Nhận rõ bản chất, đấu tranh với cái gọi là "cách mạng màu" ở Việt Nam

Mộc Hằng Thứ tư, ngày 04/10/2023 10:51 AM (GMT+7)
Vụ việc ở Đắk Lắk và một số vụ việc khác có bản chất "cách mạng màu". Điểm chung của thủ đoạn "cách mạng màu" là nhen nhóm lên những bất mãn, những đốm lửa phá hoại để kích động, gây bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cần nhận thức rõ bản chất, thủ đoạn của "cách mạng" màu để phòng ngừa, đấu tranh, xoá bỏ.
Bình luận 0

"Cách mạng màu" (colour revolution) là khái niệm dùng để chỉ các phong trào biểu tình quần chúng, các cuộc chính biến tại một số quốc gia thuộc Liên Xô (trước kia), Đông Âu, khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong thập niên cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Điểm chung của thủ đoạn "cách mạng màu" là nhen nhóm lên những bất mãn, những đốm lửa phá hoại để tổ chức kích động, bạo loạn; thế lực bên ngoài đóng vai trò "đạo diễn", lực lượng bên trong giữ vai trò "thực thi". Ở một số nơi diễn ra "cách mạng màu", Chính phủ thân phương Tây được hứa hẹn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân, nhưng thực chất là sự bất ổn, bạo động và mất kiểm soát; đời sống người dân rơi vào tình thế ly tán, bạo loạn, chiến tranh xảy ra...

Nhận rõ bản chất, đấu tranh với cái gọi là "cách mạng màu" ở Việt Nam - Ảnh 1.

Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vụ việc ở Đắk Lắk

Bản chất cách mạng là lật đổ chế độ cũ lỗi thời, xây dựng chế độ mới tiến bộ hơn. Nhưng ở đây các thế lực của "Cách mạng màu" đánh tráo khái niệm khi lẫn lộn giữa cách mạng xã hội với cái gọi là "cách mạng màu", nhằm tác động để làm phức tạp các vấn đề trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như vấn đề tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, vấn đề tham nhũng, hiện tượng tiêu cực, mâu thuẫn cục bộ, hành động biểu tình, gây bạo loạn chính trị rồi dẫn đến hành động biểu tình chiếm chính quyền. Điều này có thể thấy rõ là hoàn toàn không phải là cách mạng mà là phản cách mạng, cản trở sự phát triển lịch sử, tiến bộ xã hội.

Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch, bọn phản động tiếp tục thực hiện chiến lược "Diễn biến hoà bình", tạo ra những nguy cơ "Cách mạng màu". Đặc biệt từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch gia tăng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng thâm độc, quy mô lớn, tác động tiêu cực đến đời sống an ninh xã hội. Mục tiêu của chúng là xây dựng lực lượng, nhân tố và điều kiện và tạo ra thời cơ để tiến hành cách mạng màu gây bạo loạn, xúi giục nhân dân biểu tình, kích động chống đối chính quyền, tìm mọi cách lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và sự lãnh đạo của Đảng. Điển hình như các cuộc biểu tình phản đối Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình năm 2016, 2017; biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo Luật về Đặc khu tại Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM năm 2018 và những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự mang bóng dáng của "bất bạo động".

Nhận rõ bản chất, đấu tranh với cái gọi là "cách mạng màu" ở Việt Nam - Ảnh 2.

Trụ sở UBND xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị các đối tượng khủng bố đốt phá 

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các thế lực thù địch vẫn triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động ly khai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Các luận điệu xảo trá mà chúng tuyên truyền là "đất Tây Nguyên là của người Thượng", kích động người dân tộc thiểu số "đuổi người Kinh về đồng bằng" vì "người Kinh cướp đất của đồng bào trên chính quê hương của mình"… 

Với thủ đoạn mưa dầm thấm lâu, các luận điệu xảo trá này đã gây ra mơ hồ, ngộ nhận trong một bộ phận đồng bào DTTS và sự "ủng hộ" trong dư luận quốc tế và trong nước để lừa bịp, lôi kéo sự nhẹ dạ, cả tin của quần chúng. Đặc biệt, vụ việc xảy ra tại xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023 vừa qua gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự tại địa phương, và kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội, nhất là tư tưởng của một bộ phận đồng bào DTTS bị lung lay, mất niềm tin vào chính quyền cơ sở.

Nhận rõ bản chất, đấu tranh với cái gọi là "cách mạng màu" ở Việt Nam - Ảnh 3.

Các đối tượng khủng bố ở Đắk Lắk bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Vì vậy, để phòng ngừa "Cách mạng màu" xảy ra tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, mỗi người dân chúng ta hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không nghe, không tin, không theo các đối tượng phản động và các thế lực thù địch mua chuộc, xúi giục, kích động biểu tình chống đối chính quyền. Từ đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phá hoại, chung tay bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Đồng thời, tiếp tục tin tưởng với sự đoàn kết thống nhất, niềm tin, ý chí quyết tâm và nỗ lực phấn đấu của cả dân tộc, nhất định đất nước chúng ta sẽ thành công trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem