Nông dân nhiều nơi đã từng thiệt hại không nhỏ vì nhẹ dạ trồng khoai lang bán cho thương lái Trung Quốc, đã từng mua giống ngô, giống lúa với giá cắt cổ kèm lời hứa hẹn năng suất cao, chi phí ít để rồi phải cắt lúa cho bò ăn...
Bây giờ lại tới chuyện một số nông dân ở Tây Nguyên, Bình Dương “lên mạng”, giật mình lạnh cả sống lưng. Những người nông dân chưa từng nhìn thấy chiếc máy tính, thậm chí còn mù chữ, quanh năm đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra củ sắn, hạt cà phê, được mời chào bỏ hàng triệu đồng mua một gian hàng điện tử trên mạng để PR và bán hàng qua Internet!
Hay ho và hấp dẫn hơn, họ nhận được nhiều cơ hội làm ra tiền, rất nhiều tiền nếu chịu khó rủ rê người khác cũng bỏ tiền ra mua gian hàng như họ. Đến lúc không rủ được ai, hàng không có gì để bán hay có bán mà không thấy ai mua, quay lại thì tiền đang trong túi người khác không có cách gì đòi lại được. Những người bán “gian hàng điện tử” (tất nhiên là ảo rồi) không phải kẻ vô danh đầu đường hay bọn cắp vặt chợ quê. Đó là những công ty, có đăng ký, có trụ sở hẳn hoi.
Dù có thể hợp pháp hay nhờ lách được luật mà hợp pháp, những công ty lọt trời rơi xuống ấy vẫn không thể chối được 2 điều: Một là, với kiểu “nhân giống ăn tiền”, họ đã áp dụng lối bán hàng đa cấp trá hình từng bị lên án và cấm đoán ở nước ta vì gây ra nhiều vụ lừa đảo. Hai là, khi rủ rê một người nông dân không biết vi tính hay Internet là cái chi chi, mua một gian bán hàng trên mạng, dù họ thực sự vì tin và dại dột mà tự nguyện thì cũng là hành vi bất hảo.
Nhưng tại sao nông dân lại dễ bị lừa đến thế? Câu trả lời chắc đúng là do nhẹ dạ, cả tin và lòng tham! Lòng tham của người nghèo có thể thông cảm được. Vì người nghèo khó làm ra tiền, đồng tiền kiếm được trần ai nên dễ bị lung lay. Nhưng bài học muôn đời là: Không có đồng tiền chân chính nào lại không thấm mồ hôi nước mắt.
Mong những bài học “kiếm tiền dễ” làm tỉnh ngộ được nhiều bà con nông dân ta.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.