Nhập viện tâm thần vì... đau lung tung

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 06/04/2019 06:27 AM (GMT+7)
Đau đớn khắp nơi, mệt mỏi, chán ăn..., nhiều người đi khám cả chục chuyên khoa vẫn không tìm ra bệnh. Những triệu chứng “thực thể” của căn bệnh trầm cảm (stress) đã khiến nhiều người hoang mang, thậm chí cả bác sĩ cũng chẩn đoán sai.
Bình luận 0

Lo cưới vợ đến mức bị… trầm cảm

Tại buổi chia sẻ thông tin báo chí về rối loạn stress và gánh nặng, bác sĩ Dương Minh Tâm - Trưởng phòng điều trị stress - Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam 28 tuổi, làm nghề lái xe, bị căng thẳng sau đám cưới. Bệnh nhân vào viện do thường xuyên bị mất ngủ, khó vào giấc ngủ, mệt mỏi, trống ngực, tim đập nhanh. Bệnh nhân đã đi khám chuyên khoa ở Bệnh viện Bạch Mai, được chụp CT não, điện tim, làm các xét nghiệm nhưng không tìm được bệnh gì. Cuối cùng, các bác sĩ giới thiệu bệnh nhân sang Viện Sức khỏe tâm thần.

img

Bác sĩ Dương Minh Tâm thăm hỏi tình hình một bệnh nhân bị stress. Ảnh: D.L

Qua điều tra tiền sử, bệnh nhân cho biết làm lái xe ôtô khoảng 4 năm nay, công việc không quá vất vả hay căng thẳng. Bệnh nhân là người hay lo nghĩ, cầu toàn. Cách đây 6 tháng, bệnh nhân chuẩn bị làm đám cưới nên lo lắng về tiền bạc và nhiều thứ khác. Đến nay, mặc dù đám cưới đã diễn ra nhưng bệnh nhân vẫn lo lắng lan man nhiều chủ đề liên quan đến hôn nhân.

Chẩn đoán chuyên khoa tâm thần cho thấy, bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa, căng thẳng tâm lý do tích tụ từ khi phải lo lắng về đám cưới. Sau khi được điều trị, hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.

Một phụ nữ khác, 38 tuổi, làm kế toán, do sức khỏe suy sụp đã phải nghỉ việc. Vào viện, chị cho biết, chị lấy chồng từ 16 năm trước, có 2 con. Trước đó, chị phải vay mượn tiền để xây nhà, chồng lại đi công tác xa, một mình chị vật lộn với cuộc sống, chăm sóc con, lo trả nợ. Sau một thời gian, chị căng thẳng, mất ngủ, đau đầu, hồi hộp, tim đập nhanh, đau dạ dày. Chị đã đi khám nhiều nơi nhưng khám khắp bệnh viện huyện, tỉnh không ra bệnh mà vẫn mệt mỏi, suy sụp, bác sĩ đều bó tay.

Tiền thuốc men, chạy chữa lớn hơn cả tiền vay mượn xây nhà. Cho đến khi chị đau đớn quá thì mới được bác sĩ giới thiệu đi đến Viện Sức khỏe tâm thần. Chẩn đoán cho thấy, chị bị rối loạn đa dạng cơ thể, dùng thuốc và tư vấn một thời gian đã hết đau đớn trong người.

Căng thẳng cuộc sống ngày càng nhiều

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress như: Hoảng sợ, ám ảnh, rối loạn sang chấn và lo âu. Điều này đem đến những gánh nặng về mặt xã hội. Còn số liệu thế giới cho thấy, có khoảng 350 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới phải chịu đựng trầm cảm, với mức chi phí y tế cho rối loạn trầm cảm chủ yếu tăng từ 173,2 tỷ USD năm 2005 đến 210,5 tỷ USD năm 2010. Ngoài ra, có hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.

Bác sĩ Dương Minh Tâm nhận định, trong xã hội hiện đại, các vấn đề rối loạn cảm xúc, tâm thần có liên quan đến stress xuất hiện ngày càng nhiều. Con người càng có nhiều áp lực, tham vọng càng dễ gặp stress. Ngoài ra, các yếu tố tác động từ bên ngoài như bị tai nạn nghiêm trọng, bệnh mãn tính lâu ngày, mất người thân, ly hôn, chia tay người yêu, mất việc... đều dễ khiến con người ta suy sụp.

Stress tưởng chừng chỉ đơn giản như đau đầu, mất ngủ, nhưng nếu kéo dài có thể khiến cơ thể suy nhược, mất sức lao động, người bị stress chán nản, mất năng lượng sống, có thể dẫn đến hành vi tự sát.

"Tuy gánh nặng của stress rất lớn nhưng chỉ 30-50% bệnh nhân được phát hiện, chữa trị kịp thời. Đa phần mọi người đều cho rằng, mình mắc bệnh "thân thể" nào đó khi đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi, ăn không ngon, mất ngủ... Rất nhiều người bệnh đã phải "bôn ba" đi khám nhiều nơi, nhiều chuyên khoa mà không tìm được bệnh. Chỉ đến lúc "cùng đường" và gặp được bác sĩ có kinh nghiệm mách mới tìm đến chuyên khoa tâm thần và được trị đúng bệnh" - bác sĩ Tâm phân tích.

Triệu chứng trầm cảm (stress) bao gồm: Mất mọi quan tâm thích thú trong các hoạt động; nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan; khí sắc trầm, giảm năng lượng và tăng sự mệt mỏi. Các triệu chứng loạn thần: Hoang tưởng, ảo giác; giảm sự tập trung chú ý; giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc quyết định; ý tưởng bị tội và không xứng đáng; rối loạn giấc ngủ; thay đổi cảm giác ngon miệng; ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát. Những triệu chứng cơ thể khác: Đau đầu, tức ngực, hồi hộp, trào ngược dạ dày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem