Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả (bài 1): Nuôi cá lồng, dân vùng lòng hồ sông Đà khấm khá
Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả (bài 1): Nuôi cá lồng, dân vùng lòng hồ sông Đà khấm khá
Hà Hoàng
Thứ bảy, ngày 19/09/2020 13:38 PM (GMT+7)
Trong 4 năm qua, đã có hơn 13.513 dự án giảm nghèo được triển khai với 1.502 nghìn lượt hộ gia đình được hỗ trợ. Nhiều người nghèo, hộ nghèo đã được tiếp cận với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn.
Nhiều hộ dân ở xã Mường Trai (Mường La, Sơn La) đã có cuộc sống khá giả, sung túc và ấm no nhờ mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La. Mô hình nuôi cá lồng này đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều hộ bà con dân tộc thiểu số sinh sống ven lòng hồ sông Đà.
Mường Trai là xã vùng cao của huyện Mường La, những năm trước đời sống người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, khoai, sắn là chủ yếu. Do vậy, đa phần các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp. Từ khi thủy điện Sơn La tích nước, nghề nuôi cá lồng bắt đầu được bà con quan tâm phát triển.
Với nghề nuôi cá lồng thương phẩm, mỗi năm đã đem lại cho bà con nguồn thu từ 100 – 400 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống người dân lòng hồ ở xã Mường Trai đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều nông hộ từ chỗ hoàn cảnh khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc nay đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Lường Văn Thủy, bản Bó Ban (xã Mường Trai, huyện Mường La) bộc bạch: "Trước kia thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn. Năm nào mưa thuận gió hòa thì được mùa, còn hạn hán thì mọi công sức đều đổ xuống sông xuống biển hết.
Đặc biệt, mấy năm trở lại đây giá ngô trên thị trường liên tục xuống đáy, vốn liếng của gia đình bỏ ra đầu tư thì nhiều nhưng bán toàn lỗ. Gia đình tôi phải nợ tiền phân bón chồng chất, nói chung làm nương rẫy vất vả nhưng thu nhập toàn âm, kinh tế gia đình rất khó khăn.
Nhờ có chương trình hỗ trợ hộ nghèo của huyện về phát triển nghề nuôi cá lồng ở lòng hồ sông Đà, gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng mua vật liệu về làm lồng nuôi cá rô phi, trắm cỏ, cá chép. Sau 1 thời gian nuôi, tôi thấy đàn cá phát triển rất tốt chi phí đầu tư thấp, nên tôi tìm cách tăng số lượng lồng cá lên để nâng cao nguồn thu nhập".
Nghĩ là làm, anh Thủy vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng mua thùng phi, lưới, khung sắt... về làm 8 lồng thả các loại cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu mới chuyển sang nghề nuôi cá, vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cá nên số lượng cá trong lồng của anh còi cọc rất nhiều, có thời điểm còn bị chết hàng loạt.
Không khuất phục trước khó khăn, thách thức, anh Thủy vay tiền anh em họ hàng tiếp tục mua con giống về nuôi. Để có kinh nghiệm chăm sóc cá, anh lên mạng internet tìm đọc các bài báo viết về kỹ thuật nuôi cá và tập tính của loại cá nuôi trong ao hồ.
Ngoài ra, anh còn khăn gói đi tìm hiểu các mô hình nuôi cá lồng ở huyện Cao Phong (Hòa Bình). Anh Thủy tự tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm và áp dụng vào lồng cá của mình, nhờ vậy mà đàn cá của ông ngày càng phát triển khỏe mạnh, không hay bị dịch bệnh.
Tận dụng lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, UBND huyện Mường La (Sơn La) phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Sơn La tổ chức nhiều lớp tập huấn (mỗi năm tổ chức 1 lớp) với 30 học viên/lớp.
Các học viên chủ yếu là nông dân, hợp tác xã vùng lòng hồ thủy điện như: Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao, Pi Toong, Nậm Giôn, Tạ Bú, thị trấn Ít Ong, Chiềng San tham gia công tác tập huấn tuyên truyền chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng trên lòng hồ phát triển kinh tế.
Với nhiều lợi thế và tiềm năng, nhiều hộ dân trên lòng hồ sông Đà ở xã Mường Trai đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nuôi cá lồng phát triển kinh tế, như: chép, trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, lăng, trôi... Nhờ chuyển sang nuôi cá lồng, cuộc sống kinh tế của các hộ gia đình ven lòng hồ sông Đà ngày càng dư giả và sung túc.
Ông Lò Văn Bân là một trong những nông hộ nuôi cá lồng ở (xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) tâm sự: "Trước thu nhập của gia đình phụ thuộc vào nương rẫy, thủ nhập rất bấp bênh, nợ nần chồng chất. Nhờ sự quan tâm tuyên truyền vận động của xã, huyện, tôi chuyển sang nuôi 12 lồng cá để phát triển kinh tế. Gia đình tôi chủ yếu là nuôi cá rô phi, chép, trắm cỏ, trôi, lăng. Khoảng 4 năm sau, tôi đã trả được hết nợ, xây nhà cửa khang trang.
Tôi có được tiền đồ như ngày hôm nay, tất cả là nhờ nuôi cá lồng, tính đến nay tôi đã gắn bó với nghề nuôi cá được gần 10 năm. Tôi thấy nuôi cá lồng đỡ vất vả hơn làm nương rẫy, thu nhập lại cao, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Bình quân 1 năm gia đình tôi thu nhập từ bán cá hơn 260 triệu đồng, gấp 5 lần làm nương trước đây".
Còn anh Lù Văn Khánh, bản Bó Ban, xã Mường Trai vui vẻ cho biết: "Năm nay thời tiết ủng hộ, từ khi thả giống đến giờ 7 lồng cá của gia đình tôi đều phát triển khỏe mạnh, không xuất hiện dấu hiệu bất thường. Các loại cá anh thả nuôi chủ yếu là: trắm cỏ, chép, rô phi…
Đến hời điểm cá xuất bán, có nhiều tiểu thương ở huyện Mường La, TP. Sơn La, Mai Sơn vào mua tận nơi nên bán được giá khá ổn định, không phải chạy vạy tìm đầu ra như các vật nuôi khác". Dự tính với 7 lồng cá năm nay gia đình anh sẽ thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng
Hiện nay, huyện Mường La có diện tích nuôi thủy sản đạt 140 ha. Đến hết năm 2018 trên địa bàn huyện có trên 800 lồng nuôi cá, trong đó (cá tầm 150 lồng, cá truyền thống 641 lồng); cơ cấu lồng nuôi cá truyền thống giống chủ yếu là cá: Rô phi, trắm cỏ, chép, trôi, cá lăng, cá nheo...
Tổng sản lượng nuôi cá lồng và khai thác thủy sản trong 4 năm từ năm 2015 đến hết năm 2019 đạt trên 2.750 tấn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NNPTNT huyện Mường La cho biết, trong những năm qua, huyện đã chú trọng, quan tâm phát triển nghề nuôi cá lồng cho các bản sinh sống ở ven lòng hồ sông Đà, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới và việc làm cho bà con nhân dân. Những mô hình nuôi cá lồng này đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống ở địa phương.
"Để nghề nuôi cá lồng phát triển, thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn đầu tư theo chính sách của tỉnh, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia để người nghèo được vay vốn nuôi thủy sản. Đồng thời, tiến tới xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản ở xã Mường Bú, Chiềng Lao và thị trấn Ít Ong; xây dựng các bến cá, chợ cá và một số điểm tập kết truyền thống ở xã Chiềng Lao, Mường Trai, Hua Trai, Tạ Bú và thị trấn Ít Ong... Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân ở địa phương" - ông Tâm nói.
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển đồng bộ hơn nữa, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước. Tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sông nước giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương.
Trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển được trên 50 HTX, trong đó có 37 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản có 4 HTX và hàng trăm hộ dân sinh sống ở các xã ven lòng hồ sông Đà nuôi cá lồng. Xã Mường Trai có gần 1.300ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NNPTNT huyện Mường La (Sơn La)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.