Nếu như các năm trước, Black Friday từng tạo ra các cơn sốt khổng lồ, khi xuất hiện cảnh tượng người tiêu dùng (đặc biệt là người trẻ và các chị em nội trợ) xếp hàng từ lúc nửa đêm để chờ bốc số hoặc "biển người" chen chúc tranh nhau mua sắm thì không khí mùa năm sắm năm nay lại kém nhộn nhịp.
Ghi nhận của Dân Việt, Black Friday năm nay rơi vào ngày 24/11, tuy nhiên lượng khách chỉ bắt đầu đổ về các trung tâm thương mại tại TP.HCM nhiều vào thời điểm buổi tối cùng ngày (sau giờ tan ca) và 2 ngày cuối tuần liền kề sau đó.
Lượng khách đổ về đông không đồng nghĩa là sức mua các mặt hàng tăng đột biến. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn đã khiến người tiêu dùng, các chị em có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Nhiều người tìm đến các trung tâm thương mại với tâm lí chỉ đi dạo xem các mặt hàng giảm giá ra sao. Nếu tìm thấy những món hàng thật sự có giá hời, giảm giá sốc, đúng với nhu cầu... thì họ mới xuống tiền mua.
Black Friday không còn sức hút như thời hoàng kim khiến các doanh nghiệp, nhãn hàng phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Nếu như các năm trước, một số đơn vị chỉ treo bảng giảm giá duy nhất trong một ngày hoặc giảm giá từ 3-5 ngày thì nay nhiều doanh nghiệp bắt đầu khuyến mãi từ đầu tháng và kéo dài đến hết tháng 11. Ghi nhận, các ngành hàng nỗ lực khuyến mãi nhất vẫn là quần áo, giày dép..., mĩ phẩm, đồ gia dụng....
Các chương trình giảm giá từ 50%, 70%, thậm chí 80-90% vẫn được kéo dài tại các cửa hàng. Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi vẫn tiếp tục tung ra các voucher mua sắm hậu Black Friday để thu hút khách hàng.
Đơn cử, ngoài khuyến mãi của các thương hiệu, sàn Lazada vẫn đang tung vocher giảm 100.000 đồng cho hoá đơn trên 1 triệu đồng trong các khung giờ 0 giờ, 12 giờ, 20 giờ. Ngoài ra, hàng loạt mã giảm phí ship cũng được triển khai cho người mua hàng. Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Shopee triển khai Shopee Live - giảm giá 50% và nhiều khuyến mãi đi kèm.
Sức mua vẫn khó tăng đột biến
Tuy nhiên, dù doanh nghiệp ra sức kích cầu, sức mua cũng được ghi nhận không tăng đột biến. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là do kinh tế khó khăn khiến nhiều người chọn cách thắt lưng buộc bụng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong thời gian gần đây liên tiếp tung ra khuyến mãi giảm giá "ăn theo" các ngày lễ lớn như 2/9, 20/10, 20/11, 11/11... Còn các ngày "đại sale" mỗi tháng như 9/9, 10/10, 11/11 và sau Black Friday là 12/12... khiến người tiêu dùng rơi vào tâm lí "quá tải". Mặt khác, các doanh nghiệp tuy tung nhiều khuyến mãi nhưng chủ yếu là xả hàng tồn kho, không đa dạng mẫu mã khiến người tiêu dùng thất vọng.
Chị Bùi Thị Phương (nhân viên văn phòng, 28 tuổi) cho biết cuối tuần qua mình đã tranh thủ dịp Black Friday để đi săn sale, tuy nhiên sau khi dạo một vòng trung tâm thương mại tại quận 1 chị đành chán nản đi về tay không.
"Các cửa hàng treo biển giảm giá từ 50-70% nhưng khi bước vào thì người mua mới phát hiện ra chỉ những mẫu cũ, còn ít size, quá khổ, gần hết hạn sử dụng... mới được giảm giá nhiều. Còn lại, đa số các mặt hàng mới, hạn sử dụng còn xa thì chỉ được áp dụng mức giảm từ 10-15%. Mức giảm này chẳng khác gì ngày thường hoặc là các chương trình tri ân khác", chị Phương chia sẻ.
Các tín đồ mua sắm còn phát hiện một số nhãn hàng, thương hiệu vẫn còn tình trạng nâng giá sản phẩm rồi mới áp dụng khuyến mãi, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều chị em có thói quen thường xuyên so sánh giá giữa các nền tảng, sàn thương mại điện tử... để mua hàng nên dễ dàng nhận thấy các thủ thuật này. Vì vậy họ đã quyết định không xuống tiền mua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.