Theo ông Hoàng Văn Hiền – Phó phòng NNPTNT Lộc Bình, sở dĩ phong trào làm đường giao thông nông thôn ở đây được người dân hưởng ứng, bởi trước đây hầu hết các tuyến đường liên xã, thôn đều là đường đất, nắng bụi, mưa lầy lội, nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Ước muốn có những con đường bê tông rộng, sạch đã trở nên cháy bỏng với người dân nơi đây, nên khi có cơ hội thực hiện ước mơ đó, người dân rất hăng say.
Từ khi có cầu, việc đi lại, giao thương của người dân các xã Lục Thôn và Vân Mộng trở nên dễ dàng hơn.Ảnh: V.T
“Chủ trương của tỉnh, huyện là hỗ trợ 100% xi măng cho các địa phương, bà con chỉ phải góp cát, sỏi ngày công. Nếu xã, thôn nào làm tốt, còn được lãnh đạo huyện thưởng, nên các thôn, xã rất hăng hái” – ông Hiền cho hay.
Xã Đồng Bục được chọn làm điểm để khơi dậy phong trào và 2 thôn Lăng Xè, Khòn Quắc đã trở thành thôn đi đầu trong phong trào làm đường. Hiện 12/12 thôn của xã 100% các tuyến đường, ngõ xóm đã được đổ bê tông phẳng lỳ. Anh Hoàng Văn Thanh -người dân ở thôn Lăng Xè vui vẻ cho hay: “Nhà nước đã hỗ trợ xi măng, còn cát, sỏi chúng tôi bảo nhau xuống sông suối lấy về, nên cũng đỡ chi phí, chỉ mất tiền thuê xe chở về thôi. Có đường đẹp rồi ai cũng mừng, mỗi buổi sáng từ người già, trẻ em dậy sớm chạy thể dục vui lắm. Ở các đầu ngõ nhà ai cũng có sọt rác, với phong trào “sạch từ nhà ra ngõ”, nên người dân rất có ý thức”.
Đặc điểm ở Lộc Bình là có rất nhiều khe suối, trước đây để đi qua thì người dân phải dựng cầu gỗ tạm, hoặc phải lội xuống suối, và hễ mưa to nước sông lên là nhiều thôn, xã hoàn toàn bị cô lập. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoặt hàng ngày, mà nó còn làm cho kinh tế của các địa phương chậm phát triển, chủ yếu tự cung tự cấp là chính.
Ông Nguyễn Đình Đông – Giám đốc Công ty Đức Tín Hưng ở thị trấn Lộc Bình, người đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây 2 cây cầu và 2 đập tràn cho biết, cách đây 10 năm ông đã tự bỏ tiền ra xây một cây cầu nối thị trấn Lộc Bình với bản Thét, xã Lục Thôn, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn, nên ai cũng ủng hộ. “Trong năm 2014, tôi đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây một cầu ở xã Lục Thôn và một cầu ở xã Vân Mộng. Tôi tự làm, nên chi phí cũng thấp hơn, nếu thuê làm thì với số tiền này chỉ xây được một cầu. Hiện hai cầu đều đã đưa vào sử dụng, theo thỏa thuận mỗi hộ tôi thu 350.000 đồng/năm, khách vãng lai thu theo quy định của huyện. Tôi dự kiến thu trong 10 năm, nếu thu hồi đủ vốn, người dân sẽ được đi miễn phí” – ông Đông cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.