Nhiều tập đoàn không hoàn thành nhiệm vụ

Thứ bảy, ngày 23/10/2010 00:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng qua 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch năm 2011. Hoạt động của tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước lại là tâm điểm chú ý của các đại biểu...
Bình luận 0
img
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi phát biểu tại thảo luận tổ.

Nhiều tập đoàn không hoàn thành nhiệm vụ

Vấn đề thiếu điện và trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nhiều đại biểu đặt ra một cách gay gắt. ĐB Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) đề nghị: Việc đầu tiên, cần làm ngay là cần khắc phục tình trạng cắt điện luân phiên trên diện rộng thời gian qua. Tình hình thiếu điện đã gây khó khăn cho kinh tế, bức xúc cho nhân dân ở tất cả các vùng miền.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) cho rằng: “Phải xem lại trách nhiệm của EVN. EVN được giao lo cho nhân dân đủ điện nhưng bao nhiêu năm không làm được”. Ông Sỹ đề nghị Chính phủ và ngành điện sớm phát triển nhiệt điện, phong điện… bên cạnh thuỷ điện như hiện nay và cần sớm tạo ra một thị trường điện cạnh tranh như trong lĩnh vực viễn thông đã làm.

Về “con tàu” Vinashin, ông Sỹ cũng cho rằng việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý tập đoàn này như đề nghị của Quốc hội là cần thiết. Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Việc Vinashin làm ăn thua lỗ, báo cáo không trung thực… cử tri đang rất quan tâm rằng ai sẽ chịu trách nhiệm? Vì sao để kéo dài đến gây hậu quả nghiêm trọng như vậy? Và Chính phủ cần báo cáo, cần làm rõ để cử tri và người dân hiểu rõ về vai trò điều hành của nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty...

Còn đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) vừa tham gia đoàn giám sát Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng cảnh báo: “Thông tin tôi nắm được thì nhà máy này đang lỗ rất nặng. Trong khi đó, đi đâu cũng thấy nhà hàng, khách sạn của Tập đoàn Dầu khí. Nếu tập đoàn này không nhanh chóng chú trọng đầu tư để khắc phục thua lỗ tại nhà máy thì sẽ rất nguy hiểm”.

Kinh tế và xã hội “đi” không cân bằng

Cần một bộ luật về phân bổ ngân sách

Chiều 22-10, trong phiên thảo luận ở tổ về đánh giá tình hình ngân sách năm 2010, dự toán phân bổ ngân sách năm 2011, đại biểu Phương Hữu Việt (Hà Nội) đề nghị Quốc hội cần xem xét thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng về các vấn đề liên quan đến ngân sách, đồng thời đưa ra một bộ luật về phân bổ ngân sách nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong những năm tiếp theo. Ông Việt cho rằng, nếu khu vực bên ngoài nhà nước đang quản lý ngân sách tốt hơn thì cần thiết phải duy trì việc này.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy những chỉ tiêu không đạt trong năm 2010 chủ yếu là các chỉ tiêu về xã hội, môi trường cũng làm nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về bước đi khập khiễng giữa kinh tế và các vấn đề xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng: Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu rơi vào lĩnh vực văn hoá - xã hội. Vậy nguyên nhân là do Chính phủ thực hiện không quyết liệt hay do chỉ tiêu Quốc hội đặt ra chưa sát, quá cao? Ông kiến nghị dù là nguyên nhân nào cũng phải được làm rõ chứ không nên để tình hình xảy ra như hiện nay.

Đại biểu Trần Đình Long (Đăk Lăk) đặt vấn đề: Báo cáo của Chính phủ không nêu về thực trạng phân hoá giàu nghèo giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp nhân dân là một thiếu sót. Nghèo đói là một nguyên nhân dẫn đến tội phạm về an ninh trật tự vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm thực sự. “Khiếu nại tố cáo có tỉnh tăng đến 120%. Kinh tế phát triển gì thì phát triển phải để dân yên, kinh tế đi đôi với văn hoá, xã hội” – ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên (đại biểu Hà Nội) cho hay, nguyên nhân khiến cho các chỉ tiêu về môi trường không đạt (4/7 chỉ tiêu) là do đầu tư của nhà nước chưa tương xứng. “Kinh phí cho xử lý rác chỉ đủ cho tuyên truyền giáo dục, còn không đủ để chạm vào vấn đề công nghệ. Mà xử lý rác như rác y tế, nếu đốt không tốt có nhiều độc tố ra môi trường còn nguy hại hơn gom lại một chỗ” – ông Nguyên nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội): Cần quy định bắt buộc đầu tư cho nông nghiệp

Những năm qua, đầu tư cho nông nghiệp đã được chú trọng hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư mạnh chủ yếu ở các tỉnh có tiềm năng. Những tỉnh nhỏ, tiềm lực kém rất ít hoặc hầu như không đầu tư cho nông nghiệp. Tôi đề nghị cần có quy định bắt buộc để các tỉnh đầu tư kinh phí cho nông nghiệp.

Đại biểu Mai Thế Trung (Bình Dương): Lợi ích từ nhập siêu rơi vào túi ai?

Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực định hướng xuất khẩu nhưng vẫn triền miên nhập siêu. Quốc hội phải làm rõ tình trạng nhập siêu rơi vào lợi ích của nhóm nào, còn nhập siêu vì tăng trưởng thì quá tốt. Ví dụ như nhập siêu điện thoại cao cấp thì đó thuộc nhóm lợi ích nào?

Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương): Kinh tế có tăng trưởng thực sự?

GDP tăng 6,7% nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8% thì nền kinh tế có tăng trưởng thật sự hay không, nếu tăng thì tăng ở đâu, chất lượng nền kinh tế có tăng hay không? Tôi xin nói là không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem