Nhân vật nào sang chầu vua Nguyên, hèn hạ nhận chức An Nam Quốc vương?

N.V Thứ tư, ngày 17/05/2023 23:00 PM (GMT+7)
Vua Trần Nhân Tông (1278-1293) sai chú họ là Trần Di Ái (còn có tên là Trần Ái) thay mình sang chầu vua Nguyên. Hốt Tất Liệt chớp ngay lấy cơ hội đó, phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc vương, bọn tùy tùng Trần Di Ái cũng đều được nhận quan tước.
Bình luận 0

Từ khi đánh chiếm được nước Kim ở phía Bắc và thôn tính được nhà Đại Tống ở phía Nam, vua Mông Cổ khi đó là Hốt Tất Liệt đã cải quốc hiệu là Đại Nguyên và có ý muốn chiếm cả An Nam, nhưng còn chưa quyết.

Nghe tin thượng hoàng Trần Thái Tông mất, vua Trần Thánh Tông mới nhường ngôi cho con, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung sang sứ An Nam. Đến Thăng Long, Thung kiêu ngạo hống hách, cưỡi ngựa đi thẳng vào điện Dương Minh. Vua Nhân Tông sai quan đại thần ra tiếp, Thung không thèm đáp lễ. Vua bầy yến tiệc thết đãi Thung cũng không thèm đến. Sau vua lại phải làm yến tiệc ở điện Tập Hiền thì Thung mới tới. Trong lúc uống rượu, Sài Thung nói:

- Sao không xin phép triều đình nhà Nguyên mà dám tự lập? Vậy phải sang chầu "Thiên Triều" hoàng đế mới xong.

Nhân vật nào sang chầu vua Nguyên, hèn hạ nhận chức An Nam Quốc vương? - Ảnh 1.

Trần Di Ái hèn hạ nhận chức An Nam Quốc vương từ Hốt Tất Liệt. Ảnh minh hoạ.

Vua Trần Nhân Tông trả lời:

- Quả nhân xưa nay sinh trưởng ở trong cung, nên không quen phong thổ, không thể nào đi xa được.

Sài Thung về nước, vua Trần Nhân Tông đã sai người đi theo để đưa thư thoái thác với vua nhà Nguyên về việc không sang chầu. Năm Nhâm Ngọ (1282) Nguyên chủ lại cho sứ sang dụ rằng:

- Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải mang vàng ngọc sang thay và nộp hiền sĩ, thầy bói, thợ khéo mỗi hạng hai người.

Đến năm 1283, cuộc đấu tranh về ngoại giao giữa triều đình nhà Trần của nước Đại Việt với nhà Nguyên đang ở trong thời kỳ rất căng thẳng. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt liên tiếp xuống chiếu bắt vua Trần phải sang chầu. Để kéo dài thời gian hòa hoãn nhằm có đủ cơ hội chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc đọ sức bằng lực lượng vũ trang, vua Trần lúc ấy là Trần Nhân Tông (1278-1293) đã sai chú họ là Trần Di Ái (còn có tên là Trần Ái) thay mình sang chầu vua Nguyên. Hốt Tất Liệt chớp ngay lấy cơ hội đó, phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc vương, bọn tùy tùng Trần Di Ái cũng đều được nhận quan tước. Sau đó, vua nhà Nguyên lại sai Sài Thung đem một ngàn quân đi hộ tống để đưa Trần Di Ái về nước.

Tình hình đã căng thẳng lại càng có phần căng thẳng hơn. Vì khi ấy nhà Trần chưa biết phải đối phó với Sài Thung ra sao? Sách Đại Việt sử ký toàn thư có một đoạn chép như sau:

Thung ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân sĩ Thiên Trường ngăn lại. Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng đầy màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Thung nằm khểnh không ra tiếp. Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin nhà vua cho đến dịch quán xem Thung làm gì. Lúc ấy, Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào phòng. Thung đứng dậy, vái chào và mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, bởi cứ ngỡ người gọt tóc, mặc áo vải này là nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Sau, người hầu của Thung nhận ra ông, cầm cái tên chọc vào đầu Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi ông về, Thung đã ra tận cửa tiễn ông.

Về sau, vua nhà Nguyên thấy dùng mưu không khuất phục được vua An Nam, bèn phong cho con là Thoát Hoan làm Trấn Nam vương, sai cùng với các tướng tài từng nổi danh ở đất Tống là A Lý Hải Nha, Lý Hằng, Áo Lỗ Xích, Trình Bằng Phi, Ô Mã Nhi, Khoan Triệt..., dẫn quân cả thẩy năm mươi vạn sang xâm lăng, giả tiếng là mượn đường đi đánh Chiêm Thành.

Chính Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã được giao nhiệm vụ thống lĩnh toàn quân và ông đã cùng quân dân Đại Việt thời ấy làm nên chiến thắng lẫy lừng.

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại trên đây cho thấy sự hèn nhát đến mức nhu nhược và hèn hạ của Trần Di Ái là không thể chấp nhận được. Có lẽ vì thế nên vua Trần sau này đã đặt cho Trần Di Ái cái tên mà thời ấy cũng như thời nay không một người đàn ông nào chịu nổi sự sỉ nhục đến vậy - Ả Trần. Còn sự ngang ngược của Sài Thung thì thật đáng căm giận, song càng căm giận kẻ hống hách ỷ thế nước lớn bao nhiêu chúng ta càng cảm thông cho sự nhún nhường của triều đình nhà Trần ngày ấy.

Và với Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đã khéo nhịn mà Hưng Đạo vương Quốc Tuấn còn khéo nhịn hơn. Ông cố nhịn để lo việc quốc gia đại sự đã là đáng kính, đáng trọng, song nhịn đến hết mức bị làm nhục đến chảy máu đầu mà vẫn giữ được quốc thể thì lại còn đáng kính hơn. Lâu nay hậu thế nói nhiều đến một Hưng Đạo vương uy nghi trên bành voi khi xông trận, mà chưa mấy ai nói đến một Hưng Đạo vương ung dung song đầy mưu lược trong tấm áo cà sa. Thế mới hay câu nói của người xưa rằng "Một điều nhịn là chín điều lành" quả là không sai. Và thời nào cũng thế, nếu ai biết nhường nhịn, biết chịu đựng ắt sẽ thành việc lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem