Nhiều sinh viên có tay nghề, lương cao hơn bậc đại học

Tào Nga Thứ ba, ngày 28/03/2023 09:11 AM (GMT+7)
Theo một số hiệu trưởng các trường cao đẳng, bằng cấp không quan trọng bằng việc có nghề giỏi. Nếu sinh viên tay nghề, lương cao hơn bậc đại học.
Bình luận 0

Chọn đại học hay cao đẳng, học cao đẳng ngành gì, ra trường có xin được việc làm không... đó là băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ khi chuẩn bị đứng trước bước ngoặt cuộc đời - kỳ tuyển sinh năm 2023. 

Tùy điều kiện để lựa chọn trường phù hợp

Trước những băn khoăn của học sinh, TS Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội chia sẻ: "Tùy điều kiện gia đình, trong đó có thể kể đến điều kiện kinh tế, sở thích hay định hướng... để quyết định cho con học nghề hay học đại học. Các gia đình có thể chọn cho con học nghề vì thời gian học ngắn hơn. Trong thời gian đó, sinh viên có thể thêm thu nhập khi thực tập ở doanh nghiệp theo ngành nghề có hưởng lương đặc biệt - những chương trình thực tập hưởng lương với Nhật Bản, Đức".

"Nhiều sinh viên có tay nghề, lương cao hơn bậc đại học" - Ảnh 1.

Nhiều học sinh băn khoăn lựa chọn trường học, ngành nghề khi tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Ở các trường cao đẳng có các chương trình liên kết. Ví dụ như học nghề liên kết với Nhật Bản theo chương trình 2+1+2. Các em học 2 năm ở Việt Nam sau đó sang nước ngoài thực hành 1 năm với mức lương khoảng 20-30 triệu đồng/tháng và tiếp tục có 2 năm làm việc ở Nhật Bản. Sau thời gian này, các em có thể chọn làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam hay tiếp tục làm việc ở Nhật Bản. Quan trọng, các em vẫn có thể học tiếp lên đại học. Đây là hướng phù hợp với điều kiện nhiều gia đình khó khăn, phải nuôi dạy các em 4-5 năm đại học.

"Nhiều sinh viên tay nghề cao, lương cao hơn bậc đại học. Xu hướng chung ở nhiều nước không quan trọng bằng đại học, quan trọng có nghề giỏi sẽ hưởng lương cao và được trọng dụng", thầy Sang nói.

TS. Trương Tuấn Dũng, Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội cho hay, sinh viên học cao đẳng có thuận lợi là chỉ mất 2 năm vừa lý thuyết cùng kỹ năng chuyên ngành. Trong đó, tỷ lệ thực hành lên đến 70% chương trình học. Các trường sẽ tập trung đào tạo ngành nghề chuyên sâu thuộc các lĩnh vực quan trọng và có nhu cầu nhân lực cao của xã hội.

'Học ở đâu cũng cần hiểu rõ bản thân"

Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường đào tạo nghề cho hay, học cao đẳng cũng thách thức các bạn sinh viên. Ví dụ như ngành công nghệ thông tin đòi hỏi phải học toán khó hơn nên là rào cản cho các bạn học cao đẳng. Ngành chăm sóc sắc đẹp không chỉ đơn thuần là học nghề mà sinh viên phải học kỹ năng giao tiếp, marketing, quản trị doanh nghiệp. Tất nhiên, chương trình học sẽ không khó như học đại học. Một số ngành hot hiện nay sinh viên đang theo học cao là nhóm ngành công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp, ngôn ngữ, thiết kế...

TS Trương Thị Hoa, Chuyên gia Giáo dục học, Giảng viên Khoa Tâm lý học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong việc lựa chọn nghề nghiệp, điều đầu tiên mỗi học sinh cần hiểu rõ bản thân, bao gồm năng lực, điểm mạnh, điểm yếu, năng lực học tập… 

Trong xã hội biến động không ngừng cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, TS Trương Thị Hoa cho rằng, sẽ có những biến động về nguồn nhân lực, có những ngành nghề mới có thể sinh ra và những ngành sẽ mất đi. Để đứng vững trong thị trường lao động luôn thay đổi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh đều cần chuẩn bị thật tốt những kỹ năng cần thiết để có thể linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của xã hội.

Chia sẻ các thí sinh năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT đưa ra lời khuyên: "Với xu hướng đào tạo đa ngành, xuyên ngành thì việc các em học một ngành nhưng sau này các em có thể làm nhiều nghề khác nhau. Các em thí sinh không nên lo lắng quá về lĩnh vực nghề nghiệp mà điều quan trọng là các em chọn ngành mà mình thực sự yêu thích.

Sau khi chọn ngành, các em hãy lựa chọn đến trường, cơ sở đào tạo. Sự lựa chọn này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như uy tín, chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, có đội ngũ thầy cô, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường đó có kiểm định hay không kiểm định. Sau đó thì các em cần nhắc đến những yếu tố khác ví dụ như vị trí địa lý của nhà trường, điều kiện tài chính của gia đình có phù hợp hay không".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem