Nhiều người vắng mặt trong phiên xử vụ án xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Gia Bình Thứ ba, ngày 14/01/2025 09:53 AM (GMT+7)
Một bị cáo và nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xin được xét xử vắng mặt trong vụ án xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục. Tòa án chấp nhận với lý do họ có luật sư bào chữa, đã có đủ lời khai từ giai đoạn điều tra.
Bình luận 0

Sáng 14/1, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử 8 bị cáo trong vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục).

Trong vụ án, NXB Giáo dục được triệu tập với tư cách bị hại. Tòa án cũng triệu tập đại diện các công ty Phùng Vĩnh Hưng và công ty giấy Minh Cường Phát trong tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng, người được tại ngoại, có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe. Ngoài ra, nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác cũng xin vắng.

Nhiều người vắng mặt trong phiên xử vụ án tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục hầu tòa, sáng 14/1.

Sau hội ý, HĐXX cho rằng bị cáo Ngọc cũng những người liên quan đã có lời khai tại giai đoạn điều tra và có luật sư bào chữa tại tòa nên việc vắng mặt không làm ảnh hưởng quá trình xét xử. Do vậy, tòa tiếp tục làm việc với phần công bố cáo trạng của viện kiểm sát.

Ở vụ án này, ông Nguyễn Đức Thái, cựu Giám đốc NXB Giáo dục bị cáo buộc phạm tội "Nhận hối lộ" hơn 24 tỷ đồng. Các bị cáo tại nhóm công ty Phùng Vĩnh Hưng và công ty Giấy Minh Cường Phát… bị đề nghị truy tố tội "Đưa hối lộ".

Có 5 người nguyên là lãnh đạo, nhân viên NXB Giáo dục bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu Trưởng ban Kế hoạch Maketing; Đinh Quốc Khánh, cựu Phó phòng in; Phạm Gia Thạch, cựu Thành viên Hội đồng thành viên; Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải, cùng là cựu Phó giám đốc.

Hồ sơ vụ án thể hiện năm 2017, ông Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch NXB Giáo dục. Theo đề nghị của Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát, ông Thái đã chỉ đạo thực hiện việc đấu thầu giấy in sai quy định.

Cụ thể, ông Thái và nhóm bị cáo lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định của Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực; tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, thông đồng và hợp thức hoá thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được cung cấp giấy in cho NXB Giáo dục.

Giám định cho kết quả, với 7 gói thầu giấy in, các bị cáo trong vụ gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, để được tham gia, trúng thầu, nhóm bị cáo tại các công ty Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát nhiều lần hối lộ Nguyễn Đức Thái.

Điều tra cho rằng, từ năm 2017, nhóm Công ty Phùng Vĩnh Hưng đã gặp, đặt vấn đề, hứa hẹn cảm ơn và được Nguyễn Đức Thái đồng ý tạo điều kiện cho tham gia, trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa, sách bài tập phục vụ năm học 2018-2019.

Sau khi trúng thầu, phía Phùng Vĩnh Hưng chuẩn bị 3 tỷ đồng gồm 6 cọc, mỗi cọc 10 thiếp, mỗi thếp 50 triệu đồng, đựng trong túi xách giấy 2 quai, buộc lại và lồng thêm túi giấy bên ngoài. Số tiền này được ông Thái đồng ý nhận.

Nhiều người vắng mặt trong phiên xử vụ án tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - Ảnh 2.

Hội đồng xét xử vụ án gồm 5 người, do thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm chủ tọa.

Điều tra xác đinh tổng cộng, từ năm 2018 đến 2021, các công ty nhóm Phùng ZVinx Hưng tham gia và trúng 10 gói thầu, tổng trị giá 1.593 tỷ đồng. Sau khi được Thái giúp đỡ, trúng thầu và ký hợp đồng, nhóm doanh nghiệp này đều đến phòng làm việc của Giám đốc NXB Giáo dục, đưa đều đặn 4 tỷ đồng/năm để cảm ơn.

Trong 4 năm liền, cách thức đưa tiền đều giống nhau, thường vào các dịp cuối năm hoặc đầu năm Dương lịch, nhóm doanh nghiệp tự chuẩn bị số tiền 4 tỷ đồng (gồm 8 cọc, mỗi cọc 10 thếp, mỗi thếp 50 triệu được bọc kín, đựng trong túi đựng quà tết). Sau đó, số tiền này được mang đến phòng làm việc của Nguyễn Đức Thái rồi để lại.

Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên Đán từ 2018 – 2022, nhóm Phùng Vĩnh Hưng đều đặn cảm ơn ông Thái số tiền 200 triệu đồng/năm, tổng số tiền là 1 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng do vậy cáo buộc ông Thái nhận hối lộ từ nhóm doanh nghiệp này tổng cộng 20 tỷ đồng và đã giúp nhóm họ trúng 13 gói thầu, tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng.

Với Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát, cơ quan điều tra cáo buộc năm 2017, vị này cũng đến gặp Nguyễn Đức Thái, tự giới thiệu là đối tác cung cấp giấy nhiều năm cho NXB Giáo dục.

Bị cáo Minh để nghị và được Thái đồng ý tạo điều kiện cho Công ty Minh Cường Phát được tiếp tục cung cấp giấy cho NXB Giáo dục. Sau đó, Công ty Minh Cường Phát được đưa vào danh sách ngắn và được tham dự và trúng một gói thầu. Đổi lại, bị can Minh "tặng" vị Giám đốc 400 triệu đồng kèm hộp bánh, chai rượu.

Để được trúng các gói thầu tiếp theo, bị cáo Minh còn nhiều lần hối lộ Nguyễn Đức Thái, tổng số hơn 4 tỷ đồng. Công ty Giấy Minh Cường Phát do vậy được trúng 5 gói thầu của NXB Giáo dục, tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục, được thực hiện hàng năm, giá giấy in chiếm 30-40 % cơ cấu giá bán sách giáo khoa, việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách. Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, có chất lượng tốt và giá bán thấp, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem