"Thu tiền nhanh"
Là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nhiều thế mạnh về khí hậu, các giống cây trồng, vật nuôi. Thậm chí, có nhiều đặc sản mà nhiều quốc gia không có. Thế nhưng, do cách làm manh mún, thiếu hiệu quả, suốt bao nhiêu năm qua, ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với bài toán thực phẩm sạch, an toàn, cho năng suất cao và sản phẩm của Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Tập đoàn VinGroup đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao bằng nhà kính, nhà lưới hiện đại. Ảnh: T.T
Nói về câu chuyện “đại gia” làm nông nghiệp, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn bảo rằng, các doanh nghiệp thấy ngành này có cơ hội. Bởi, đầu tư vào nông nghiệp có cái lợi là “thu tiền nhanh”. Cụ thể, nếu như trước đây, doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, xây dựng, sắt thép… thì nay thấy nông nghiệp là ngành cạnh tranh tốt với các điều kiện về tự nhiên, lao động giá rẻ…
|
Ở trong nước, nhu cầu thực phẩm sạch cũng “nóng” lên hàng ngày. Người tiêu dùng ngày càng lo ngại và không ít người thành thị đã phải tự trồng rau để đáp ứng phần nào nhu cầu thực phẩm cho gia đình. Điều này đòi hỏi cần có sự đổi mới trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để làm ra sản phẩm an toàn, năng suất cao để cung cấp ra thị trường.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, nhu cầu của thị trường của sản phẩm nông nghiệp sạch là rất lớn. Theo một điều tra của đơn vị này tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, về ngành hàng thịt lợn, rau, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn30% giá trị của sản phẩm nếu biết được đó là sản phẩm an toàn và có nguồn gốc.
Thế nhưng, với một nền nông nghiệp theo quy mô hộ gia đình, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với bài toán đầu tư để phát triển. Trước yêu cầu thực tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này như ưu đãi về thuế đất, thuê mặt nước, hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ hạ tầng, phát triển thương hiệu…
Nói về câu chuyện “đại gia” làm nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp thấy ngành này có cơ hội. Bởi, đầu tư vào nông nghiệp có cái lợi là “thu tiền nhanh. Cụ thể, nếu như trước đây, doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, xây dựng, sắt thép… thì nay thấy nông nghiệp là ngành cạnh tranh tốt với các điều kiện về tự nhiên, lao động giá rẻ…
Lợi nhuận “khủng” nhờ bán bò
Trên thực tế, trong vài năm gần đây, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn như Vinamilk, TH True Milk, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, VinGroup… Những đơn vị này cũng áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt như nguồn sữa sạch, thực phẩm sạch có chất lượng cao.
Một ví dụ điển hình, theo ông Võ Trường Sơ- Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh Gia Lai, doanh thu bán hàng quý I của công ty tăng 923 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015, kéo theo lợi nhuận sau thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 232% (quý I.2015: 91 tỷ đồng). Nguyên nhân có được kết quả kinh doanh đột biến là nhờ vào đàn bò. Cụ thể, doanh thu bán bò trong quý đạt 1.233 tỷ đồng trong khi giá vốn là 1.100 tỷ đồng.
Những con số này là rất đáng chú ý nếu đặt trong bối cảnh gần một năm nay, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không khỏi “mất ngủ” trước sự trượt dốc giá cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG-HoSE) từ mức 26.100 đồng/cổ phiếu (phiên 3.10.2014) xuống còn 6.700 đồng (phiên 19.4.2016). Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt từ mảng nông nghiệp, cùng với những cam kết hỗ trợ từ phía các ngân hàng, giá cổ phiếu HAG đã có những chuyển biến tích cực hơn, chốt giá giao dịch ngày 29.4 đạt 8.000 đồng/cổ phiếu.
“Đại gia thép” Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG-HoSE) tại hội nghị cổ đông năm 2015 cũng đã thông qua việc góp vốn thành lập công ty nông nghiệp quản lý hoạt động chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi với vốn điều lệ dự kiến 2.500 tỷ đồng.
Còn đại diện của Tập đoàn VinGroup cho biết, tháng 3.2015, đơn vị này đã gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với mong muốn góp phần cung cấp nguồn nông phẩm sạch, an toàn cho người dân.Tới cuối tháng 7.2015, VinGroup đã ký kết hợp tác với 3 đối tác hàng đầu thế giới về cung ứng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp với tổng trị giá lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Ba đối tác này đều đến từ những nền nông nghiệp nổi tiếng, gồm NETAFIM (Israel); KUBOTA (Nhật Bản) và Teshuva Agricultural Projects – TAP (Israel). Các đối tác sẽ cung cấp cho VinEco nền tảng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn trên quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Phía VinGroup cũng cho rằng, với bản chất tốt đẹp của người nông dân, khi có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, đưa phương thức sản xuất, kinh doanh bài bản thì ngành nông nghiệp sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ, hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.