Nhiều dấu ấn nổi bật của thành phố Huế trong năm 2021

Thái Hùng Thứ ba, ngày 18/01/2022 17:18 PM (GMT+7)
Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật.
Bình luận 0

Phát huy vai trò "đầu tàu"

Vào ngày 1/7/2021, TP.Huế chính thức mở rộng, địa bàn kéo dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Hương. Với diện tích mở rộng gấp 4 lần, TP.Huế trong hình hài mới trải dài từ đồi núi cho đến biển, dân số đông gấp đôi so với trước đây. Và điều quan trọng nhất là người dân và dư luận đồng tình, phấn khởi với sự kiện đáng nhớ này.

Nhiều dấu ấn nổi bật của thành phố Huế trong năm 2021  - Ảnh 1.

Các chương trình, dự án trọng điểm được TP. Huế quyết liệt đẩy nhanh, tạo diện mạo khang trang cho đô thị Huế. Ảnh: Thái Hùng.

Trong tầm vóc mới, TP.Huế có thêm những nguồn lực mới cần được phát huy. Đó là kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp và những hình thái kinh tế mới cần được khai thác hiệu quả sau khi mở rộng. TP.Huế hiện tại đã có đủ không gian phát triển đô thị và đồng thời mang lại những cơ hội to lớn cho sự bảo tồn các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội thành phố, là tiền đề để Huế thực sự là đô thị động lực trung tâm, hạt nhân của đô thị di sản Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai.

Việc mở rộng địa giới hành chính cũng đặt TP.Huế đối diện với những thách thức không nhỏ từ việc ổn định bộ máy, đồng bộ hạ tầng dô thị cho đến thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. TP.Huế cần phải tập trung mọi nguồn lực, tận dụng tiềm năng lợi thế để phat huy vai trò đầu tàu, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội toàn tỉnh.

Vượt qua bộn bề khó khăn và lượng công việc đồ sộ, TP.Huế đã ổn định tổ chức bộ máy, triển khai nhiều công việc trên tinh thần không làm xáo trộn, ảnh hưởng quyền lợi của các cá nhân, tổ chức và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội ổn định sau khi mở rộng địa giới hành chính. Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức đã cơ bản đảm bảo theo vị trí việc làm.

Sau khi sắp xếp, đổi tên gọi, toàn thành phố có 50 thôn và 310 tổ dân phố. Thành phố có 29 phường, xã đạt loại 1 và 7 phường, xã loại 2. Toàn thành phố có 48 hội nghề nghiệp, hội đặc thù. Thành phố đã tiếp nhận hệ thống giao thông 760,7 km (1866 tuyến) từ thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang.

Nhiều dấu ấn nổi bật của thành phố Huế trong năm 2021  - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.Huế Võ Lê Nhật kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19, động viên lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Ảnh: Thái Hùng.

Ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP.Huế cho biết, khi thực hiện mở rộng TP.Huế, khối lượng công việc rất lớn, khó khăn là điều không tránh khỏi. Như tại khu vực trung tâm thành phố có tốc độ phát triển đô thị nhanh trong khi kết cấu hạ tầng đô thị ở khu vực vùng ven lại chưa tương xứng. Địa bàn thành phố rộng lớn trong khi nguồn lực đầu tư vẫn còn hạn chế...

Nếu như trước đây, TP.Huế đóng vai trò chủ yếu là trung tâm văn hóa, hành chính, chính trị thì bây giờ với sự mở rộng, với sự cộng thêm của các nguồn lực khác thì thành phố phải thực sự xứng tầm là trung tâm động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh. Thành phố đòi hỏi phải khai thác tối đa những lợi thế đang có, đặc biệt trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong vai trò là đầu mối giao thương, là môi trường đầu tư, kinh doanh để làm sao thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến làm ăn.

Trong đó, chú trọng phát triển du lịch (như rừng ngập mặn Rú Chá), kinh tế biển (biển Thuận An), đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị - giao thông, phát triển nông nghiệp – một  lĩnh vực khá mới của thành phố theo hướng xanh, sạch, hiện đại, để làm giàu bằng nông nghiệp.

Ông Võ Lê Nhật cho hay, để tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng sau mở rộng địa giới, phát huy vai trò là "đầu tàu" thúc đẩy toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, TP.Huế cần tập trung mọi nguồn lực, nâng chuẩn cán bộ. Tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng đô thị ''di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường''.

Cùng với đó, điều chỉnh sử dụng đất, giao thông, hạ tầng kỹ thuật khung cho TP.Huế mở rộng. Tập trung thực hiện hoàn thành các quy hoạch phân khu của các đơn vị: Thủy Bằng, Hương Thọ, Hương An, Hương Hồ, Hương Vinh, Thuận An làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư, tạo nguồn lực phát triển về kinh tế xã hội. Dần dần kiện toàn đối với đội ngũ cán bộ công chức theo hướng vị trí việc làm và có sự điều động sắp xếp. Thực hiện công tác duy tu hệ thống chiếu sáng của 13 đơn vị sáp nhập vào thành phố.

Kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp vi phạm quy hoạch, lấn chiếm đất công. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phát huy giá trị đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa và con người Huế một cách sâu rộng. Từ đó, biến những thách thức hiện có thành động lực phát triển. Điều quan trọng là sự đồng tâm hiệp lực, khát khao cống hiến, nhiệt thành từ mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, "mỗi người là một chủ thể" để giúp thành phố Huế phát triển toàn diện.

Nhiều dấu ấn nổi bật của thành phố Huế trong năm 2021  - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.Huế Võ Lê Nhật thăm, tặng giấy khen và động viên Hội Phản ứng nhanh Thừa Thiên Huế (PUN75). Ảnh: Thái Hùng.

