Quảng Lạc mấy năm gần đây luôn được nhắc tới là vùng trồng hạt dẻ của Lạng Sơn. Tại đây, dự án trồng hạt dẻ đã được các cấp chính quyền quan tâm đầy tư. Diện tích trồng cây hạt dẻ có hiệu quả kinh tế này luôn tăng qua các năm.
Là hộ gia đình đi tiên phong trong trồng thử nghiệm cây hạt dẻ và đã cho năng suất cao, chị Hoàng Thị Thủy cho biết: Gia đình chị hiện có khoảng 2ha diện tích trồng hạt dẻ đang vào mùa thu hoạch. Do nhà neo người nên nhà năm nào cũng phải thuê người thu hái hạt dẻ. “Mỗi kg tôi trả 5.000 tiền công, vào chính vụ một người lớn, nhanh tay có thể nhặt 60 -70kg hạt, tính ra cũng được hơn 300.000 đồng/ngày”, chị Thủy cho hay.
Hạt dẻ thường chín rụng theo mùa từ tháng 8 đến hết tháng 10 dương lịch hàng năm. Khi chín hạt dẻ rơi xuống đất có màu nâu đen, nhưng một số hạt còn nằm trong lớp vỏ đầy gai.
Gặp 4 bà cháu bà Vy Thị Phê ở thôn Quảng Trung II, xã Quảng Lạc, TP.Lạng Sơn đang nhặt thuê hạt dẻ trong vườn, bà Phê cho biết: “Mùa dẻ rụng trúng vào những ngày nông nhàn nên năm nào tôi cũng đi nhặt hạt dẻ thuê cho nhà chị Thủy. Mỗi kg hạt dẻ tôi được trả 5.000/kg, những ngày đầu mùa quả chín ít nên mỗi ngày tôi chỉ nhặt được 40 - 45 kg. Nếu vào chính vụ, hạt dẻ chín và rụng nhiều, trung bình tôi nhặt được 50- 60kg, người nào nhanh tay hơn có thể nhặt được hơn nữa. Tính ra cũng kiếm được 200.000 - 350.000 đồng/ngày”.
Vào những ngày nghỉ học, các em nhỏ theo người lớn vào vườn nhặt hạt dẻ thuê. Một cậu bé "khoe" chiến lợi phẩm của mình.
Nhặt hạt dẻ là công việc thủ công, ai nhanh tay, chăm chỉ thì sẽ được nhiều hạt.
Theo bà Phê, những năm trước thường nhặt cả vỏ mang về nhà rồi mới tách lấy hạt, nhưng làm như vậy vừa mất thời gian mà rác nhà nên giờ mọi người thường tách và nhặt hạt luôn dưới gốc. Đây là công việc cần sự kiên trì, cần mẫn, phù hợp với phụ nữ hơn. Theo bà Phê nếu chịu khó, một tháng đi nhặt hạt dẻ cũng kiếm được 5 - 7 triệu đồng. “Số tiền này rất lớn đối với nông dân như chúng tôi, không chỉ giúp trang trải sinh hoạt mà còn để đỡ đần nuôi mấy đứa cháu ăn học".
Lớp vỏ là gai nhọn nên người đi nhặt hạt dẻ phải đi ủng hoặc giày để tránh bị đâm vào chân.
Những hạt dẻ căng bóng được tách ra khỏi lớp vở gai góc xù xì.
Chị Thảo cháu bà Phê cho biết: Trước đi làm công ty không ở nhà nên không hộ bà nhặt được, năm nay nghỉ ở nhà, đang lúc nông nhàn nên đi nhặt hạt dẻ thuê. "Nhặt thế này cũng dễ thôi, chỉ hơi mỏi lưng vì phải cúi nhặt cả buổi. Nhiều lúc phải ngồi xuống cho đỡ mỏi".
Dụng cụ một người nhặt hạt dẻ phải mang theo đó là túi đựng và một cái kéo nhọn. Quả dẻ sau khi chín sẽ tự rụng xuống gốc, nhiều quả lớp vỏ gai góc, xù xì đã tự nứt để lộ những hạt dẻ đen bóng lấp ló ở trong. Nhưng nhiều hạt thì vẫn "nằm gọn im lìm cố thủ" trong lớp vỏ gai góc đó.
Người nhặt lúc này phải dùng kéo bóc lớp vỏ có gai sau đó gắp lấy hạt. "Gai ở vỏ của hạt dẻ khá cứng và nhọn, nếu không cẩn thận có thể bị gai đâm vào tay, hoặc chân. Vì vậy, những người đi nhặt dẻ phải đi ủng và dùng kéo để gắp hạt", chị Thảo chia sẻ.
Có rất nhiều cách để nhặt hạt dẻ, thông thường chỉ cần rung mạnh cây là hạt dẻ sẽ rụng xuống khá nhiều. Tuy công việc không có gì nặng nhọc nhưng đổi lại phải thật nhanh tay, nhanh mắt và khéo léo. Theo chủ vườn dẻ, cây dẻ bắt đầu ra hoa vào mùa đông khoảng tháng 1-2 dương lịch rồi sau đó mới phát triển ra hoa kết quả, cho đến khoảng tháng 8 dương lịch hạt dẻ mới bắt đầu chắc thịt và cứng vỏ và cho thu những mẻ đầu tiên. Sau khi quả chín, gặp mưa thì lớp vỏ bên ngoài sẽ nứt ra, phần hạt rơi xuống đất, phần phải dùng kéo để tách lấy hạt.
Bên ngoài vỏ là lớp gai chi chít nhọn hoắt đâm ra, nên người nhặt phải dùng kéo tách cẩn thận.
Muốn ăn hạt dẻ dẻo mềm và dậy mùi thơm chỉ cần rang nhỏ lửa, đều tay cho tới khi hạt dẻ "cười" lộ lớp nhân màu vàng ươm.
Có nhiều cách chế biến, hạt dẻ có thể luộc, rang cho thơm, nhiều người lại thích bóc hạt để nấu canh hạt dẻ lạ miệng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.