt nhân sẽ phù hợp với cuộc sống hiện đại?

- Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng gia đình truyền thống (tam, tứ đại đồng đường) không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại. Ngày xưa, gia đình truyền thống tồn tại êm đẹp là vì cả gia đình đều làm nông, thức dậy 1 giờ, ăn 1 món, làm 1 việc, ngủ 1 lúc… không hề có sự khác biệt, khoảng cách. Cả nhà đều đồng lòng gây dựng cho cuộc sống chung.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình hiện đại quá non nớt, yếu ớt - Ảnh 2.

Cần phải giáo dục kiến thức gia đình cho giới trẻ để bước vào hôn nhân không "trắng tay" (Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa đang tư vấn trực tiếp cho khách hàng. Ảnh NVCC)

Còn ngày nay mỗi người 1 nghề, giờ giấc đi làm, sinh hoạt khác biệt, chưa kể kẻ thu nhập 5 triệu/tháng người 30 triệu/tháng thì làm sao có thể ngồi chung mâm ăn chung món. Ti vi còn có hàng trăm kênh, mỗi người thích 1 kiểu. Nếu sống chung chắc chắn tạo chỗ cho sự mâu thuẫn.

Tôi đã thăm dò nhiều thanh niên thì họ đều khẳng định không thích sống với "gia đình tập thể" thức cùng giờ, ăn cùng món, xem cùng 1 kênh được.

Tuy nhiên, gia đình truyền thống có cái hay là trẻ em được dạy dỗ tốt, gắn kết tình cảm gia đình tốt hơn, vợ chồng trẻ có mâu thuẫn cũng không dám "xưng cùi xưng cục" vì còn nể ông bà, bố mẹ, hoặc có cãi vã thì người già cũng giúp hòa giải, hướng dẫn.

Còn gia đình hạt nhân có hai vợ chồng trẻ, vừa thoát khỏi bố mẹ hầu như kỹ năng làm việc nhà rất kém, không có khả năng tự chăm sóc bản thân chứ đừng nói chăm sóc người khác. Vậy là gia đình sẽ thiếu ngăn nắp, cơm không lành canh không ngọt từ nghĩa đen sang nghĩa bóng.

Khi vợ chồng trẻ cãi nhau do sống riêng cũng dễ có các hành xử thái quá mà không có người can gián, mâu thuẫn dễ bùng nổ, dẫn đến các cuộc ly hôn xanh ngày càng nhiều hiện nay.

Nghe chuyên gia phân tích xem chừng truyền thống không được mà hạt nhân cũng chẳng xong. Vậy gia đình hiện đại cần mô hình gì để vững bền, ổn định hơn?

-Chúng ta đừng nhìn thấy sự lung lay, lỏng lẻo của gia đình hạt nhân mà tỏ ra bi quan, chán nản, cho rằng đạo đức sa sút dẫn đến gia đình thiếu kết nối, nhiều mâu thuẫn, xung đột, nhiều ngoại tình, bạo lực…

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình hiện đại quá non nớt, yếu ớt - Ảnh 3.

Gia đình hiện đại đang tồn tại rất nhiều vấn đề nóng như ngoại tình, bạo lực gia đình, ly hôn, khó khăn nuôi dạy con... Ảnh minh họa

Chúng ta phải thấy rằng, mô hình gia đình truyền thống có sự ổn định và bền vững như thời gian trước là đã trải qua "tôi luyện" của nhiều thế kỷ. Cha ông ta đã đúc kết ra nhiều bài học về ứng xử trong gia đình truyền thống, trở thành văn hóa, lối sống, bản năng và được "truyền đời" cho con cháu từ đời này qua đời khác.

Còn gia đình hạt nhân rõ ràng là mới rất ít tuổi, chỉ vài chục năm gần đây. Do "non trẻ" nên chúng chưa thể hình thành được văn hóa ứng xử, hành động cho phù hợp nên nảy sinh nhiều xung đột, mong manh dễ vỡ. Những gia đình bạo lực, ly hôn, ngoại tình… gây tổn thương sâu sắc cho các thành viên trong gia đình mà nặng nề nhất thường là những đứa trẻ.

Nhìn sang Tây thì mô hình gia đình hạt nhân của họ lâu dài hơn ta nên văn hóa ứng xử của họ trong hôn nhân cũng văn minh hơn nhiều. Nếu đã kết hôn họ chia sẻ việc nhà, thu nhập, chăm sóc con cái công bằng… Nếu họ không yêu nhau nữa thì ly hôn trong hòa bình, chia tay vẫn là bạn bè và có trách nhiệm chăm sóc con cái chu đáo…

Gia đình là tế bào của xã hội nhưng có thể nhận thấy các tế bào hiện đang "ốm yếu" quá. Vậy làm thế nào để gia đình khỏe hơn?