Việc mở rộng địa giới hành chính TP.Huế sẽ thuận lợi trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đô thị trung tâm Huế theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, cũng như tạo thuận lợi trong việc giãn dân khu vực nội đô. TP.Huế mở rộng đã có đủ không gian phát triển đô thị và đồng thời mang lại những cơ hội to lớn cho sự bảo tồn các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội thành phố, là tiền đề để Huế thực sự là đô thị động lực trung tâm, hạt nhân của đô thị di sản Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai theo Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị.

Giai đoạn 1 "cuộc di dân lịch sử" về đích đúng tiến độ

Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong năm 2021 của TP.Huế là việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Hơn 3.100 hộ dân thuộc khu vực di tích Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào, tuyến phòng lộ đã được di dời. 85% số tiền với gần 1.100 tỷ đồng đã được giải ngân.

8 dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đã được hoàn thành diện tích xây dựng 63,16 ha với  2.700 lô đất, hệ thống đường giao thông thoáng rộng, hiện đại, những ngôi nhà được xây dựng tuân theo thiết kế mẫu với từng tuyến phố, hướng đến hình thành các khu tái định cư xanh, sạch, sáng, kiểu mẫu của thành phố. Đó là những con số ấn tượng cho một quá trình dài trong 3 năm từ 2019-2021 mà các đơn vị, ban ngành trên địa bàn TP.Huế đã tích cực triển khai trong giai đoạn 1 của dự án.

Nhiều dấu ấn nổi bật của thành phố Huế trong năm 2021  - Ảnh 4.

TP.Huế đang nỗ lực phát triển, xứng tầm với vai trò hạt nhân để đưa Thành phố và toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Ảnh: Thái Hùng.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế, trong giai đoạn 2 (2022 – 2025) của dự án sẽ có 1.954 hộ dân được di dời. Tổng kinh phí để triển khai giai đoạn 2 là 1.760 tỷ đồng. Hiện tại các đơn vị thi công cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng hạ tầng các khu tái định cư 8, 9, 10 ở phường Hương Sơ, TP.Huế để kịp thời tạo nguồn quỹ đất cấp cho các hộ dân thuộc diện di dời ở giai đoạn 2.

Chủ tịch UBND TP.Huế Võ Lê Nhật cho biết, trong một thời gian ngắn nhưng thành phố đã thực hiện giải tỏa số lượng lớn dân cư, vừa giải tỏa và làm hạ tầng nơi đến. Thành công từ giai đoạn 1 của dự án là tiền đề quan trọng để tỉnh và TP.Huế tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Đó còn là niềm vui của những cư dân trong diện di dời, giúp họ có nơi ở mới khang trang sau nhiều thế hệ "sống khổ" nương nhờ di tích, đóng góp vào quá trình hồi sinh diện mạo bề thế của Quần thể di tích cố đô Huế, phát triển kinh tế- xã hội, phát huy giá trị di sản... Đồng thời, xây dựng diện mạo mới của khu đô thị phía Bắc TP.Huế theo hướng hiện đại.

Nhiều dấu ấn nổi bật của thành phố Huế trong năm 2021  - Ảnh 5.

Người dân "sống treo" trên di tích Kinh thành Huế với niềm vui tại nơi ở mới khang trang. Ảnh: Thái Hùng.

Quyết tâm thực hiện 6 chương trình và 8 dự án trọng điểm

Năm 2022, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, TP.Huế nỗ lực khôi phục, phát triển dịch vụ du lịch, thương mại, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị kết hợp phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hoàn thiện chính quyền điện tử, đô thị thông minh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính... Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 12%, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 2.850 USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng 12%, hỗ trợ giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động...

Nhiều dấu ấn nổi bật của thành phố Huế trong năm 2021  - Ảnh 6.

Phối cảnh phố đêm Hoàng thành Huế. Ảnh: C.T.V.

Để đạt được các mục tiêu trên, TP.Huế quyết tâm thực hiện 6 chương trình và 8 dự án trọng điểm, bao gồm: Chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; đưa 3 xã Phú Dương, Phú Mậu và Thủy Bằng thành 3 phường; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển kinh tế tư nhân; chương trình di dời các hộ dân trong khu vực I Kinh thành Huế; đầu tư kết nối hạ tầng với khu vực TP.Huế mở rộng...  

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, năm 2022, thành phố tập trung phát triển kinh tế gắn với du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển theo các lĩnh vực kinh tế đêm gắn với ngày, kinh tế biển - đầm phá, kinh tế nông nghiệp; thực hiện hiệu quả đề án Phố đêm Hoàng Thành, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu.

Nhiều dấu ấn nổi bật của thành phố Huế trong năm 2021  - Ảnh 7.

UBND thành phố Huế vinh dự đạt Giải Vàng trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ II với đồ án đạt giải là “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương – thành phố Huế”. Ảnh: Thái Hùng.

Ngoài ra, TP.Huế thực hiện các chính sách hỗ trợ, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp sạch, đổi mới thiết bị công nghệ để sản xuất hàng hóa có sản phẩm chủ lực, chất lượng; hình thành khu vực sản xuất rau, củ, quả, sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, TP.Huế sẽ thực hiện tốt Nghị quyết 05 của Thành ủy Huế về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong đó, gắn văn hóa Huế với phát triển du lịch, quan tâm việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đình làng, nhà rường, nhà lưu niệm... TP.Huế cũng triển khai thực hiện đảm bảo các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, đảm bảo đời sống và sức khỏe nhân dân trên địa bàn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem