Entry cuối cùng được đăng trên blog của Florence Kleiner là vào ngày 23/10/2014, chỉ vài ngày sau sinh nhật thứ 19 của cô. Cô đã được phép về nhà sau nhiều tuần bị cách ly để điều trị. Đoạn băng video quay cảnh cô vừa nhảy quanh căn phòng trong bệnh viện theo bài hát Shake It Off của Taylor Swift, vừa tự chụp những bức ảnh rất xì tin, vừa cám ơn các nhân viên y tế đã chăm sóc cô và hứa sẽ mang bánh về cho họ.
Florence qua đời vì chứng bạch cầu nguyên bào tủy cấp tính (AML) tại Bệnh viện trường Đại học College ở London (Anh, trong vòng tay của cha mẹ và các anh chị em.
Florence - còn gọi là Flo, Flossie (cùng nhiều biệt danh khác được đặt bởi bạn bè, người thân và những người đọc trực tuyến - đã khiến hàng ngàn người xúc động. Trong vòng một vài tuần lễ ngắn ngủi sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh, blog của cô viết đã thu hút hàng ngàn người theo dõi.
Bằng những lời văn trong sáng của mình, không thương thân trách phận, tràn đầy lòng biết ơn đến các y tá và bác sĩ điều trị cũng như diễn đạt niềm tin hoàn toàn vào tương lai, đó chính là yếu tố khiến blog của Florence hấp dẫn người đọc.
Cô đã viết ở phần mở đầu cuốn nhật kí trực tuyến như sau: "Tôi đang trải qua đợt hóa trị để loại bỏ bệnh ung thư. Tôi đã sẵn sàng một lần nữa để bắt đầu thực sự sống cuộc đời mới. Tôi không chán ghét bất kì điều gì xung quanh mình. Tôi muốn tất cả chúng. Tôi có thể hy sinh cho sự nghiệp làm phim của mình… “.
Một vài bức ảnh trong chùm ảnh mà Florence Kleiner tự chụp trên giường bệnh.
Ngay cả nhan đề của blog “Mỗi bức ảnh tự chụp đẩy lùi bệnh ung thư” cũng đã tổng kết được niềm ham thích của Florence đối với phương tiện truyền thông xã hội cũng như sự hài hước khi phải đối mặt với sự đau đớn và cái chết.
Florence sinh ngày 5/10/1995, là con út trong gia đình có 3 anh em. Là một học sinh thông minh và sáng tạo, cô thi đậu vào trường nữ sinh St. Paul và có thành tích tốt trong suốt thời gian theo học, đặc biệt với các môn học điện ảnh và nghệ thuật. Hè năm ngoái, cô được nhận vào học chuyên ngành điện ảnh ưa thích tại Đại học York, và khi đang chờ nhận được kết quả học tập loại A, cô bắt đầu cảm thấy không khỏe.
Cô đã viết trên blog của mình: "
Vào tháng tư, tôi bị phát hiện có một khối u, giờ tôi sẽ không nói nó nằm ở đâu vì xấu hổ và bối rối, nhưng kết quả là có, tôi có một khối u,". Cô đến khám tại một bệnh viện ở địa phương, và mô tả lại một cách hài hước: "Tôi mở cửa và ngạc nhiên thấy một bác sĩ nam ngồi sau bàn, trái ngược với suy nghĩ ban đầu rằng sẽ gặp một nữ bác sĩ. Lập tức tôi thấy xấu hổ đỏ hết cả mặt và chuẩn bị cho thời khắc xấu hổ nhất từ trước đến nay của mình.”
Florence được biết chính xác mình mắc bệnh AML vào ngày 8/8 - cô đã viết, "Hôm nay sẽ được ghi nhận là một trong những ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời ngắn ngủi và bình thường của tôi" - cô phải nhập viện.
Cô vẫn tỏ ra lạc quan: "
Ung thư không phải là một bản án tử hình, chắc chắn không phải đối với bản thân tôi. Vì vậy, không cần sợ hãi, hỡi bạn bè và người thân trong thế giới của tôi. Ít nhất thì tôi sẽ có thể nhìn thấy hình dáng hộp sọ của mình trông thế nào (trông tôi sẽ đáng yêu với kiểu đầu hói) và trở nên quan trọng hơn bao giờ hết (lợi ích mang lại khi bị bệnh hiểm nghèo vì nhận được nhiều văn bản/bệnh án mỗi ngày).
Bốn ngày sau, cô nhận được kết quả A thành tích học tập với 2 điểm A+. Nằm trên giường bệnh, Florence đã viết đơn xin trường Đại học York cho cô bảo lưu việc học 1 năm. Khi các bạn bắt đầu nhập học, cũng là lúc Florence bắt đầu đợt hóa trị.
Gia đình của cô cho rằng viết blog đã trở thành một lối thoát cho Florence, để cô có thể kết nối với bạn bè và người thân, cũng như để an ủi những người cũng bị bệnh ung thư. Cha cô cho biết: "Có những lúc, con bé cũng sụp đổ và thừa nhận rằng mình rất sợ hãi nhưng rồi nó lại quyết tâm sống tích cực để cố gắng không tăng đau khổ cho chúng tôi thêm nữa".
Tháng trước, Florence đã có thể về nhà trong vài ngày, nhưng sau đó thận của cô bị hỏng hoàn toàn. Cơ thể cô không thể chống chọi được và bắt đầu bị tàn phá do nhiễm trùng da.
Trong vài tuần liền, cô phải chịu sự chăm sóc đặc biệt, không thể viết blog được nữa. Lúc đó, việc viết blog và chụp ảnh lại trở thành nguồn cảm hứng của người thân trong gia đình. Cha của Florence đã viết: “Thế giới đã mất đi một viên đá quý, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên Florence”.
"Ung thư chỉ là một cái vòng xiếc để tôi nhảy xuyên qua”
Ngày 1/9/2014
Những điều tôi đã học được từ việc bị ung thư ...
1. Đó là bạn không bao giờ biết bạn sẽ phản ứng thế nào cho đến khi bạn bị bệnh
Tôi thường cân nhắc đến khả năng mình sẽ tiếp nhận việc bị bệnh ung thư thế nào trước khi được chẩn đoán. Như kiểu nằm mơ giữa ban ngày với việc suy tư về các khả năng. Và sau đó, khi bạn đã thật sự va phải nó, thật đáng ngạc nhiên với những gì lướt qua tâm trí bạn. Lúc đó bạn chỉ còn cách duy nhất là đánh bại nó. Ít nhất thì đó cũng là những gì tôi đang làm.
Sống một cuộc sống bình thường hết sức mình (cần tính rằng tôi đã không được ra ngoài bốn tuần nay – không được hít thở bầu không khí trong lành). Đó chỉ là một cái vòng xiếc để tôi nhảy qua (giống như thành tích học tập hạng A của tôi) trước khi tôi có thể bắt đầu làm những gì tôi muốn làm. Đó chính là cách tôi đã nhìn nhận căn bệnh. Chỉ cần bước thêm một bậc thang nữa.
2. Nói chuyện với y tá dễ hiểu hơn là với bác sỹ
Ở đây tôi không có ý cho rằng các y tá hiểu biết nhiều hơn bác sĩ trong vấn đề phương pháp y tế, nhưng chắc chắn là họ giải thích sự việc tốt hơn. Họ hoạt bát và vui vẻ. Họ mỉm cười và nói chuyện với tôi trong nhiều giờ về điều này điều nọ.
Họ nói cho tôi biết kiến thức về tiểu cầu và việc truyền máu. Họ vừa lấy máu tôi một cách hiệu quả và chuyên nghiệp, vừa tỏ ra tử tế đến không ngờ. Thành thực mà nói, nếu không có họ, tôi đã không thể chống chọi lại được một nửa những gì mà tôi đang phải chịu đựng.
3. Thèm xúc xích không phải là tác dụng phụ của đợt hóa trị
Tin tôi đi, tôi đã hỏi rồi. Hóa ra, chỉ có tôi mới thế thôi.
4. Rất, rất nhiều lần phải tìm cách trả lời câu hỏi “em/con có ổn không?”
Tôi đã bị hỏi câu này rất nhiều lần trong 4 tuần qua. Mỗi khi có người hỏi, tôi đều nghiêm túc trả lời. Thât tuyệt vời khi biết rằng có rất nhiều người quan tâm đến mình. Thực thế. Nhưng khi tôi đã ở phòng riêng, giữa vòng vây của năm thành viên trong gia đình, tất cả mọi người chăm chăm nhìn từng cử động của tôi vừa lặp lại câu hỏi đó mỗi 5 phút một thì quả là khiến tôi muốn nổ tung đầu.
5. Đó là lần đầu tiên, tôi không sợ hãi về tương lai
Tôi đã luôn luôn lo lắng về tương lai của mình. Nhưng giờ tôi không còn sợ nữa. Người ta thường nói bạn không biết quý trọng những gì bạn có cho đến khi mất chúng. Tôi sợ rằng mình sẽ không trụ được nữa nhưng ơn trời giờ căn bệnh đã bị trì hoãn và tôi đã sẵn sàng. Nhãn giới của tôi đã rộng mở nhờ bị ung thư.
Tôi đã từng được khuyên: "Đừng lo lắng quá nhiều, chỉ cần bắt đầu sống đi, hãy bắt đầu sống từng giây từng phút, hãy trở thành người như bạn luôn mong muốn". Nhưng vấn đề là, tôi sẽ không chờ đợi để làm điều đó cho tận đến khi mình có thể ra khỏi đây. Không, tôi sẽ bắt đầu ngay bây giờ. Và chính nó sẽ giúp tôi vượt qua bệnh tật.
Nguyễn Mai (Người đưa tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.