- Đó là vấn đề không giải quyết được ngày 1 ngày 2. Như tôi đã nói, gia đình hạt nhân cần thời gian để trưởng thành và thích ứng. Đừng vì thấy quá nhiều vấn đề gia đình như ngoại tình, ly hôn, bạo lực, khó khăn nuôi dạy con, chán chẳng muốn kết hôn…mà bi quan hoảng hốt. Đó là vì gia đình hạt nhân chưa thích ứng được với thời cuộc

Để làm gia đình khỏe hơn cần môi trường xã hội thuận lợi, cần được giáo dục kiến thức về gia đình, cần xây dựng dư luận xã hội đúng đắn, thích nghi mà không mâu thuẫn giữa cũ và mới…

Đáng tiếc hiện nay chúng ta chỉ lo giáo dục toán, lý hóa, anh, văn, sử địa cốt ra trường kiếm tiền mà quên giáo dục về gia đình. Trong khi hầu hết mọi người từ lúc sinh ra đến lúc chết đều gắn bó với gia đình nhưng họ lại không được giáo dục làm thế nào để đối xử với cha mẹ, với vợ (chồng), con cái, thậm chí làm thế nào để có được 1 gia đình hạnh phúc đều không biết…

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình hiện đại quá non nớt, yếu ớt - Ảnh 4.

Chúng ta miệt mài học mọi thứ nhưng hôn nhân, gia đình lại không thèm học. Ảnh minh họa

Gia đình cần nhiều kỹ năng nhưng chúng ta lại đang cư xử với gia đình theo bản năng,,, Chính "bản năng" đó khiến cho việc cư xử với nhau nhiều khi tùy tiện, gây tổn thương, xung đột…

Tôi thấy rằng, gia đình chính là một tổ chức xã hội thu nhỏ phức tạp nhất. Mọi tổ chức khác mọi người cùng 1 nghề, được giao nhiệm vụ rõ ràng, có trách nhiệm, quyền lợi ràng buộc. Còn gia đình mọi lứa tuổi, đa dạng nghề nghiệp, học vấn, trách nhiệm, việc nhà nhiều nhưng lại không được coi trọng, không được trả lương… Tổ chức như vậy vô cùng khó quản lý.

Vì thế, tôi cho rằng hơn bao giờ hết chúng ta cần giáo dục kiến thức về gia đình cho giới trẻ và cả giới đang sắp già nữa. Có như vậy, chúng ta mới tìm ra được 1 cách ứng xử với gia đình hạt nhân có văn hóa, có tình, có lý hơn…

Đáng tiếc, tôi cũng đã tham gia giảng dạy cho nhiều lớp về hôn nhân, gia đình nhưng rất ít người đi học hoặc nghiêm túc tham gia. Chúng ta vẫn đang ứng xử với hôn nhân, gia đình rất bản năng và đặt nhẹ chúng dưới các nhu cầu các, cho dù gia đình lại là điều quan trọng nhất và "ở" với chúng ta lâu dài nhất

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực ra để hôn nhân bền vững, cái mà người ta cần là dành thời gian cho nhau.

Theo tính toán, trừ thời gian ăn ngủ, ta có trung bình 110 giờ mỗi tuần cho moi hoạt động. Vậy để ra 15 giờ dành cho hạnh phúc đâu phải là quá nhiều. Món quà tặng quý nhất thời 4.0 không chỉ là vật chất mà là dành thời gian cho nhau.

Có những lúc cùng nhau đi dạo hay ngồi trò chuyện với nhau, dạy bảo con cái thì gia đình mới hạnh phúc bền vững được. Không ít gia đình trẻ lấy con cái làm trung tâm. Dù vất vả khó khăn nai lung ra làm việc cũng tạo điều kiện cho con được sống đủ đầy và vào học những trường tốt nhất.

Chính vì thế họ gần như "bỏ quên" người bạn đời tạo kẻ hở cho kẻ thứ ba xen vào khiến gia đình rạn vỡ. Biết đâu rằng điều mà con cái cần nhất ở cha mẹ là gì? Đó là họ đừng ly hôn và giữ cho tổ ấm gia đình luôn hạnh phúc và bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem